Kỳ 1: Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn
Kỳ 2: Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Lần ra dấu vết Saddam Hussein từ... một con ngựa trắng
Chấp nhận bị tra tấn
"Chính tôi đã đào cái lỗ đó cho ông ấy", Alaa Namiq nói, đôi mắt ánh lên sự tự hào. 6 năm sau ngày Hussein bị xử tử, Alaa mới lần đầu tiên chia sẻ về quãng thời gian che giấu Saddam Hussein - người mà cả gia đình ông đã quen biết nhiều thập kỷ và luôn một lòng tôn kính. Đó cũng là lần hiếm hoi Alaa mở lời.
"Cái lỗ" mà Alaa nhắc tới chính là "lỗ nhện" nổi tiếng, đường dẫn vào một hầm mà Saddam Hussein ẩn náu trước khi bị bắt. Nó nằm bên dưới trang trại của gia đình nhà Namiq ở al-Dawr, cách quê hương của nhà lãnh đạo Iraq bị lật đổ không xa.
Hầm ngầm bên dưới trang trại nhà Namiq, nơi Saddam Hussein ẩn náu trước khi bị bắt. Ảnh AP
Căn hầm nằm sâu khoảng 1,8 - 2,4 mét dưới lòng đất, có một chiếc giường nhỏ, một cái quạt, một lỗ thông gió, một vali đựng 750.000 USD và 2 khẩu AK-47.
Cách đó không xa là một căn nhà nhỏ, tường đắp bùn, bên ngoài là khu bếp đơn sơ lợp mái kim loại. "Nó có mùi thực sự kinh khủng. Nó giống ga-ra hơn là một ngôi nhà", báo Mỹ New York Times dẫn lời một lính Mỹ tham gia cuộc bố ráp Hussein nhớ lại.
Cứ mỗi khi Liên quân Mỹ lùng sục, Hussein sẽ di chuyển từ căn nhà xuống hầm ngầm. Căn hầm được che bằng thảm và nhựa dẻo, cùng gạch và đất bụi để ngụy trang.
"Ông ấy tới đây và nhờ chúng tôi giúp. Tôi đã đồng ý. Ông ấy nói, "cậu có thể bị bắt và bị tra tấn". Nhưng trong truyền thống của các bộ tộc Ả Rập chúng tôi, và luật Hồi giáo, khi ai đó cần tới sự giúp đỡ, chúng tôi sẽ giúp họ", Alaa khẳng định.
Cả ông và anh trai Qais Namiq đều từng làm việc cho Hussein: Alaa là tài xế, Qais là đầu bếp riêng. Alaa thừa nhận, chính gia đình mình, mà chủ yếu là Qais đã lái xe đưa Hussein di chuyển qua những địa điểm trú ẩn khác nhau.
Những bài phát biểu hùng hồn, kêu gọi lực lượng ủng hộ mình đứng lên chống lại Mỹ, cũng được Hussein viết tại ngôi nhà này, trước cùng Alaa di chuyển quãng đường hơn 15 km tới thành phố Samarra, tấp vào lề đường và thu âm, nhằm đánh lạc hướng người Mỹ.
Những ngày lẩn trốn sự truy đuổi của Liên quân Mỹ, Hussein không sử dụng điện thoại, vì ông biết mình có thể bị nghe trộm. Hussein ghi chép mọi thứ ra giấy, kể cả sáng tác văn xuôi và thơ ca. Những tài liệu đó bị Mỹ tịch thu, cùng ngày Hussein bị bắt, Alaa và Qais cũng bị giải đi.
Nhà hàng của một "anh hùng"
Alaa và Qais đã sống những ngày tháng khổ sở trong nhà tù Abu Ghraib suốt 6 tháng. Phòng giam của không có nổi một tia sáng lọt vào và liên tục bị đổ nước để luôn ẩm ướt. Namiq kể lại, ông đã bị trùm đầu, bị đánh đập, bị chó săn cắn và bị tra tấn bằng nhạc rock. "Tôi chịu đựng được những con chó, những màn tra tấn, nhưng tôi không thể chịu được thứ âm nhạc đó".
Chính anh em nhà Alaa là người đã đào chiếc “lỗ nhện” nổi tiếng cho Hussein chui xuống ẩn náu dưới hầm. Ảnh AP
Sau vài năm làm lái xe, ở tuổi 41, Alaa đã kiếm đủ tiền để mở một nhà hàng gia đình nhỏ bên bờ sông, với một vài chiếc bếp nướng và bàn nhựa ngay tại quê nhà. Ông không che giấu sự tôn kính mà mình dành cho Hussein.
"Ông ấy biết rồi một ngày mình sẽ bị bắt và bị hành quyết. Trong thâm tâm, ông ấy biết mọi thứ sẽ sụp đổ và ông ấy không còn là Tổng thống nữa. Vì vậy, ông ấy đã bắt đầu một điều mới - thánh chiến chống lại lực lượng chiếm đóng đất nước (quân đội Mỹ). Ông ấy đã hi sinh mọi thứ mình có, bao gồm cả con trai, vì lợi ích của đất nước".
Khi ra tù và sinh sống yên ổn ở quê nhà, Alaa tin chắc rằng những người sống quanh mình cũng có chung suy nghĩ về vị cựu lãnh đạo đất nước. Người dân ở al Dawr, cho tới nhiều năm sau này, vẫn coi vị Tổng thống bị lật đổ là một "tượng đài". Và anh em nhà Namiq được coi trọng như một thành viên của hoàng tộc vì đã từng bảo vệ cho người họ ngưỡng vọng.
"Người dân ở Dawr còn tôn trọng và đánh giá cao gia đình của họ hơn trước. Chúng tôi coi đó là một hành động anh hùng", Đại tá Mohammad Hassan, thành viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Iraq đóng tại Dawr bày tỏ. "Hành động đó không chỉ là việc của 1 gia đình, mà đại diện cho tất cả công dân Dawr. Thành phố này đón nhận Hussein".
(Còn nữa)