Đức có động thái mới với việc vận hành Nord Stream 2

Thanh Bình |

Thủ hiến bang Bavaria Markus Söder trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild đã kêu gọi đưa vào vận hành sớm nhất có thể đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).

Cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu trong nhiều thập kỷ có thể kéo sâu vào những tháng mùa đông lạnh giá. (Ảnh: RIA)

Cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của châu Âu trong nhiều thập kỷ có thể kéo sâu vào những tháng mùa đông lạnh giá. (Ảnh: RIA)

Theo ông Söder, điều này có thể ngăn chặn đà tăng giá nhiên liệu trên thị trường châu Âu.

“Chúng tôi cần một đợt hãm giá cho mùa đông và một chiến lược khí đốt để cung cấp nguồn cung cấp nhiên liệu cho Đức. Vấn đề này bao gồm cả việc vận hành Nord Stream 2”, ông Söder nói.

Trước đó, Bộ Kinh tế Đức đã đi đến kết luận rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho dự án Nord Stream 2 sẽ không gây nguy hiểm về an ninh cung cấp nhiên liệu cho Đức và Liên minh châu Âu (EU). Bộ này nhấn mạnh, họ đã hoàn thành nghiên cứu về vấn đề này và nộp kết quả cho cơ quan mạng lưới liên bang.

Tổng thống Putin hạ giá khí đốt ở châu Âu “chỉ bằng 1 câu nói”

Tờ Welt của Đức mới đây viết rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng tác động đến việc giảm giá khí đốt ở châu Âu.

Tuần trước, ông Putin đã chỉ thị cho Gazprom bắt đầu công việc theo kế hoạch để tăng dự trữ nhiên liệu trong các cơ sở lưu trữ ở châu Âu.

“Sau khi Gazprom hoàn thành việc bơm khí vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Nga, trước ngày 7 hoặc 8/11, thì bắt đầu thực hiện kế hoạch đã đề ra để tăng khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ ở châu Âu, gồm ở Áo và Đức”, ông Putin nói.

Theo Welt, “chỉ thị gần như tình cờ này của Tổng thống Putin đã khiến thị trường khí đốt châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Sau lời nói của ông Putin, giá khí đốt ở Hà Lan đã giảm 15%”.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cho thấy, Nga chắc chắn thống trị thị trường. Vẫn chưa rõ Nga sẽ có thể cung cấp bao nhiêu khí đốt. Tuy nhiên, các thị trường đã phản ứng ngay lập tức”, Welt viết.

Thị trường khí đốt châu Âu đã bất ổn trong vài tháng nay. Trở lại vào đầu tháng 8, hợp đồng được giao dịch ở mức 515 USD/nghìn mét khối, nhưng đến cuối tháng 9, chúng đã tăng hơn gấp đôi và vào ngày 6/10, giá khí đốt đã tăng lên mức cao lịch sử là 1.937 USD/nghìn mét khối. Sau đó, thị trường có sự sụt giảm, nhưng giá vẫn tiếp tục ở mức cao.

Đức có động thái mới với việc vận hành Nord Stream 2 - Ảnh 2.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng tăng cung cấp khí đốt cho Châu Âu qua Nord Stream 2. (Ảnh: AP)

Các chuyên gia lý giải tình trạng này là do tỷ lệ lấp đầy của các kho chứa ngầm ở châu Âu thấp, nguồn cung hạn chế từ các nhà cung cấp chính và nhu cầu cao về khí đốt ở châu Á.

Theo Tổng thống Putin, tình trạng thiếu khí đốt tại thị trường châu Âu là kết quả của chính sách kinh tế của Ủy ban châu Âu. Ngoài ra, các đối tác từ Mỹ và Trung Đông đã cắt giảm 8 tỉ mét khối nhiên liệu cung cấp cho châu Âu, trong khi Gazprom đã tăng khối lượng thêm 11 tỉ mét khối.

Nga lâu nay vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt cho châu Âu. Nước này mới đây thông báo cần bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ của mình trước khi bổ sung khí đốt cho thị trường châu Âu. Theo kế hoạch, Nga sẽ hoàn tất việc bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ nội địa vào cuối tháng 10 này.

Trong khi đó, trước cuộc khủng hoảng năng lượng giá điện tại các nước Liên minh châu Âu đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực.

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo tình trạng lạm phát tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại