Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.
Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.
Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.
Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.
* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.
Mỗi năm nhắc tới địa danh "Bạch Đằng giang", ta lại nhớ về những chiến tích lẫy lừng của cha ông trong những chiến cuộc chống ngoại xâm. Bạch Đằng giang những ngày xa xưa ấy, là nơi chứng kiến sức mạnh tổ tiên đập tan quân xâm lược Nam Hán, Mông Nguyên. Và một trong những chỉ dấu quan trọng cho lịch sử là chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tý (1288) của quân dân nhà Trần trước giặc Nguyên.
Nói đến giặc Nguyên, dạo thế kỷ XIII, khắp Á - Âu khiếp sợ khi từ Thành Cát Tư Hãn cho đến những kẻ tiếp nối đế quốc Mông Nguyên về sau, ruổi vó ngựa chinh Tây, đánh Nam. Ấy vậy mà, ba lần đến mảnh đất Đại Việt "nhỏ như cái đấu", vó ngựa quân Mông Nguyên phải chùn bước mà lần lượt quay đầu ngược Bắc vì thua.
Sang nước ta lần đầu năm Mậu Ngọ (1258), dẫu thế giặc Mông mạnh như chẻ tre, nhưng cái tinh thần kháng chiến của nhà Trần trong lần đầu giáp mặt kẻ thù thảo nguyên, đã tự tin lắm qua lời tuyên của Thái sư Trần Thủ Độ: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Và rồi hùng hổ là thế, quân Mông Cổ sau đó cun cút tháo chạy về nước và bị dân ta mỉa mai là "giặc Phật".
Thạp gốm thể hiện binh lính nhà Trần
Chẳng từ bỏ dã tâm, năm Ất Dậu (1285), lần thứ hai quân Nguyên đánh Đại Việt, nhưng sao thắng nổi quyết tâm diệt giặc của vua tôi nhà Trần khi Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trả lời vua Trần: "Bệ hạ chém đầu thần trước đã rồi hãy hàng", khi các bô lão trong hội nghị Diên Hồng đồng thanh một lòng hô "Đánh". Thế rồi, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mà chạy thoát thân.
Thất bại hai lần trước một Đại Việt cứng đầu, quân Nguyên lần thứ ba tiến đánh nước ta. Đón giặc đến, Hưng Đạo đại vương lần này nhận định kẻ thù: "Năm nay thế giặc nhàn". Và quả vậy, với kinh nghiệm hai lần chống vó ngựa Mông Nguyên, vua tôi nhà Trần chủ động đánh giặc để dần đưa chúng vào nước cờ bí, phải quay giáo mà về.
Như ghi chép trong Quốc sử huấn mông, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho hay, quân tướng nhà Trần trước nhất đánh đắm thuyền lương của quân Nguyên ở Vân Đồn, tiệt đường lương thực của kẻ thù khiến cho "từ đây người Nguyên thiếu ăn, ai nấy mong về mà thế giặc không lo khó phá vậy". Thiếu lương, tinh thần rệu rã, lại không hợp thủy thổ, quân Nguyên tính phương rút lui. Thoát Hoan thì theo đường bộ mà rút, Ô Mã Nhi lĩnh thủy quân ruổi về. Và quân dân nhà Trần, thì chủ động dàn trận đợi giặc nơi Bạch Đằng giang.
Lịch sử nước nhà đã ghi, trận chiến Bạch Đằng giang diễn ra ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288). Trận chiến hào hùng ấy, được sử sách ghi lại tường tận lắm. Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết về sự kiện này, đã tường thuật diễn biến như sau:
"Hưng Đạo vương Quốc Tuấn biết quân Nguyên sắp rút lui, bèn trước hết cho người đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, lấy cỏ phủ lên đầu cọc, sẵn sàng chờ đợi. Khi bọn Ô Mã Nhi về đến Bạch Đằng, Quốc Tuấn nhân lúc nước thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy, bên Nguyên đem cả quân đuổi theo. Lúc ấy nước thủy triều xuống rất mau. Tướng Nguyễn Khoái thống lĩnh vệ quân Thánh Dực tung quân ra đánh quật lại, phá tan được quân Nguyên. Gặp lúc ấy đại quân của nhà vua kế tiếp tiến đến. Ô Mã Nhi phải thu thập những thuyền còn sót lại để chạy, không ngờ thuyền mắc trên cọc gỗ đều bị đổ nhào xuống nước, quân Nguyên chết không biết chừng nào mà kể, quân ta bắt được hơn bốn trăm chiếc thuyền. Tước nội minh tự là Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc đem dâng nộp thượng hoàng".
Có lẽ sau trận ấy, những tướng, quân Nguyên tham dự và đại bại mà sau còn được sống sót về nước, sẽ ám ảnh với cảnh "gươm chìm giáo gãy" hôm ấy khi mà "quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả" (Đại Việt sử ký toàn thư). Chẳng những quân bị thiệt hại vô số, mà tướng lĩnh cũng lần lượt phải chịu trói làm vật hiến phù về sau như Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi… Nhục nhã thay, thảm bại thay cho dã tâm, hành động xâm lược phi nghĩa!
Theo ghi chép trong Việt Nam sử lược, khi Hưng Đạo đại vương tiến quân đánh giặc, quân Ô Mã Nhi đã kéo đến Bạch Đằng, ngài "mới hô quân sĩ, trỏ sông Hóa giang [một nhánh sông Thái Bình] mà thề rằng: "Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì không về đến sông này nữa!. Quân sĩ ai nấy đều xin quyết chiến, kéo một mạch đến sông Bạch Đằng".
Và những gì diễn ra sau đó, đã trở thành mốc son trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta không chỉ ở triều Trần. Lại nói về khúc sông mà Quốc công Tiết chế thề nguyền, ấy là nơi con voi của ngài khi qua sông bị sa lầy mà chết.
Thời Lê Sơ, nhớ về chiến địa Bạch Đằng, Nguyễn Trãi có làm bài "Bạch Đằng hải khẩu" (Cửa bể Bạch Đằng). Thơ ấy, ca ngợi công tích của tiền nhân, có câu:
Ngạc kình núi dựng dăng dăng,
Gươm chìm giáo gãy mấy từng bến cao.
Quan hà trời đặt hiểm sao,
Đất này ghi dấu anh hào từ lâu.
Anh hào ấy, là Ngô Quyền dạo năm Mậu Tuất (938) đánh Nam Hán, là Hưng Đạo đại vương dạo năm Mậu Tý (1288). Còn trong thời Trần, Trương Hán Siêu nơi "Bạch Đằng giang phú" ngợi ca tâm thế của Quốc công Tiết chế khi đánh giặc Nguyên:
Kìa Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Ghi về "Triều đại nhà Trần", tác giả nước ngoài như Henri Emmanuel Souvignet trong Bắc Kỳ tạp lục đã lấy trận Bạch Đằng làm điểm nhấn của chiến thắng nhà Trần trước quân Nguyên khi ghi: "Quốc Tuấn thu được thắng lợi vẻ vang trên bờ sông Bạch Đằng (sông chảy qua phía Bắc của Hải Phòng), bắt sống được Ô Mã Nhi, vĩnh viễn giải phóng An Nam khỏi quân xâm lược Mông Cổ".
Tranh vẽ miêu tả Trần Hưng Đạo chỉ huy quân ta đánh quân Nguyên nơi sông Bạch Đằng.
Với riêng sử Nam ta, từ đây về sau, khi ghi về những chiến công hiển hách đánh quân xâm lược, Bạch Đằng có tên sánh với những Chi Lăng thời khởi nghĩa Lam Sơn, Đống Đa dạo Tây Sơn chống Thanh để trở thành những nhắc nhớ cho sức mạnh đoàn kết diệt địch của quân và dân ta qua các thời đại.
Cũng về sự kiện Bạch Đằng giang năm Mậu Tý (1288), có một điểm lưu ý là trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, có đề cập đến chiến trận Bạch Đằng qua câu:
Toa Đô ký cầm ư Hàm Tử quan,
Mã Nhi hựu ế ư Bạch Đằng hải.
Đoạn ấy, được Ngô Tất Tố dịch là:
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Đây là một sự nhầm lẫn của cụ Ức Trai, bởi thực tế thì trong trận Hàm Tử quân của Trần Nhật Duật đã diệt Toa Đô, còn nơi Bạch Đằng thì Ô Mã Nhi bị bắt sống.
* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Trần Đình Ba tại đây.