Số phận của con trai "bác sĩ tử thần" Josef Mengele

Cao Trí (theo Tấm Gương) |

Người con trai duy nhất của "bác sĩ tử thần" Josef Mengele là Rofl Mengele, nay đã là một luật sư thì luôn phải sống trong ám ảnh vì những gì cha mình đã gây ra…

Cuộc săn lùng “bác sĩ tử thần” Josef Mengele: Công lý buông tha Cơ quan tình báo Israel và cuộc săn lùng “bác sĩ tử thần” Josef Mengele

Trong số báo trước, Chuyên đề ANTG đã có loạt bài nói về Cơ quan tình báo Israel Mossad và cuộc săn lùng Josef Mengele, kẻ được mệnh danh là "bác sĩ tử thần" tại trại tập trung Auschwitz vì đã trực tiếp giết hơn 40.000 người - phần lớn là người Do Thái để phục vụ cho những nghiên cứu về di truyền.

Riêng với người con trai duy nhất của ông ta là Rofl Mengele, nay đã là một luật sư thì luôn phải sống trong ám ảnh vì những gì cha mình đã gây ra…

Không phải cha nào cũng sinh ra con nấy

Là đứa con duy nhất của "bác sĩ tử thần" Josef Mengele với người vợ đầu tiên Irene Schonbein, Rolf Mengele chào đời ngày 11-3-1941 tại Bavaria, miền tây nước Đức.

Trong hồi ký, ông viết: "Tôi chẳng có ấn tượng gì nhiều về cha tôi bởi lẽ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, ông ấy trở về Bavaria làm nông rồi 4 năm sau đó lại ra đi biền biệt.

Suốt thời gian ở Bavaria, theo lời mẹ tôi thì cha tôi rất ít nói và hầu như không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thỉnh thoảng mới có vài người bạn đến thăm ông nhưng họ đưa nhau vào phòng, đóng kín cửa trò chuyện.

Mãi đến năm tôi 10 tuổi, mẹ tôi mới cho tôi biết bà và cha tôi đã li dị. Vẫn theo lời bà thì cha tôi là bác sĩ, làm công việc điều trị cho những tù nhân bị thương hàn và sốt phát ban ở các trại tập trung…".

Năm 1956, Rofl Mengele gặp cha mình lần đầu tiên tại Thụy Sĩ nhưng khi đó, "bác sĩ tử thần" chỉ nói mình là "chú" Helmut Gregor. Rofl kể: "Thông qua mẹ tôi, chú Gregor mời tôi sang Thụy Sĩ nghỉ đông.

Đó cũng là lần đầu trong đời khi vào nhà hàng, tôi được quyền gọi tất cả những món ăn mà tôi ưa thích.

Buổi tối, chú Gregor nhường chiếc giường duy nhất trong phòng cho tôi, còn chú nằm dưới sàn kể cho tôi nghe về những trận đánh ở Nga và những thương binh mà chú đã từng cứu sống.

Đôi lần tôi hỏi về cha tôi nhưng chú chỉ cười: "Sau này lớn lên cháu sẽ biết".

Những năm sau đó, Josef Mengele thường xuyên gửi thư cho Rofl Mengele, vẫn với cách xưng hô chú, cháu.

Những lá thư ấy đến từ nhiều quốc gia khác nhau, lúc thì Paraguay, lúc từ Argentina, lúc từ Brazil và tên người gửi cũng khác nhau: Fritz Fischer, Walter Hasek, Helmut Gregor, Jose Aspiazi, Friedrich Edler von Breitenbach, Henrique Wollmann, Wolfgang Gerhard.

Trong hồi ký, Rofl viết: "Tôi ngờ rằng chú Gregor đang trốn tránh một chuyện gì đó nhưng tôi không dám hỏi.

Hơn nữa, bản thân tôi cũng gặp phải những áp lực ghê gớm về tâm lý. Ở trường học, nhiều đứa bạn gọi tôi là "con của kẻ giết người hàng loạt".

Mỗi năm cứ đến ngày kỷ niệm giải phóng trại tập trung Auschwitz, trên báo chí lại tràn ngập những bài nói về tội ác của cha tôi trong lúc mẹ tôi cho rằng đó chỉ là bịa đặt".

Tháng 5-1977, Rofl gặp lại Josef Mengele lần thứ hai ở Sao Paolo, Brazil và đó cũng là lần gặp gỡ cuối cùng.

Thông qua cặp vợ chồng Wolfram và Liselotte Bossert - là những người đã che giấu và bảo vệ Josef Mengele trong suốt những năm "bác sĩ tử thần" trốn tránh ở Brazil, Rofl lên đường đi Sao Paolo.

Trong cuộc gặp gỡ ấy, Josef Mendele chính thức xác nhận Rofl là con ruột của ông ta, và tất cả những cái tên mà ông ta dùng để gửi thư cho Rofl đều là tên giả.

Số phận của con trai bác sĩ tử thần Josef Mengele - Ảnh 1.

Một trong những trang nhật ký của "bác sĩ tử thần".


Rofl kể: "Tôi thật sự sốc. Người mà lâu này tôi vẫn gọi bằng chú thì bây giờ lại là cha tôi. Ông như một con thú đang bị thợ săn dồn vào đường cùng.

Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu, chủ yếu về khoảng thời gian mà cha tôi phải lẩn tránh sự truy nã của Cơ quan tình báo Israel Mossad nhưng lúc đầu, tôi không hề đề cập về trại tập trung Auschwitz và về vai trò của cha tôi trong cái chết của hàng chục nghìn người Do Thái".

Theo Rofl, nơi ẩn náu của Josef Mengele là một khu ổ chuột ở ngoại ô Sao Paolo, quy tụ hầu hết những thành phần dưới đáy xã hội. Nhà của Josef Mengele rất nhỏ và nghèo nàn.

Trong nhà chỉ có 1 chiếc giường, 1 cái bàn, 2 cái ghế và 1 tủ đựng quần áo. Lúc gặp nhau, Josef Mengele mặc một chiếc áo sơmi nhàu nát cùng một chiếc quần kaki "bẩn không thể nào bẩn hơn".

Có lẽ vì vậy mà ông ta không bị để ý vì theo nhận định của Cơ quan tình báo Mossad, Josef Mengele rất giàu, sống trong một biệt thự nằm ở đâu đó ven bờ biển Argentina, đi xe Mercedes và có vệ sĩ bảo vệ thường xuyên.

Cảm thấy áy náy, Rofl đưa cho Josef Mengele mấy tờ ngân phiếu nhưng ông ta từ chối: "Con đừng nghĩ cha thế này là cha nghèo. Cha có nhiều tiền nhưng cha phải làm vậy vì sự an toàn của bản thân cha".

Rồi cuối cùng câu chuyện cũng phải đến cái đích mà nó muốn đến.

Theo những gì Josef Mengele nói với con trai, việc "nghiên cứu y khoa" trên người sống gồm những cặp sinh đôi, người lùn, phụ nữ và trẻ em Do Thái đã được sự chấp thuận và khích lệ từ ngành y tế Đức Quốc xã.

Lúc nghe Rofl nhắc đến cụm từ "tội ác diệt chủng", Josef Mengele gầm lên: "Làm sao con lại tin rằng cha có thể làm những điều như vậy? Đó là tuyên truyền, là dối trá. Cha là bác sĩ và cha không bao giờ hối hận vì những gì cha đã làm.

Cha không "phát minh" ra trại Auschwitz và cũng không phải là người chịu trách nhiệm về chuyện xảy ra ở đó. Không có cha, Auschwitz vẫn cứ tồn tại…".

Rofl kể: "Nghe xong, tôi bảo với cha tôi rằng giờ đây không còn người phán xét, mà chỉ có những người chờ đợi để báo thù.

Trong thâm tâm tôi, qua những hình ảnh tôi nhìn thấy ở trại Auschwitz, khó mà hiểu được vì sao con người lại có thể hành động với nhau một cách vô cùng dã man, tàn ác. Dù đó có phải là cha tôi hay không, nó cũng vượt quá sự chịu đựng của tôi…".

Cũng trong buổi gặp gỡ ấy, Josef Mengele Mengele đưa cho con trai hàng trăm lá thư, hình ảnh và cuốn nhật ký ghi chép cuộc sống của ông ta trên đường trốn chạy đến Nam Mỹ.

Rofl nói: "Sở dĩ cha tôi yên ổn suốt 30 năm là nhờ một phi công Đức Quốc xã - Đại tá Hans-Ulrich Rudel. Thông qua Rudel, Tổng thống Paraguay là ông Alfredo Stroessner đã cho phép cha tôi nhập quốc tịch Paraguay".

Trả lời câu hỏi của Tạp chí Tấm Gương - Der Spiegel - Đức, rằng tại sao Rofl lại im lặng trong một thời gian dài, kể cả khi Josef Mengele đã chết vì một cơn đột quị hồi năm 1979, Rofl đáp: "Vì những vết thương mà tôi và gia đình phải chịu đựng trước những phán xét về tội ác của cha tôi.

Hơn nữa, tôi muốn bảo vệ cho những người đã giúp đỡ cha tôi trong quá trình đào tẩu bởi lẽ nếu những tài liệu về cha tôi được công bố sớm, rất có thể họ sẽ bị truy tố vì đã giúp đỡ, che giấu một tội phạm chiến tranh.

Giờ đây, tôi kể lại chuyện này để lương tâm đỡ cắn rứt và để dư luận hiểu rằng không phải cha nào cũng sinh ra con nấy".

"Di sản" của "bác sĩ tử thần"

Thực tế thì cuộc sống của Rofl Mengele và vợ con ông không hề yên ổn. Thỉnh thoảng ông vẫn nhận được những lời dọa giết từ những phần tử cực hữu, hoặc những người mà thân nhân của họ đã chết trong trại tập trung Auschwitz, Ba Lan.

Số phận của con trai bác sĩ tử thần Josef Mengele - Ảnh 2.

Tiến sĩ Romero Munoz trình bày bằng chứng xác định mẩu xương được khai quật – "sản phẩm" của "bác sĩ tử thần" Josef Mengele.


Có lần, khi vừa lái xe ra khỏi nhà, Rofl đã phải cho xe lao vào đồn cảnh sát để nhờ bảo vệ vì một đám đông la hét, đuổi theo ông ta.

Bên cạnh đó, cũng chẳng thiếu những ngợi ca, xưng tụng "Tiến sĩ Josef Mengele" về thành tích "tiêu diệt người Do Thái" của những thành viên thuộc tổ chức "Phát xít mới - Neo Nazi".

Thậm chí nhiều lần Rofl đã từng nghĩ đến việc thay tên đổi họ rồi chuyển sang sinh sống ở một quốc gia khác.

Vẫn theo Rofl, năm 1979, ông nhận được tin về cái chết của cha mình từ một cựu sĩ quan SS ở Argentina nhưng ông quyết định giữ im lặng để tránh bị bêu tên trên các phương tiện truyền thông.

Lúc tiếp xúc với báo chí để nói về cuốn nhật ký của cha mình, Rofl đã phải đội chiếc mũ len trùm kín cả đầu, chỉ hở ra đôi mắt, mũi và miệng.

Giải thích với các phóng viên, ông cho biết: "Các bạn phải hiểu là bây giờ áp lực đã trở nên quá lớn. Tôi không ủng hộ cha tôi nhưng tôi cũng chẳng thể nào lên án ông ấy. Đó là bi kịch".

Áp lực ngày càng đè nặng khi Rolf quyết định bán toàn bộ tập nhật ký của cha mình cho tờ Bunte Illustrierte với số tiền không được tiết lộ, và Bunte Illustrierte sẽ bắt đầu cho đăng tải những trang viết tự sự cuộc đời của "bác sĩ tử thần" từ ngày chính thức về nhận nhiệm vụ ở trại tập trung Auschwitz cho đến ngày ông ta gặp lại con trai ở Sao Paolo cùng với rất nhiều hình ảnh.

Von Freiburg, phóng viên của tờ Bild Zeitung nói: "Nếu cuốn nhật ký có cả phần ghi chép về những thí nghiệm do Tiến sĩ Mengele thực hiện trên tù nhân còn sống và nếu nó cũng được công bố thì chắc chắn hệ quả sẽ chẳng khác gì một quả bom hạt nhân.

Hàng trăm nghìn vết thương tinh thần tưởng như đã khép kín theo thời gian thì giờ đây sẽ lại tấy lên".

Theo các nhà nghiên cứu về những tội ác ở Auschwitz, sự chua xót nhất trong việc Rofl Mengele bán tập nhật ký của cha mình cho tờ Bunte Illustrierte không liên quan đến ý thức hệ Quốc xã, mà là vì tiền mặc dù tờ Bunte Illustrierte cho biết một phần lợi nhuận thu được từ việc công bố cuốn nhật ký của Josef Mengele sẽ được dùng để tài trợ cho những tù nhân ở trại Auschwitz nay vẫn còn sống.

Một nguồn tin nặc danh tiết lộ số tiền Bunte Illustrierte trả cho Rofl Mengele để độc quyền đăng tải nhật ký không ít hơn 500.000USD. Norbert Sakowski, Phó Tổng biên tập của tờ Bunte Illustrierte nói để có thể bán cuốn nhật ký, Rofl đã phải thỏa thuận với Martha Mengele, là vợ kế của Josef Mengele, hiện sống ở Merano, Italia, người có quyền đồng thừa kế tất cả mọi tài sản của "bác sĩ tử thần".

Bên cạnh đó, tạp chí Bắc Mỹ - North America - cũng đang tiến hành đàm phán với tờ Bunte Illustrierte để được độc quyền dịch lại cuốn nhật ký sang tiếng Anh với số tiền ước khoảng 350.000USD.

Không chỉ bán những ghi chép của cha mình, Rofl Mengele còn chuẩn bị xuất bản một cuốn hồi ký với tựa đề: "Mengele, câu chuyện hoàn chỉnh", do Gerald L. Posner, luật sư tại New York và John Ware, phóng viên kênh truyền hình NBC cùng chắp bút, trong đó Rofl kể lại những gì cha ông đã nói với ông ở lần gặp gỡ sau cùng và những tài liệu gia đình, cộng với những tiết lộ khác, chẳng hạn như hồi năm 1945, vài ngày sau khi đồng minh giải phóng trại Auschwitz, quân đội Mỹ đã bắt được Josef Mengele nhưng sau đó lại thả ông ta mặc dù tên tuổi của ông ta đã được liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh, hay như một đặc vụ thuộc Cơ quan tình báo Israel Mossad là Rafael Eitan, đã mặt đối mặt với "bác sĩ tử thần" ở một miền quê hẻo lánh phía nam Paraguay hồi năm 1961 nhưng Mossad lại không tin chuyện này.

Theo Rofl, điều khiến ông suy nghĩ nhất là sau khi Josef Mengele chết, chiếc vali chứa đựng những bản ghi chép kết quả của những cuộc thí nghiệm về di truyền trên cơ thể người sống đã biến mất.

Rofl nói: "Nếu tìm được những ghi chép ấy, mới có thể minh bạch về tội ác của cha tôi mặc dù những gì đã xảy ra ở Auschwitz là thật …".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại