Tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận khoảng 80.555 ca mắc SXH, cao gần gấp 3 lần số mắc trong cả năm 2016. Dù vậy, cả nước mới chỉ có duy nhất tỉnh Hà Nam công bố có dịch sốt xuất huyết (SXH).
Đáng chú ý, Hà Nam là địa phương có số mắc SXH không nhiều nếu so sánh với các địa phương khác.
Trong khi TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương có số ca mắc SXH cao nhất và đang gia tăng nhanh nhất nhưng chưa địa phương nào công bố dịch SXH.
Trả lời trên báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, công khai tình hình dịch bệnh để nhân dân biết.
Thứ hai, là huy động nguồn lực để làm tốt công tác phòng, chống dịch.
“Hiện nay, Hà Nội đã công khai có bệnh nhân SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng với số ca mắc và tử vong. Ngoài ra, Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống bệnh SXH.
Cụ thể, Thành uỷ Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND TP.HN đã có chỉ thị, các đoàn thể, cơ sở y tế đã vào cuộc. Kinh phí cho công tác phòng, chống SXH đã lên tới gần 20 tỷ đồng, các địa phương cũng trích ngân sách cho công tác phòng, chống SXH…
Như vậy, cả 2 yếu tố công khai dịch bệnh và huy động nguồn lực Hà Nội đã làm quyết liệt và đầy đủ” – ông Hoàng Đức Hạnh phân tích.
Cũng theo đại diện ngành y tế Hà Nội, dù thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt song do tình hình SXH hiện nay đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ.
Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch SXH sao cho phù hợp.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật là thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương song điều quan trọng nhất không phải là công bố dịch hay không mà là đáp ứng phòng chống dịch đến đâu.
Trong khi đó, sáng qua, 10-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH ở trọng điểm dịch bệnh này tại quận Hoàng Mai, kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Thanh Nhàn và chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH của thành phố.
Cũng trong chiều qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp làm việc với TP Hà Nội và các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội về tình hình dịch SXH và công tác phòng chống dịch bệnh này.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tiền chống dịch của Hà Nội không thiếu, máy móc không thiếu, chiến dịch diệt loăng quăng cũng đã tổ chức rồi... nhưng dịch vẫn tăng, do vậy đòi hỏi thành phố phải quyết liệt hơn nữa, có các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống dịch SXH.