Giải mật lực lượng hùng mạnh đang giúp Iraq quét sạch IS, nhưng khiến Mỹ "mất ăn mất ngủ"

Hoàng Nhật |

Các Đơn vị huy động nhân dân (PMU) đang ngày càng trở thành một thế lực lớn mạnh, cản trở những mục tiêu của Mỹ tại Iraq nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.

PMU là lực lượng chính trị-quân sự có nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq.

Lịch sử hình thành

Tháng 6/2014, bóng ma khủng bố IS nổi lên và nhanh chóng bao trùm toàn bộ đất nước Iraq. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, nhóm khủng bố đã chiếm giữ 1/3 lãnh thổ Iraq, bao gồm Mosul - thành phố lớn thứ hai của quốc gia này.

Trước sự tan rã quá nhanh của quân đội Iraq, chính quyền Baghdad đã kêu gọi và động viên các lực lượng dân quân, các tổ chức bán quân sự, các bộ lạc, bộ tộc trên cả nước tham gia vào cuộc chiến bảo vệ sự tồn vong của chế độ.

Ngày 15/6/2014, lãnh tụ của người Hồi giáo Shia ở Iraq, Ali al-Husseini al-Sistani tuyên bố thành lập PMU, một tổ chức chính trị-quân sự trên cơ sở thống nhất 70 thực thể chính trị-quân sự lớn nhỏ trên toàn bộ đất nước Iraq, nhằm đối chọi IS.

Vừa ra đời, PMU đã giành được những thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến chống IS. Riêng trong năm 2014, PMU tiêu diệt 1.200 tay súng Hồi giáo cực đoan và chặn đứng IS ở tỉnh Salahaddin, cứu quân đội chính phủ Iraq khỏi thảm họa bị xóa sổ.

Trên đà thắng lợi, PMU tiếp tục giải phóng hàng loạt thành phố gồm Baiji, Tikrit, Samara, Fallujah. Tổ chức này còn thu hút lực lượng của IS về hướng mình, đẩy nhanh giải phóng các vùng ven biên giới với Syria và tạo điều kiện cho quân đội chính phủ giải phóng Mosul.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iraq, ông Mohammed Al-Ghabban trong một buổi họp báo đã phát biểu rằng: "PMU là có một kho tàng kinh nghiệm chiến đấu độc nhất, đầy thành công và quan trọng, được hình thành theo nhiều giai đoạn trong cuộc chiến này."

Trở thành cái gai trong mắt người Mỹ

Giải mật lực lượng hùng mạnh đang giúp Iraq quét sạch IS, nhưng khiến Mỹ mất ăn mất ngủ - Ảnh 1.

Falih Al-Fayyadh, chủ tịch hội đồng PMU

Dẫu thành công là vậy, nhưng PMU không nhận được nhiều ánh nhìn thiện cảm từ Washington. Ngược lại, họ phải chịu nhiều lời cảnh cáo từ Lầu Năm Góc.

Sự mập mờ và khó hiểu này có thể giải thích bằng một số đặc điểm của PMU như sau:

Thứ nhất, nhiều nhóm tham gia cấu thành tổ chức này đang gửi quân chiến đấu ở Syria, chống lại quân đối lập được Mỹ hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad. Có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như Kata’ib Hezbollah, Sayyid al-Shuhada hay Harakat Hezbollahal-Nujaba.

Thứ hai, PMU chia sẻ khá nhiều quan điểm chính trị với Iran. Có 3 tổ chức lớn thuộc PMU - gồm Asaib Ahl al-Haq, Harakat Hezbollahal-Nujaba và Kata’ib Jund al-Imam - tuyên bố ủng hộ học thuyết chính trị của lãnh tụ tối cao Iran, Ali Khamenei.

Cũng nói thêm rằng, một số lực lượng vũ trang cấu thành của tổ chức đã từng tham gia chống lại quân đội Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003, điển hình là Kata’ib Hezbollah.

Thứ ba, PMU có đầy đủ các thành phần dân tộc và tôn giáo ở Iraq tham gia, bao gồm người Thiên chúa giáo, người Hồi giáo dòng Sunni, dòng Shia, người Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, người Yazid và cả người Kurd.

PMU cũng chia sẻ với chính quyền Assad ở Syria về ý tưởng một nhà nước thống nhất các tôn giáo, các dân tộc - điều đi ngược lại với chiến lược của Mỹ tại Iraq về xây dựng chính quyền, là chỉ ưu tiên hỗ trợ một nhóm hoặc một dòng tôn giáo nhất định.

Cuối cùng, điều mà Mỹ lo ngại nhất ở PMU là sức mạnh quân sự của tổ chức này. Hiện PMU có xấp xỉ 90.000 quân thường trực, khi cần thiết có thể động viên 3 triệu chiến binh trên toàn lãnh thổ Iraq.

Để so sánh, quân đội chính phủ Iraq chỉ có lực lượng thường trực khoảng 200.000 quân và 500.000 binh sĩ dự bị, chưa kể tình trạng đào ngũ và tổ chức kỷ luật kém.

PMU không chỉ là một tổ chức dân quân, mà là một quân đội thực sự với đầy đủ các binh chủng hiện đại, có chương trình huấn luyện bài bản và có nguồn hậu cần dồi dào.

Hàng năm, chính phủ Iraq chi 1.16 nghìn tỷ Iraq dinar (khoảng 1.37 tỉ USD) cho các hoạt động quân sự của PMU. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ tài chính, quân trang, vũ khí và thuốc men thực phẩm cho tổ chức này phần lớn lại đến từ Iran và Syria, có một số nguồn tin cho biết Nga cũng bắt đầu tiếp tế cho PMU, nhưng thông tin này vẫn cần được xác minh.

Giải mật lực lượng hùng mạnh đang giúp Iraq quét sạch IS, nhưng khiến Mỹ mất ăn mất ngủ - Ảnh 2.

Các binh sĩ của một tổ chức vũ trang thuộc lực lượng PMU (Ảnh: Southfront)

Ngay từ khi PMU hình thành, Washington luôn phàn nàn với chính quyền Baghdad rằng PMU đang cản trở những kế hoạch của Mỹ ở Syria, khi tổ chức này liên tục gửi các đơn vị sang chiến đấu cùng với quân đội chính phủ Syria.

Sau một thời gian dài không có gì thay đổi, Mỹ tuyên bố ngừng hỗ trợ về vật chất và hỏa lực không quân cho các chiến dịch chống IS của PMU trên lãnh thổ Iraq.

Trong năm 2016 và 2017, các chiến dịch của PMU ngày càng tiến sát về phía biên giới Syria, đôi khi quân Iraq vượt biên đánh các lực lượng của cả IS lẫn quân đối lập thân Mỹ ở biên kia biên giới.

Mỹ bắt đầu cho rằng họ cần phải thực hiện một số đòn “dằn mặt” mới có thể ngăn chặn PMU tiếp tục hợp tác với quân chính phủ Syria.

Ngày 18/5/2017, Mỹ không kích nhóm vũ trang Kata'ib al-Imam Ali thuộc PMU, đang chiến đấu bên cạnh quân chính phủ Syria gần cửa khẩu Al-Tanf ở biên giới Syria-Iraq.

Một ngày sau đó, Mỹ lại ném bom lực lượng Sayyed Al-Shuhada cũng thuộc PMU gần Al-Tanf, dù nhóm này đang hoạt động bên trong lãnh thổ Iraq. Vụ không kích này không được thông tin rộng rãi như vụ trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 7/8, quân PMU tuyên bố pháo binh Mỹ từ bên kia biên giới Syria đã bắn vào lực lượng này ở Akashat, làm thiệt mạng 40 binh sĩ, ngay sau đó các tay súng IS quanh khu vực thừa cơ phát động tấn công làm PMU thương vong thêm 20 binh sĩ nữa.

Ngày 21/8, 38 binh sĩ PMU khác thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ ở Tal Afar, miền bắc Iraq. Phía Mỹ tuyên bố vụ ném bom này là "một nhầm lẫn đáng tiếc".

Nguy cơ về một nhà nước Iraq thân Damascus và Tehran

Giải mật lực lượng hùng mạnh đang giúp Iraq quét sạch IS, nhưng khiến Mỹ mất ăn mất ngủ - Ảnh 3.

Trên chiến trường lẫn chính trường Iraq hiện nay, PMU vẫn là lực lượng chính trị-quân sự hoạt động hiệu quả và thống nhất nhất trong cuộc chiến chống IS (Ảnh: Southfront)

Với tiềm lực tài chính và quân sự to lớn của mình, một khi số phận của IS tại Iraq được định đoạt, không quá khó để có thể đoán PMU sẽ tổ chức thành một chính đảng, chính thức tham gia vào chính trường Iraq.

Được đông đảo cộng đồng các sắc tộc và tôn giáo ủng hộ, lại cộng thêm uy tín về khả năng thống nhất các phe cánh trong bối cảnh dân chúng Iraq đã ngán ngẩm tình hình bất ổn kéo dài gần 15 năm qua tại quê hương của mình, khả năng giành phiếu của PMU là không hề thấp.

Đối với Washington, viễn cảnh về một chính đảng thân Iran và Syria nổi lên tại Iraq là không hề hay ho gì. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc Iraq sẽ tuột khỏi tầm kiểm soát của Mỹ, và chiến lược mà họ tốn nhiều công sức lẫn của cải thiết lập từ năm 2003 đến nay sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Thêm vào đó, trong bối cảnh Nga đang tìm lại ảnh hưởng của mình ở Trung Đông bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự thường xuyên ở Syria, thì "mất" Iraq nghĩa là mất một khu vực nhiều mỏ ở Trung Đông.

Chính vì thế, trong tương lai, khi IS bị tiêu diệt, Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn sự mở rộng ủng hộ và danh tiếng của PMU trên chính trường Iraq, và không loại trừ cả khả năng nỗ lực làm tổ chức này tự tan rã, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Mỹ tại Iraq nói riêng và cả vùng Trung Đông nói chung.

Quân đội Iraq giao tranh với IS tại Mosul. Nguồn: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại