Bài 1: Ve sầu thoát xác “bác sĩ tử thần ” Josef Mengele
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Hồng quân Liên Xô và lực lượng Đồng Minh đã đến trước cửa ngõ Berlin thì một số sĩ quan, tướng lĩnh, quan chức chóp bu của bộ máy cầm quyền Đức Quốc xã, trong đó có những kẻ đã trực tiếp ra lệnh tàn sát hàng triệu người, chủ yếu là người Do Thái gốc Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Pháp, Bỉ, Hà Lan…, đã bí mật thay tên đổi họ, trốn ra nước ngoài nhằm thoát khỏi sự trừng phạt của công lý.
Và một trong số những kẻ chạy trốn là Tiến sĩ Josef Mengele, người được mệnh danh là "Bác sĩ tử thần"…
Chiếc vòi bạch tuộc của cơ quan tình báo Mossad
Ấy là một buổi chiều đầu mùa thu năm 1962, Wolfgang Gerhard, người Đức quốc tịch Paraguay, một mình lái chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi hiệu Ford trên đường từ thành phố Sao Paolo đến thành phố Curitiba, Brazil. Bám sau Wolfgang Gerhard ở một khoảng cách vừa đủ để ông ta không thể nhận ra rằng mình đang bị theo dõi là một chiếc Volswagen đời 1969, do Zvi Aharoni, đặc vụ thuộc Cơ quan Tình báo Israel Mossad cầm lái.
Theo bản khai nhập tịch của Wolfgang Gerhard trong hồ sơ lưu trữ tại Bộ Tư pháp Paraguay, từ 1943 đến 1945, ông ta là lãnh đạo Đoàn thanh niên Hitler tại Áo, một chức vụ vô thưởng vô phạt bởi lẽ tổ chức này quy tụ những nam nữ thanh niên người Áo, phần lớn bị bắt buộc phải gia nhập khi Đức Quốc xã xâm lăng nước Áo.
Dưới sự điều hành của Wolfgang Gerhard, Đoàn thanh niên Hitler tại Áo chỉ chuyên về những hoạt động mang tính phô trương như mít tinh, diễu hành với cờ quạt, trống kèn. Nhiều "đoàn viên" khi đến tuổi phải gia nhập quân đội Quốc xã thì bỏ trốn.
Vẫn theo bản tự khai, lúc chiến tranh kết thúc, do không nằm trong danh sách những kẻ bị Tòa án quốc tế Nuremberg truy tố vì tội ác diệt chủng, Wolfgang Gerhard trở về Đức, sống như một nông dân ở vùng Bavaria với người vợ là Irene và đứa con trai tên Rolf, sinh năm 1944.
Hồ sơ của Cơ quan Tình báo Mossad cho thấy giai đoạn này, hầu như hàng xóm quanh vùng chỉ biết Irene khi bà ta đánh chiếc xe ngựa đi lấy nước ở một hồ nước cách trang trại của vợ chồng họ 15km.
Riêng Wolfgang Gerhard và con trai thì không ai gặp mặt.
Vẫn theo hồ sơ Mossad, năm 1949, bằng tấm hộ chiếu mang tên "Helmut Gregor", Wolfgang Gerhard qua cửa khẩu trên đèo Brenner rồi từ đó, ông ta đến thành phố Genoa, miền bắc Italia.
Ở đây vài tháng, ông ta lên tàu đi Argentina, nơi mà sau thế chiến 2, quốc gia này được mệnh danh là "Nhà an dưỡng của các tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã".
Và mặc dù chỉ là lãnh đạo Đoàn thanh niên Hitler ở Áo, sau đó là nông dân nhưng Wolfgang Gerhard lại rất giàu. Theo lời ông ta thì tài sản có được là do gia đình nhiều đời "kinh doanh máy móc nông nghiệp".
Ở Argentina 6 năm, Wolfgang Gerhard đi Paraguay rồi 3 năm sau đó, ông ta được phép nhập quốc tịch Paraguay. Năm 1960, Wolfgang Gerhard đến Brasil với danh nghĩa tìm kiếm cơ hội đầu tư trong ngành chăn nuôi, trồng trọt.
Cư trú tại khách sạn Royal Crown, thành phố Sao Paolo, trên chiếc xe Ford thuê mướn dài hạn, Wolfgang Gerhard qua lại nhiều vùng trên đất nước Brazil.
Dưới mắt những doanh nhân Brazil mà Wolfgang Gerhard đã từng tiếp xúc thì "ông ấy là người lịch thiệp, cư xử khéo léo, đúng mực và đặc biệt là có rất nhiều tiền". Có lẽ vì vậy nên cuối năm 1960, Wolfgang Gerhard được phép thường trú ở Brazil.
Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Israel Mossad không bỏ qua ông ta.
Ngay khi thế chiến 2 vẫn còn đang trong giai đoạn khốc liệt, nhà nước Israel chưa ra đời, danh sách những kẻ cầm đầu bộ máy chính quyền Đức Quốc xã phạm tội ác diệt chủng người Do Thái đã được những nhóm kháng chiến Do Thái lập ra với sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo Anh, Mỹ và Lực lượng Pháp tự do.
Trong danh sách ấy, có Tiến sĩ Josef Mengele, nhân vật được gọi là "bác sĩ tử thần" ở trại tập trung Auschwitz, cối xay thịt người Do Thái. Mossad nghi ngờ Wolfgang Gerhard chính là "bác sĩ tử thần Josef Mengele" bởi lẽ cha của Josef Mengele là chủ của Công ty máy nông nghiệp Firma Karl Mengele & Shne, trụ sở đặt tại Bavaria.
Đây cũng chính là nơi mà Wolfgang Gerhard, lãnh đạo Đoàn thanh niên Hitler tại Áo quay về sinh sống khi chiến tranh kết thúc.
Chân dung bác sĩ tử thần
Sinh ngày 16-3-1911 tại Gunzburg, vùng Bayern, Đức, sau khi tốt nghiệp trung học, tháng 10-1930 Josef Mengele thi vào ngành Y, khoa Nhân chủng học, Đại học Munich.
Mengele (dấu X) quan sát những tù nhân Do Thái vừa được chuyển đến trại Auschwitz. |
Năm 1936, Mengele nhận bằng tiến sĩ Y khoa với luận án "Nghiên cứu hình thái học chủng tộc". Năm 1937, ông ta trở thành đảng viên đảng Quốc xã. 1 năm sau, Mengele gia nhập quân đội Đức Quốc xã, phục vụ trong lực lượng SS.
Tháng 5-1943, Mengele - cấp bậc đại úy - nhận công tác tại trại tập trung Auschwitz, Ba Lan, với nhiệm vụ nghiên cứu về các vấn đề di truyền của con người.
Mục tiêu của nghiên cứu này là khám phá những bí mật về sự di truyền để tìm cách xoá những gien yếu kém ngay khi nó còn ở trong tinh trùng hoặc trứng nhằm tạo ra một chủng tộc người Đức siêu đẳng. Rất nhiều tù nhân Do Thái ở trại Auschwitz may mắn sống sót sau ngày quân Đồng minh giải phóng nơi này vẫn không quên hình ảnh Mengele với đôi găng tay màu trắng, cố tình tạo ra dịch sốt phát ban, đậu mùa và bệnh than bằng cách cho tù nhân nhiễm bệnh ở chung với những tù nhân lành lặn nhằm nghiên cứu sự lây truyền và cách cơ thể đề kháng.
Khi dịch bệnh đã lan ra trên diện rộng, thay vì cứu chữa, Mengele cho đào những đường hào rồi lùa hết tù nhân xuống đó, tưới xăng đốt sống.
Một vài người vì một lý do gì đó mà không bị nhiễm, Mengele đưa họ lên bàn mổ để nghiên cứu xem vì sao họ lại miễn dịch với bệnh tật. Mổ xong, họ bị ném vào lò thiêu.
Tuy nhiên, công trình mà Mengele tập trung nghiên cứu nhiều nhất là các tù nhân sinh đôi hoặc sinh ba.
Mỗi khi có một cặp sinh đôi nào đó bị chuyển đến trại Auschwitz, họ phải trả lời một bản khai gồm 60 mục, từ ông bà, cha mẹ đến anh chị em, họ hàng, chế độ nuôi dưỡng, tiền sử bệnh tật, những đặc điểm giống nhau về tâm, sinh lý…
Tiếp theo, họ bị lấy máu, đo đạc hình dáng, kích thước, chụp X-quang toàn thân để Mengele tìm ra sự khác biệt giữa những cặp sinh đôi tạo ra bởi 1 trứng, 2 tinh trùng và những cặp sinh đôi 2 trứng, 2 tinh trùng.
Theo Ủy ban Điều tra tội ác Auschwitz, ít nhất 900 cặp sinh đôi đã được chuyển đến trại Auschwitz nhưng chỉ có 42 cặp còn sống khi quân Đồng minh tiến vào nơi này.
Cũng nhằm mục đích nghiên cứu hệ di truyền để tạo ra chủng tộc Đức siêu đẳng, Mengele đã lập ra "đề án mống mắt". Trước đó, năm 1942, những nhà khoa học Đức Quốc xã đã tiến hành tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến sự di truyền màu mắt lại không theo quy luật của thuyết Mendel. Để thực hiện đề án này, Mengele lập ra những buồng giam đặc biệt cho các đối tượng sinh đôi.
Tại những nơi ấy, tù nhân sinh đôi được hưởng khẩu phần ăn đặc biệt, sức khỏe được chăm sóc chu đáo, tóc của họ khi cắt được lưu giữ cẩn thận.
Lính gác buồng giam được lệnh phải đối xử với họ tử tế. Tiếp theo, với những cặp sinh đôi đã trưởng thành, Mengele ra lệnh cho một thanh niên của cặp này quan hệ tình dục với một thiếu nữ ở cặp kia ngay trước mặt ông ta.
Khi cô gái ấy có thai và khi thai đã được 16 tuần tuổi, Mengele mổ tử cung để xem có phải là thai đôi hay không và dĩ nhiên sau đó cả mẹ lẫn thai nhi đều chết.
Hai trẻ sinh đôi ở trại Auschwitz đang được Mengele làm thí nghiệm. |
Một số khác được Mengele để cho sống đến ngày sinh nở rồi khi đứa bé chào đời, Megele quan sát màu mắt của nó xem có phù hợp với màu mắt của cha mẹ nó.
Nhưng dù phù hợp hay không phù hợp, con mắt của đứa trẻ sơ sinh vẫn được mổ lấy ra để… nghiên cứu!
Vẫn với "đề án mống mắt", Mengel lấy máu của người sinh đôi này tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch của người không sinh đôi khác mà không cần chú ý đến nhóm máu nhằm quan sát phản ứng của cơ thể khi tiếp nhận máu lạ.
Để xác định màu mắt có thể thay đổi do biến đổi gien, Mengele tiêm thuốc nhuộm vào mắt của một số cặp sinh đôi. Hệ quả là hàng trăm người bị nhiễm khuẩn, và bị mù.
Bên cạnh đó, nhiều sinh đôi nam bị thiến, sinh đôi nữ bị triệt sản để Mengele quan sát sự biến đổi của các nội tiết tố (hormone) sinh dục so với người không bị thiến hoặc triệt sản.
Khi Không quân Đức đặt hàng nghiên cứu về tình trạng của phi công phải nhảy dù ở độ cao trên 6.000m mà không có mặt nạ dưỡng khí, "bác sĩ tử thần" Mengele đã cho xây dựng những buồng kín, một số tù nhân khỏe mạnh của trại Auschwitz được đưa vào rồi không khí được rút bớt ra, nhiệt độ được hạ xuống cho đến khi nó giống như môi trường ở độ cao nói trên.
Qua cánh cửa kính trong suốt, Mengele bình thản ngồi quan sát tù nhân hấp hối vì ngạt thở, thỉnh thoảng lại nhìn vào chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay để tính toán xem tù nhân chịu đựng được bao lâu.
Theo Ủy ban Điều tra tội ác Auschwitz, đã có khoảng 1.200 tù nhân chết vì thí nghiệm này, tất cả đều là người Do Thái để Không quân Đức cho ra đời "túi dưỡng khí" gắn trên bộ quần áo bay.
Báo cáo của Ủy ban Điều tra tội ác Auschwitz cho thấy mỗi khi có một đợt tù nhân được giam riêng, được cho ăn uống đầy đủ thì không lâu sau đó, họ sẽ biến thành những vật thí nghiệm cho một nghiên cứu nào đó của "bác sĩ tử thần".
Từ tháng 5-1943 đến tháng 1-1945, đã có khoảng 40.000 tù nhân ở trại Auschwitz chết dưới tay Mengele.
Ngày 17-1-1945, một thời gian ngắn trước khi quân Đồng minh tiến vào trại Auschwitz, được sự giúp đỡ của những cựu thành viên SS, Mengele quay về nơi chôn nhau cắt rốn ở Bavaria rồi sau đó, ông ta đi Argentina.
Tiếp theo, Mengele đến Paraguay và cuối cùng là Brazil. Suốt thời gian đó, Mengele sử dụng nhiều tên giả như Fritz Fischer, Walter Hasek, Helmut Gregor Gregori, Jose Aspiazi, Friedrich Edler von Breitenbach, Henrique Wollmann và Wolfgang Gerhard.
Ngày 11-5-1948, nhà nước Israel chính thức thành lập. Tháng 12-1949, Cơ quan Tình báo Mossad ra đời. Suốt 5 năm sau đó, Mossad tổng hợp các dữ liệu về tội phạm chiến tranh do những nhóm kháng chiến Do Thái thu thập được, cũng như những thông tin mà phe Đồng minh cung cấp.
Tháng 9-1956, các đặc vụ Mossad chính thức bước vào cuộc săn lùng những kẻ đã trực tiếp tàn sát người Do Thái, trong đó có Adolf Eichmann, tư lệnh Lực lượng SS đồng thời cũng là cha đẻ của các trại tập trung, và Josef Mengele, "bác sĩ tử thần"…