Công ty điều hành dự án Nord Stream 2 AG đặt mục tiêu đưa dự án này đi vào hoạt động cuối năm nay. (Ảnh: Nord Stream 2)
Những ngày gần đây, các đại diện của giới kinh tế Đức đã lên đường sang Mỹ với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Trong các cuộc trò chuyện, họ nói rằng rất lạc quan và đang làm việc với chính phủ Mỹ trong các dự án cụ thể.
Nhiều người theo đuổi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hy vọng rằng sẽ sớm đến lúc các nước bắt đầu triển khai các dự án chung, chẳng hạn như tạo ra một không gian kinh tế kỹ thuật số giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Khi gói cơ sở hạ tầng mới được thông qua sẽ cung cấp các cơ hội mới để đầu tư vào các ngành năng lượng và xây dựng.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, ngày càng có nhiều lo ngại rằng áp lực kinh doanh sẽ sớm giảm bớt. Trong năm tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với “sự phong tỏa chính trị nếu đảng Dân chủ mất đa số trong nghị viện”.
Người phát ngôn của một trong các hiệp hội công nghiệp Đức cho biết: “Bây giờ hoặc không bao giờ, chúng tôi có thể bỏ lỡ thời gian hợp tác”.
Theo đó, kịch bản ông Biden sẽ chỉ kéo dài một nhiệm kỳ trong Phòng Bầu dục đang ngày càng được thảo luận ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Một trong những “xung đột cũ” có thể một lần nữa bùng phát vào tháng 12 nếu Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
“Nếu các biện pháp trừng phạt mới thực sự được đưa ra, đó sẽ là một tín hiệu nguy hiểm,” một trong những đại diện của cộng đồng kinh tế Đức nhận định.
Thỏa thuận với Nord Stream 2 có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau
Về nguyên tắc, Washington đã cho chính phủ Đức thời gian để “thở”. Vào mùa hè, Tổng thống Mỹ, trong cuộc gặp với Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Đức vì Nord Stream 2. Sự thỏa hiệp này phản ánh chủ nghĩa thực dụng của chính phủ ông Biden vì đường ống phần lớn đã hoàn thành và chính ông cũng quyết định cải thiện quan hệ với Đức.
Cho đến nay, Nhà Trắng đang cố gắng gây sức ép với Nga mà không ảnh hưởng đến các đối tác Đức. Tuy nhiên, “những cảnh báo cứng rắn với Berlin nghe có vẻ khá thẳng thắn”.
“Nếu Nga cố gắng sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị hoặc có những hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine, chúng tôi và Đức sẽ có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp thích hợp”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Trong những tuần tới, sẽ trở nên rõ ràng liệu dự án Nord Stream 2 trị giá hàng tỉ USD có tương lai hay không. Có rất nhiều nguy cơ đe dọa dự án, cụ thể:
Thứ nhất, Tổng thống Biden ở “thế bí”.
Cuộc đấu tranh về Nord Stream 2 đang leo thang tại Quốc hội Mỹ. Mới đây, đảng Cộng hòa đã chặn một dự thảo ngân sách quân sự cho năm tới, vì họ có ý định siết chặt các biện pháp trừng phạt mới vào luật đã được thông qua. Nếu điều đó thành công, thì Tổng thống Biden sẽ không thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nữa.
Trong khi, đảng Dân chủ cần phiếu bầu của đảng Cộng hòa tại Thượng viện để thông qua ngân sách quân sự. Nhưng đồng thời, ngay trong hàng ngũ đảng của ông Biden cũng có nhiều người phản đối đường ống dẫn khí đốt. Đối với nhà lãnh đạo Mỹ, điều này có nghĩa là ông ấy sẽ “không thể bảo vệ mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương ở mức độ mà ông mong muốn”.
Thứ hai, Chính phủ mới của Đức.
“Chính phủ Đức sắp mãn nhiệm cảnh báo Quốc hội nước này chống lại các biện pháp trừng phạt mới. Họ cho rằng chúng gây nguy hiểm cho ‘sự thống nhất’ xuyên Đại Tây Dương”, một bức thư mật mà các quan chức chính phủ Đức gửi cho các quan chức Mỹ viết.
Nord Stream 2 sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu dài hạn của thị trường năng lượng châu Âu về nhập khẩu khí đốt, cải thiện an ninh và độ tin cậy của nguồn cung cấp. (Ảnh: Nord Stream 2)
Tuy nhiên, chính phủ mới là “một nhân tố gây bất ổn”. Liên minh “đèn giao thông” (gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh) tương lai không có sự đồng thuận nào liên quan đến Nord Stream 2. Chủ đề này không được đề cập trong thỏa thuận liên minh, vì các bên đã không thể vượt qua những mâu thuẫn về vấn đề này. Trong đó, FDP và đảng Xanh đóng vai trò quan trọng đối với đường ống.
Thứ ba, “môi trường quân sự căng thẳng”.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga gần biên giới Ukraine đã khiến Mỹ phải “dè chừng”.
Một nhà ngoại giao Mỹ nhận định: “Kịch bản này đang diễn ra ngay bây giờ mà chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần. Washington rất nghiêm túc về những gì đang xảy ra gần biên giới Ukraine và lo ngại rằng Nga sẽ ‘mạng tay’ với quốc gia láng giềng vào tháng Giêng. Bất kỳ sự gia tăng xung đột nào đều khiến việc phong tỏa Nord Stream 2 có khả năng xảy ra nhiều hơn”.
Theo các chuyên gia, ông Biden đang chịu áp lực từ tất cả các bên để thay đổi thái độ hòa giải đối với Đức và Nord Stream 2.
“Mỹ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng địa chính trị nếu Nord Stream 2 vận hành”, Thượng nghị sĩ Ted Cruz thành viên của đảng Cộng hòa, đại diện bang Texas thốt lên trong giận dữ.
Theo nhà điều hành dự án Nord Stream 2, đường ống mới có thể vận chuyển tới 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, đủ để cung cấp cho 26 triệu hộ gia đình châu Âu. Mặc dù các cơ quan quản lý của Đức vẫn chưa khơi thông các dòng khí đốt, nhưng việc hoàn thành giai đoạn xây dựng đồng nghĩa với việc Nga đã tăng cường khả năng xuất khẩu năng lượng sang châu Âu cả từ phía Bắc biển Baltic và từ biển Đen, nơi nước này vận hành đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ).
Tập đoàn Gazprom bắt đầu xây dựng đường ống Nord Stream 2 dài hơn 1.200 km từ Nga đến Đức sau lễ ký kết với các tập đoàn châu Âu bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại thành phố Vladivostok (Nga) hồi tháng 9/2015.
Tuy nhiên, tiến độ của dự án từng bị đình trệ vào cuối năm 2019 do Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt với lập luận đây là công cụ chính trị buộc Liên minh châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Một số nước như Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan cũng bày tỏ lo ngại dự án sẽ gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị và đi ngược lại chính sách của châu Âu trong bảo đảm an ninh năng lượng.