Cách đây đúng 15 năm, ngày 20/3/2003 Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh và chiếm đóng Iraq. Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi, đây là ngày đáng nhớ nhất. Đầu năm 2003, quan hệ giữa Iraq và Mỹ căng thẳng lên đến đỉnh cao.
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tại cuộc họp 5/2/2003 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Reuters
Trong khi Ủy ban Giám sát, Thẩm định và Thanh sát của Liên hợp quốc UNMOVIC (The UN Monitoring, Verification and Inspection Commission) còn đang làm việc và chưa có kết luận về việc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt, thì ngày 5/2/2003 tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã bất ngờ giơ lên một chiếc lọ nhỏ tý bằng thủy tinh chứa một ít bột màu trắng và cho đây là một chất gây ra bệnh than được tìm thấy tại Iraq và là bằng chứng Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt.
Lúc đó trong đoàn ngoại giao có hai luồng ý kiến. Một số đại sứ cho rằng Mỹ sẽ đánh Iraq vì họ đã lên kế hoạch và bây giờ chỉ còn tìm ra cái cớ để phát hỏa mà thôi. Một số đại sứ khác, trong đó có tôi thì cho rằng Mỹ làm như vậy để gây sức ép buộc chính quyền Iraq phải chấp nhận tất cả các điều kiện của Mỹ, trong đó có việc Tổng thống Saddam Hussein phải ra đi vì trên thực tế Iraq không còn vũ khí hủy diệt nữa.
Ủy ban thanh sát vũ khí của Liên hợp quốc hợp tác với chính phủ Iraq đã tiến hành thanh sát tất cả các địa điểm trong lãnh thổ Iraq hơn 10 năm nay rồi. Chính phủ Iraq cũng tuyên bố khẳng định hoàn toàn không có vũ khí hủy diệt, sẵn sàng chấp nhận tất cả các điều kiện của Mỹ.
Thanh sát viên LHQ điều tra tại Iraq. Ảnh: IAEA
Để tránh một cuộc chiến tranh, một số nước đã khuyên Tổng thống Saddam Hussein từ bỏ quyền lực và mời ông cùng gia đình sang sinh sống tại nước mình, nhưng Saddam Hussein đã kiên quyết từ chối vì coi đây là vi phạm đến danh dự và chủ quyền quốc gia của Iraq.
Song song với việc tố cáo Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt, Mỹ đã lập một liên minh quốc tế hơn bốn mươi nước và dồn dập đưa quân cùng các phương tiện chiến tranh đến khu vực.
Trên 300 ngàn quân, hàng trăm xe tăng và máy bay được đưa đến Kuwait ở biên giới phía Nam và Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq. Nhiều tàu chiến, tàu sân bay được triển khai tại Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Không khí chiến tranh sôi sục.
Ngày 15/3/2003, tôi tổ chức một cuộc họp các đại sứ thân thiết tại Đại sứ quán gồm đại sứ các nước ASEAN, Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Pháp... để trao đổi nhận định tình hình và bàn các biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên. Hầu hết tất cả các đại sứ đều cho rằng Mỹ sẽ đánh Iraq trong vài ngày tới và cần phải sơ tán toàn bộ người sang Jordan.
Lịch công tác buổi họp cuối cùng với các đại sứ 15/3.
Tôi khẩn trương họp tất cả cán bộ nhân viên Đại sứ quán và nhất trí đưa phụ nữ, trẻ em và một số cán bộ nhân viên đi trước. Tôi và một vài người đi sau.
Tôi là đại sứ cuối cùng rời Baghdad sáng 19/3/2003. Chiều 18/3/2003, tôi đánh xe đi một vòng quanh Baghdad như để tạm biệt một thành phố mà tôi đã ở đây 15-16 năm trời. Tôi thấy nhiều chướng ngại vật, các ụ súng, các bao tải cát được dựng lên trên đường phố, súng bắn máy bay được đặt trên nóc các toà nhà cao tầng sẵn sàng chiến đấu.
Không khí cho thấy một cuộc đối đầu quân sự sắp bắt đầu. Dù gắn bó với thành phố này, với người dân nước này thế nào đi chăng nữa thì cũng phải ra đi thôi.
Tôi khoá cổng Đại sứ quán, giao chìa khóa cho cô thư ký Ihda'a Taleb và dặn cô không cần đến làm việc nữa mà thi thoảng đến tưới cho những cây hoa trong vườn thôi. Chúng tôi chào lá cờ Tổ quốc trên nóc toà nhà Đại sứ quán rồi ra đi. Chúng tôi thấy khoé mắt cô thư ký ướt lệ.
Vừa đặt chân đến Jordan đêm 19 rạng sáng 20/3/2003, Mỹ và liên quân đã nã hàng loạt tên lửa vào thủ đô Baghdad và đổ bộ vào phía Nam Iraq. Cuộc tấn công Iraq bắt đầu. Chỉ trong vòng 20 ngày, Mỹ và liên quân đã chiếm Iraq. Lý do cũng dễ hiểu, một đất nước đã bị kiệt quệ sau 12 năm bị cấm vận toàn diện không thể nào ngăn cản được một lực lượng đông đảo, hùng hậu của Mỹ và liên quân.
Cuộc chiến của Mỹ và liên quân đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ cho Iraq, cho khu vực Trung Đông mà còn cho chính nước Mỹ.
Quân đội Mỹ hiện diện tại Iraq. Ảnh: John L. Houghton
Một triệu rưỡi người Iraq bị chết, hơn hai triệu người khác phải rời bỏ quê hương sang sống tỵ nạn ở nước ngoài. Tổng thống Mỹ George Bush, người hoạch định chính cho cuộc chiến tranh này năm 2003 đã tuyên bố:
"Một nước Iraq mới sẽ là một hình mẫu về tự do, dân chủ, hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông. Ở đó mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc và tình bác ái, không có nhà tù, tra tấn và đàn áp".
Điều đó đã không xảy ra. 15 năm trôi qua, vết thương Iraq vẫn rỉ máu. Iraq vẫn chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội triền miên. Đất nước bị tàn phá, tan rã và chia cắt về sắc tộc và tôn giáo giữa người Sunni, Shiite và người Kurds, giữa người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi...
Các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, Al-Qaida được cơ trỗi dậy gây thêm không biết vào nhiêu tội ác đối với người dân Iraq. Đến nay, người dân Iraq vẫn không được sống trọn vẹn trong hoà bình.
Về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Iraq đối với Trung Đông, không cần phải nói nhiều.
Ngày 20/3 là một quả bom phát nổ làm rung chuyển khu vực và nó sẽ còn tiếp tục gây ra sự hỗn loạn bao trùm lên toàn bộ khu vực. Bạo lực tràn lan. Các tổ chức khủng bố trước đây bị cấm, nay mọc lên như nấm. Các cuộc xung đột đẫm máu tại Libya, Syria, Yemen....làm hàng triệu người chết chưa biết bao giờ kết thúc.
Vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra được con số chính xác về tổn thất của Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Tuy nhiên, theo nhiều con số thống kê của chính nước Mỹ, đến nay Washington đã chi khoảng 6 ngàn tỷ đô la, tương đương khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc nội GDP của Mỹ cho cuộc chiến tại Iraq, 4.497 binh sỹ Mỹ bị chết và 32.223 bị thương.
Theo một số chuyên gia thì số lính Mỹ bị chết và bị thương trên thực tế còn cao hơn nhiều. Đây là con số thương vong lớn nhất của Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Theo một tài liệu nghiên cứu của trường đại học Brown Providence University của Mỹ, có 2,7 triệu lính Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan từ 2001 đến 2014 khi trở về Mỹ hầu hết đều không có cuộc sống bình thường, 1/8 trong số những người lính này đã mắc triệu chứng rối loạn tâm lý PTSD (Post-traumatic Stress Disorder).
Sự tổn thất về vật chất và con người của Mỹ trong cuộc chiến Iraq là hết sức to lớn, nhưng theo tôi, sự mất lòng tin vào Mỹ bởi những lời nói dối về vũ khí hủy diệt tại Iraq sẽ không thể nào lấy lại được. Không ai còn tin vào những lời hứa của Mỹ về một nền dân chủ, một nền hoà bình, một cuộc sống tự do và hạnh phúc cho các khu vực.
Chính cựu ngoại trưởng Mỹ Collin Powell, người đã cầm một vật thể nhỏ giơ lên trước Đại hội đồng LHQ đầu 2003 và nói rằng đây là loại vũ khí giết người hàng loạt của Iraq, sau này đã phải thừa nhận: "Nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối" theo lệnh của Cơ quan tình báo Mỹ CIA và cuộc chiến đã được dựng lên theo những lý do không có thật.
Cựu Tổng thống Bush của Mỹ và cựu Thủ tướng Tony Blair của Anh là tác giả của cuộc chiến tranh chống Iraq năm 2003 cũng đã phải thừa nhận là sai lầm.
Đặc biệt, ông Bush khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC gần đây cũng đã phải lên tiếng: "Sự hối tiếc lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi là đã dựa vào những thông tin sai lệch của cơ quan tình báo CIA về việc Iraq có một kho vũ khí hủy diệt".
Chính vì lẽ đó, dư luận cũng không còn tin vào những lời cáo buộc của Mỹ về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học. Nhiều người cho rằng Washington đang lặp lại kịch bản cũ tại Iraq để kiếm cớ tấn công Syria.
Mới đây ông Rezgar Mohammed Amin, thẩm phán chủ toạ phiên toà xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein từ chức năm 2006 sau vài phiên xét xử đã dành cho hãng thông tấn RT của Nga một cuộc trả lời phỏng vấn hết sức thẳng thắn.
Ông cho biết, ông quyết định từ chức là do việc xét xử không công bằng, không dựa trên luật pháp Iraq cũng như luật pháp quốc tế. Ông nói, Saddam Hussein nếu được xét xử tại toà án hình sự quốc tế thì sẽ không bị án tử hình. Và nếu xử đúng theo luật Iraq thì ông cũng không phải chịu án tử hình.
Thẩm phán Rezgar Mohammed Amin nói, phiên toà không được truyền hình trực tiếp mà phải qua người Mỹ ngồi phòng bên cạnh kiểm duyệt, cắt bỏ các đoạn Saddam Hussein nói về những vấn đề mà Mỹ không thích.
Toà án hình sự tối cao Iraq thông qua bản án tử hình đối với Saddam Hussein ngày 26/10/2006, theo luật Iraq thì bản án phải được thi hành trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên chính phủ đã không chờ đến cuối thời hạn cho phép mà ra lệnh tử hình ông ngay 4 ngày sau, tức là vào ngày 30/10 năm đó.
Ngày đó lại là ngày đầu tiên của lễ Al- Edha thiêng liêng của đạo Hồi. Luật Iraq cấm tử hình bất cứ người nào vào những ngày lễ tôn giáo và dịp quốc khánh, nhưng chính phủ Iraq và Mỹ đã không tôn trọng điều này. Ông Rezgar Mohammed Amin cho rằng việc tử hình Saddam Hussein là một sự trả thù.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại