Sống chung với bố mẹ và em chồng, cô vợ trẻ có cách để cân bằng mọi chi phí Tết cho gia đình 7 người

MẠN NGỌC |

Sống chung trong đại gia đình đông thành viên, làm sao để có thể chi phí cho Tết một cách hiệu quả, không phung phí nhưng vẫn đủ đầy?

Từ một cô gái làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu khi chưa có gia đình thì Phương Thảo (27 tuổi - Hà Nội) hiện đang buôn bán các mặt hàng cho mẹ và bé bỗng nhiên phải nhận một cương vị mới mẹ hoàn toàn đó là làm vợ, làm mẹ, làm dâu.

Vốn là con út trong một gia đình có 3 anh em, Thảo từ nhỏ đã được bố mẹ và hai anh lớn chăm sóc, có phần nuông chiều nên cô gần như không phải làm việc nhà, đến tuổi đi làm, Thảo cũng chỉ kiếm được bao nhiêu thì chi hết cho bản thân mình bấy nhiêu. Có thể nói, cô không hề có kế hoạch chi tiêu nào trong suốt những năm tháng chưa lập gia đình.

Cũng bởi điều này, khi kết hôn, Thảo không hề có bất kỳ khoản tiết kiệm khác ngoài của hồi môn mà gia đình cho. Cùng với việc không biết các kiểm soát tài chính cá nhân, Thảo bỗng dưng bắt buộc phải là người quản lý và chi tiêu cho một đại gia đình đông thành viên.

Với những ngày bình thường đã không dễ dàng gì rồi thế nhưng chưa kịp làm quen với cương vị mới thì Thảo đã phải đối mặt với một thứ cực kỳ khó khăn với các nàng dâu mới, đó là Tết.

Sống chung với bố mẹ và em chồng, cô vợ trẻ có cách để cân bằng mọi chi phí Tết cho gia đình 7 người- Ảnh 1.

Tết đầu tiên ở nhà chồng, vừa đến ông Công ông Táo đã tiêu hết hơn 50 triệu

Thảo vẫn nhớ như in cái Tết đầu tiên về nhà chồng. Bố mẹ chồng thuộc thế hệ hiện đại nên không kiểm soát bất kỳ việc gì của vợ chồng con cái. Mẹ chồng của Thảo thậm chí còn đùa rằng có con dâu nên rảnh rang không cần phải lo lắng chi tiêu Tết cho cả nhà nữa.

Cô dâu mới như Thảo chưa kịp mừng vì nhà chồng dễ tính đã phải áp lực vì mọi thứ liên quan đến Tết đều do một tay mình cân đo đong đếm mà chi tiêu hết.

Nhà chồng của Thảo có một quỹ đặc biệt đó là "quỹ Tết". Mỗi tháng trong năm, các thành viên trong gia đình đều tự giác trích 5% thu nhập để nộp vào quỹ này. Cuối năm, số quỹ sẽ được mở để sử dụng. Mẹ chồng của Thảo cho rằng Tết không nên là gánh nặng của riêng bất kỳ thành viên nào trong gia đình nên việc lập quỹ như vậy, cuối năm sẽ không ai phải đau đầu lo tài chính cho Tết hết.

"Mình vẫn còn nhớ năm đó, mình về làm dâu được 4 tháng thì đến Tết, vậy là thực ra mình mới đóng rất ít so với mọi người. Quỹ cuối năm tổng kết được 42 triệu, mẹ chồng mình đùn đẩy ngay khoản tiền 'nóng' này cho mình muốn chi tiêu sao thì làm. Đấy là lần đầu tiên trong đời được cầm tiền mà mình không vui nổi, chỉ thấy áp lực".

Và chuyện gì đến cũng đến, mới chỉ đến ngày ông Công ông Táo thì nàng dâu còn non kinh nghiệm như Thảo đã tiêu hết sạch số tiền quỹ và tiếp tục tiêu cấn cả vào tiền của hai vợ chồng.

"Đến giờ mình cũng không nhớ nổi mình đã mua sắm những cái gì để hết được số tiền lớn đến như vậy. Mình không lên danh sách chi tiêu cũng không có kế hoạch phải mua gì sắm gì nên đến cuối cùng mình cứ ngơ ngác mãi không hiểu tại sao lại hết tiền".

Rút kinh nghiệm với kế hoạch "chia để trị"

Sống chung với bố mẹ và em chồng, cô vợ trẻ có cách để cân bằng mọi chi phí Tết cho gia đình 7 người- Ảnh 2.

Thảo chia sẻ rằng sau cú sốc đầu tiên khi về nhà chồng đó, cô đã quyết định phải tìm ra phương án hữu hiệu nhất để không tiêu hết sạch tiền của nhà chồng như trước nữa.

Thảo nhận ra vấn đề nằm ở chỗ khi có quá nhiều thành viên, việc chi tiêu cho từng người một rất khó để kiểm soát. Lúc này, Thảo quyết định chia các thành viên trong gia đình thành từng nhóm nhỏ và phân bổ tiền vào các nhóm hợp lý nhất theo đặc thù của từng nhóm.

Năm thứ hai ở nhà chồng, quỹ Tết của cả nhà là 52 triệu.

Đầu tiên là nhóm chi chung: Nhóm này chiếm 40% số tiền quỹ (20.800.000) sẽ chi trả cho những khoản như thực phẩm Tết, cây Tết, trang trí nhà cửa, mua sắm tiêu dùng...

Tiếp theo là nhóm chi cho bố mẹ: Nhóm này chiếm 20% số tiền quỹ (10.400.000), Thảo trực tiếp đưa cho bố mẹ chồng số tiền này để ông bà có thể chi tiêu cá nhân như mừng tuổi họ hàng, đi chơi Tết...

Nhóm tiếp theo là nhóm chi cho vợ chồng Thảo: Nhóm này ở năm đầu tiên là 20% (10.400.000). Số tiền này vợ chồng Thảo chủ động chi tiêu cho bản thân.

Hai nhóm cuối cùng là nhóm chi cho em chồng nhóm phát sinh, mỗi nhóm 10% (5.200.000). Nếu nhóm phát sinh không dùng đến sẽ tiếp tục được chuyển vào quỹ Tết năm sau.

Sống chung với bố mẹ và em chồng, cô vợ trẻ có cách để cân bằng mọi chi phí Tết cho gia đình 7 người- Ảnh 3.

Những năm về sau, khi gia đình Thảo có thêm hai bé sinh đôi thì quỹ chi chung được cắt giảm xuống 30% và nhóm phát sinh cũng được chuyển sang cho nhóm chi cho vợ chồng Thảo với sự thống nhất đồng ý của cả gia đình. Lúc này, quỹ Tết chi cho nhóm vợ chồng Thảo là 40%.

Việc "chia để trị" này cực kỳ có hiệu quả với Thảo và cũng rất được lòng các thành viên trong gia đình vì họ có thể chủ động với việc chi tiêu Tết cho bản thân mà cũng không cần phải lo những khoản chung cho cả đại gia đình. Bởi tính hợp lý của nó, đại gia đình Thảo đã duy trì nó rất nhiều năm.

"Trước khi nói mình giỏi quản lý tiền thì phải nói đến truyền thống duy trì quỹ Tết của nhà chồng mình đã. Mỗi tháng chỉ trích ra một số tiền nhỏ thôi nhưng thật sự Tết đến ai cũng đỡ nặng gánh đi rất nhiều".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại