Hãng tin Reuters mới đây đã có một bài viết về sự khác biệt trong phục hồi du lịch giữa Việt Nam và New Zealand – hai quốc gia đều được đánh giá là thành công ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan rộng trong nước.
Báo Tổ Quốc xin trích dịch lại bài viết.
Dự án khởi nghiệp du lịch của cô Laura Douglas – một trang trại nằm giữa các dãy núi phủ tuyết trắng ở miền nam New Zealand, từng thu hút hàng trăm khách du lịch nước ngoài mỗi tháng, cho tới khi bất ngờ bị "đóng băng" do tác động của dịch bệnh virus corona mới hồi tháng 3.
"Có vẻ như tôi đang than khóc vì công việc kinh doanh bị ngưng trệ vậy", người phụ nữ 33 tuổi chia sẻ qua điện thoại với Reuters. Douglas cho biết, cô phải làm thêm một công việc thứ hai là bác sỹ thú y mới có thể tạm thời chi trả được các hóa đơn trong thời điểm New Zealand áp dụng phong tỏa toàn quốc, bao gồm cả đóng cửa biên giới nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.
Du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của New Zealand (ảnh: getty)
Tốc độ hồi phục du lịch hậu COVID-19 của New Zealand được đánh giá là sẽ khá chậm chạp. Tuy nhiên, thực tế này lại đối lập với cách ngành du lịch tại Việt Nam vượt qua khó khăn. Tương tự như New Zealand, Việt Nam là một quốc gia khác cũng được ca ngợi là hình mẫu thành công của châu Á về kiềm chế dịch bệnh.
Cả Việt Nam và New Zealand đều đang nỗ lực quay trở lại cuộc sống bình thường sau thời gian phong tỏa với số ca nhiễm mới trong cộng đồng được hạn chế tối đa, phần lớn các lệnh hạn chế được dỡ bỏ ngoại trừ đi lại quốc tế. Trong khi du lịch New Zealand chưa giải quyết được bài toán không có khách quốc tế thì theo các dữ liệu thống kê và ý kiến người trong ngành, dường như Việt Nam đã bắt đầu hồi phục.
Một phần lớn nguyên nhân là nhờ du lịch nội địa đã lấp bớt khoảng trống. Điều đó cũng phản ánh mức độ thiệt hại kinh tế của hai nước do dịch bệnh. Nền kinh tế New Zealand được dự đoán là sẽ sụt giảm tới 20% so với nửa đầu năm 2020, còn Việt Nam vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng hàng năm trên 5%.
Tháng 7 thông thường là mua cao điểm du lịch tại New Zealand tuy nhiên hiện tại các chuyến bay hoạt động theo kế hoạch giảm 40% so với cùng kì năm ngoái, thậm chí nhiều chuyến còn bị hủy bỏ.
Công ty đặt chỗ du lịch AirDNA cho hay, nhu cầu sử dụng đặt phòng hàng tuần qua các dịch vụ như Airbnb và Vbro trong tháng 7 đều thấp hơn năm ngoái 55% và gần như chắc chắn sẽ chưa phục hồi trước cuối năm.
Vượt đại dương sang Việt Nam, câu chuyện lại rất khác biệt. Chỉ riêng trong tháng 7, dự kiến có hơn 26.000 chuyến bay hoạt động chuyên chở 5 triệu hành khách – tăng từ 16 tới 25% so với năm ngoái.
Theo Nguyen Thi Thuy Anh, chủ công ty lữ hành Minh Viet Booking, do các doanh nghiệp giảm giá để thu hút khách nội địa, số lượng booking trong tay cô đang ngày càng gia tăng.
"Nhiều người trước đây không có đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ 5 sao giờ đây đang tận hưởng điều đó nhờ vào các chương trình giảm giá", cô Thuy Anh đề cập tới những nỗ lực của chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương để thúc đẩy du lịch nội địa.
Tại một quốc gia mà hệ thống đường sắt và hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, du lịch bằng đường không lại trở thành một lựa chọn phổ biến từ trước đây và ngay cả hiện tại khi các hãng hàng không mở thêm tuyến bay và đưa ra các mức giá khuyến mãi chỉ từ 69.000 VND.
Các dữ liệu từ trang FlightRadar24 cho thấy, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng Phú Quốc và vịnh Cam Ranh là những điểm đến hàng đầu kể từ sau khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ từ tháng 4 cho tới hiện tại.
Sau thời gian giãn cách, Vịnh Hạ Long bắt đầu đông tàu du lịch trở lại nhờ vào số lượng khách du lịch nội địa tăng cao (ảnh: Reuters)
Quay trở lại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern đang kêu gọi người dân "trải nghiệm chính sân nhà của mình". Bà yêu cầu người lao động cân nhắc chỉ làm việc 4 ngày trong tuần, đồng thời tuyên bố, chính phủ đang tích cực xem xét cho phép nhiều ngày nghỉ hơn trong năm nay để mọi người có thể đi du lịch.
Mới đây, bà Ardern đã tham dự lễ khánh thành một khu trượt tuyết tại thành phố Queenstown với hy vọng đây sẽ là một địa điểm mới giúp thúc đẩy du lịch nội địa của địa phương.
Một số người New Zealand dường như đã lắng nghe lời khuyên của bà Ardern và thực hiện các chuyến đi đường dài vào dịp cuối tuần.
Theo công ty phân tích STR, mặc dù vẫn còn khủng hoảng nhưng nhu cầu khách sạn và thuê ngắn ngày đã bắt đầu tăng trở lại trong cuối tuần. Tuy nhiên, những người hoạt động trong ngành du lịch nhận xét, khoản ngân sách của chính phủ lên tới 237 triệu USD nhằm hỗ trợ một phần cho lương và các chi phí khác trong ngành, sẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại khi mà khách du lịch nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào New Zealand.