Tờ Bangkok Post mới đây đưa tin, giá sầu riêng ở Trung Quốc - thị trường hàng đầu thế giới về loại trái cây có gai, có mùi hương nồng đặc trưng và thường được coi là một mặt hàng xa xỉ - đã giảm trong tháng này khi Việt Nam vượt mặt Thái Lan trong cuộc cạnh tranh xuất khẩu gay gắt và người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm đến chi tiêu của họ.
Khoảng nửa tháng trước, nền tảng mua sắm trực tuyến Pupu (Trung Quốc) đã đặt giá một quả sầu riêng nặng 6 kg ở mức 179 - 209 nhân dân tệ (RMB, tương đương 630.000 – 735.000 VNĐ), giảm so với mức giá gần đây là 279 RMB (980.000 VNĐ), và một số nhà cung cấp sầu riêng đã đưa ra mức giá thấp 20 RMB/kg (70.000 VNĐ/kg).
Zhao Yu - một chuyên gia tài chính, 37 tuổi - cho biết, giá sầu riêng đã giảm trong tháng này tại cửa hàng trái cây nơi cô hay mua ở Thượng Hải mỗi khi sầu riêng được nhập về nhiều. Cô nhớ lại mức giá thấp 48 RMB/kg (169.000 VNĐ/kg) so với mức 56 RMB/kg (197.000 VNĐ/kg) mà cô thường mua, nhưng cho biết mức giá này không đủ chênh lệch để ảnh hưởng đến thói quen mua sầu riêng hai lần mỗi tháng của cô. "Khi họ có nhiều, giá sẽ giảm", Zhao nói.
Theo Bangkok Post, nhu cầu về sầu riêng - một món ngon đến mức được dùng làm quà cưới - đã tăng liên tục ở Trung Quốc, đòi hỏi phải nhập khẩu nhiều hơn do sản lượng trong nước tương đối thấp. Và Việt Nam đang cạnh tranh với Thái Lan để giành thị phần lớn hơn trên thị trường dường như không đáy của Trung Quốc.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, vào tháng 4/2024, giá nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan là 5,80 USD/kg (148.000 VNĐ/kg), vượt nhẹ so với mức trung bình chung là 5,38 USD/kg (137.000 VNĐ/kg). Ngược lại, sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu với giá 4,22 USD/kg (107.000 VNĐ/kg).
Nhìn chung, giá sầu riêng tại Trung Quốc đã giảm so với tháng 3, khi đó sầu riêng Thái Lan nhập khẩu với giá 6,49 USD/kg (165.000 VNĐ/kg), sầu riêng Việt Nam với giá 5,23 USD/kg (133.000 VNĐ/kg) và giá nhập khẩu trung bình trong tháng đạt 5,63 USD/kg (143.000 VNĐ/kg).
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nguồn cung sầu riêng từ Thái Lan cũng đã giảm. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023 xuống mức kỷ lục hàng tỷ USD. Các lô hàng giảm 35% tính theo mỗi kg.
Một đợt nắng nóng chết người ở Thái Lan vào tháng 4 và tháng 5 đã làm giảm sản lượng sầu riêng của quốc gia Đông Nam Á này, vốn thường có giá cao hơn so với sầu riêng Việt Nam.
Sam Sin - giám đốc phát triển của S&F Produce Group, một nhà xuất khẩu sầu riêng có trụ sở tại Hồng Kông, vận chuyển trái cây từ Thái Lan đến Trung Quốc đại lục - cho biết, nhiệt độ cao khiến vỏ bị nứt hoặc múi bị khô ở một số quả sầu riêng.
Tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), nhà nhập khẩu trái cây Huang Dapeng nói trên diễn đàn WeChat rằng, một số quả sầu riêng đang trở nên "quá nóng" và do đó được định giá thấp hơn giá thị trường.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 53.110 tấn sầu riêng tươi trong 2 tháng đầu năm 2024, với trị giá 283,6 triệu USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023, lên mức 57% tính trong 2 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2 về nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc với khối lượng đạt 19.016 tấn, trị giá 120,3 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Một nhà tư vấn Thái Lan cho biết, Việt Nam đang được hưởng miếng bánh lớn hơn vì chi phí sản xuất thấp hơn.
Aat Pisanwanich - cố vấn của Công ty Tư vấn Nghiên cứu Thông minh Thái Lan (IRCC) - cho biết, Việt Nam sẽ vào cuộc để chiếm lĩnh thị trường; nếu không có sự can thiệp của chính phủ, sản lượng sầu riêng Thái Lan sẽ giảm 53% trong 5 năm tới.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam - những người đã được cấp phép bán sầu riêng tươi ở Trung Quốc khoảng 3 năm trước, đã tiết kiệm chi phí bằng cách vận chuyển trái cây qua biên giới trên đất liền.
Jack Nguyễn – đến từ công ty tư vấn kinh doanh Mazars ở thành phố Hồ Chí Minh - cho biết: "Đó là do phương tiện di chuyển - họ có thể lái xe qua." Ông cho biết các nhà xuất khẩu những mặt hàng khác đã tiết kiệm được tiền bằng cách sử dụng cùng một tuyến đường bộ.
Cộng thêm sự suy giảm này là việc hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc trong năm nay. Harry Murphy Cruise - nhà kinh tế tại công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics - cho biết: "Niềm tin của người tiêu dùng đặc biệt yếu đã khiến chi tiêu của các hộ gia đình bị hạn chế."
Sầu riêng rất được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng
Tại Trung Quốc, sầu riêng trở nên phổ biến vào khoảng năm 2017. Trước đó, mặc dù sầu riêng được người dân Vân Nam, Quảng Đông và các tỉnh phía nam khác của Trung Quốc ăn nhưng nó không phải là loại trái cây phổ biến vào thời điểm đó. Vậy tại sao hiện nay sầu riêng lại được ưa chuộng ở Trung Quốc đến vậy? Tạp chí "Doanh nghiệp hiện đại" của Nhật Bản ngày 29/5 đã có bài viết đưa ra 3 lý do chính.
Đầu tiên là "vị đậm đà của sầu riêng". Một thanh niên 20 tuổi sống ở Thượng Hải nói: "Sầu riêng có kết cấu dính như phô mai kem rất phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc." Thanh niên này chưa từng ăn sầu riêng khi còn học đại học ở Bắc Kinh, nhưng đã bị nghiện sau khi tình cờ nếm thử. Sau đó, anh còn ăn pizza sầu riêng, thịt nướng sầu riêng và kem sầu riêng.
Vì sầu riêng có mùi khá nồng nên anh cho biết: "Không phải ai xung quanh tôi cũng thích sầu riêng. Dù sao, sầu riêng rất được giới trẻ ưa chuộng. Những người thích ăn thường mua ngay mà không cần đắn đo."
Lý do thứ hai là để "chạy theo xu hướng". Có nhiều người Trung Quốc chưa bao giờ ăn sầu riêng và rất tò mò. Nhưng khi mọi người đi du lịch đến Đông Nam Á hoặc các quốc gia khác, lần đầu tiên họ được nếm thử sầu riêng, và sự lan truyền thông tin trên mạng xã hội đã làm dấy lên cơn sốt sầu riêng.
Lý do thứ ba là lượng nhập khẩu tăng đã khiến sầu riêng được bày bán trên khắp Trung Quốc. Điều này là nhờ sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ kết nối với các nước Đông Nam Á. Trước đây, ở vùng đông bắc Trung Quốc, trái cây phương nam rất ít khi xuất hiện, nhưng hiện nay, dù ở đâu bạn cũng có thể nhìn thấy trái cây từ những nơi xa xôi và trái cây nhập khẩu trên kệ hàng.