Số phận của S-70 Okhotnik sau khi bị Su-57 bắn hạ trên bầu trời Ukraine

quang hưng |

Vẫn còn nhiều suy đoán xung quanh việc Nga buộc phải phá hủy S-70 Okhotnik , tuy nhiên lí do chính vẫn được nhiều người tin là Nga không muốn nó rơi vào tay NATO.

Ngày càng có nhiều thông tin về việc một máy bay chiến Su-57, vô hiệu hóa một nguyên mẫu máy bay chiến đấu không người lái S-70 Okhotnik của Nga ngay trên chiến trường Ukraine. Chiếc Okhotnik bị bắn hạ là phiên bản ban đầu, nó thiếu các tính năng tàng hình tiên tiến như trên các mẫu mới hơn, chiếc máy bay này đang trong quá trình thử nghiệm chiến đấu ngay trên chiến trường Ukraine.

Chiếc Okhotnik này đang hoạt động gần Konstantynivka ở khu vực Donetsk đang tranh chấp, đây là một trong những không phận do Ukraine kiểm soát và được bảo vệ tốt nhất trên chiến trường. Điều này cho thấy rằng Nga đang muốn đưa chiếc S-70 Okhotnik của mình vào môi trường thử nghiệm khắc nghiệt nhất.

Số phận của S-70 Okhotnik sau khi bị Su-57 bắn hạ trên bầu trời Ukraine - Ảnh 1.

 

Su-57 bắn hạ S-70 Okhotnik

Người ta cho rằng chiếc S-70 Okhotnik đã bị mất quyền kiểm soát, có thể là do lỗi kỹ thuật hoặc nhiễu điện tử của Ukraine và đồng minh, chiếc máy bay có thể rơi vào tay của Ukraine hoặc các đồng minh NATO khi còn nguyên vẹn. Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine đã liên tục chuyển giao những thiết bị nhạy cảm thu được từ Nga cho các đồng minh phương Tây để nghiên cứu và giải mã.

Các báo cáo tiết lộ rằng, chiếc Su-57 của Nga đã phải bắn hạ máy bay không người lái S-70 trong tầm nhìn, có thể là do khó khăn trong việc nhắm mục tiêu vào một máy bay có tiết diện radar thấp như vậy.

Một khả năng khác được đưa ra là chiếc Su-57 không mang theo tên lửa ngoài tầm nhìn, do khoang vũ khí của Su-57 đã mang đầy tên lửa hành trình, hoặc là Không quân Nga không muốn để Ukraine hoặc đồng minh của họ thu hồi được phần còn lại của tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar R-77M mới của mình.

Số phận của S-70 Okhotnik sau khi bị Su-57 bắn hạ trên bầu trời Ukraine - Ảnh 2.

 

Triển vọng của S-70 Okhotnik

Việc để mất nguyên mẫu S-70 được cho là sẽ không gây ra hậu quả đáng kể cho chương trình phát triển, vì các biến thể tiên tiến hơn đã ra đời và tích cực được sử dụng trong thời gian gần đây. Chiếc máy bay này được thiết kế với khả năng dễ bị tiêu hủy hơn so với các máy bay chiến đấu có người lái như Su-57, trong khi vẫn giữ được khả năng sống sót, tầm bay và hỏa lực mạnh.

Để mất một chiếc S-70 Okhotnik được xem là tổn thất tương đối nhỏ, nhưng đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của chiếc máy bay này trên chiến trường. Việc chiếm quyền điều khiển một máy bay không người lái tàng hình có giá trị cao không phải là chưa có tiền lệ, Iran đã từng giành quyền điều khiển một chiếc máy bay không người lái được cho là nhạy cảm nhất thế giới vào năm 2011, đó là chiếc RQ-170 của Mỹ.

Đối với Su-57, việc phá hủy chiếc S-70 trước khi nó rơi vào tay phương Tây có thể là hoạt động quan trọng nhất trong lịch sử của chiếc máy bay chiến đấu này cho đến nay, mặc dù Su-57 đã được triển khai rộng rãi để tấn công các mục tiêu của Ukraine từ năm 2022.

Vào tháng 8/2020, Lực lượng vũ trang Nga đã đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ đưa S-70 vào hoạt động và sẵn sàng chiến đấu, vì vậy, việc triển khai các nguyên mẫu thử nghiệm chiến đấu cường độ cao trên tiền tuyến ở Ukraine được xem là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình này.

Số lượng S-70 Okhotnik đã được sản xuất và tình trạng của chúng trong Không quân Nga vẫn chưa được tiết lộ. Máy bay tàng hình S-70 Okhotnik lần đầu tiên được công bố vào tháng 1/2019, với khoang vũ khí bên trong gần như giống hệt Su-57, nhằm mục đích chứa cùng loại vũ khí ngoài tầm nhìn, bao gồm tên lửa không đối không R-77M và tên lửa hành trình Kh-59MK2.

Việc triển khai máy bay không người lái được cho là ít tốn kém hơn đáng kể so với các loại máy bay chiến đấu có người lái, phần lớn là do việc đào tạo sử dụng chúng có thể được thực hiện gần như hoàn toàn trên các thiết bị mô phỏng, giúp hạn chế nhu cầu về thời gian bay tốn kém. Ngoài ra, việc không sử dụng phi công cho phép máy bay không người lái được triển khai cho các nhiệm vụ có độ rủi ro cao hơn, như thâm nhập vào không phận được bảo vệ nghiêm ngặt của đối phương.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại