KẾT THÚC BI THẢM
Đầu năm 1951, mặc dù được bầu chọn làm thành viên Hiệp hội Hoàng gia, một niềm vinh dự lớn lao, nhưng cuộc sống của thiên tài Alan Turing từ thời điểm này lại biến động rõ rệt.
Khoảng thập niên 50, luật pháp nước Anh không chấp nhận đồng tính luyến ái và xem đây là trọng tội. Khi đó, toán học gia này đang có quan hệ đồng giới với Arnold Murray, một thanh niên 19 tuổi.
Alan tại thời điểm trước Thế chiến thứ Hai.
Tháng 1/1952, gã tình nhân Murray lập kế hoạch giúp một kẻ khác đột nhập vào nhà riêng của Alan nên ông đã báo cáo sự việc với cảnh sát. Khi lấy lời khai, Alan thẳng thắn thừa nhận mình đã quan hệ tình dục với Murray - điều vi phạm luật pháp lúc bấy giờ.
Ngay lập tức, Alan bị cảnh sát bắt giữ. Ông bị ép phải chọn lựa giữa hình phạt bị “thiến hóa học” hoặc là ngồi nhà giam. Nhà toán học đã chọn hình phạt thứ nhất để rồi liên tục bị tiêm hormone nội tiết tố nữ suốt một năm liền nhằm hạn chế nhu cầu tình dục.
Cuối cùng ông rơi vào tình trạng bất lực, thậm chí còn mọc ngực như phụ nữ. Ngày kết thúc liệu trình tiêm hormone cũng là ngày ông biết rằng mình không được phép quay trở lại làm việc tại Trường Mật mã Chính phủ vì “vết nhơ” kia. Thậm chí ông còn bị liệt vào danh sách nguy cơ gây hại cho an ninh quốc gia và bị cảnh sát giám sát chặt chẽ.
Alan Turing dành phần sự nghiệp ngắn ngủi còn lại của mình để làm việc tại thành phố Manchester. Ông xuất bản cuốn "Hóa học Cơ sở hình thái", mô tả các khía cạnh của nghiên cứu về sự phát triển của hình thức và mô hình trong các sinh vật sống.
Turing sử dụng máy tính Ferranti Mark I để mô hình hóa cơ chế hóa học đưa ra giả thuyết của mình cho thế hệ của cấu trúc giải phẫu ở động vật và thực vật.
Ngày 7/6/1954, khi nghiên cứu mang tính đột phá của ông vẫn còn dang dở, người dọn dẹp phát hiện Alan Turing nằm chết trên giường, bên cạnh có một quả táo cắn dở bị dính chất kịch độc. Cơ quan điều tra kết luận ông đã tự đầu độc mình bằng chất cyanide.
Tuy khám nghiệm tử thi không phát hiện mẩu táo nào trong dạ dày của Alan nhưng thay vào đó là hơn 100g chất lỏng có mùi nồng như quả hạnh đắng, giống với cyanide. Thứ chất trên cũng được tìm thấy trong nội tạng của ông.
Nữ hoàng tham quan cỗ máy Enigma Machine.
Sự cố này cũng có thể là một tai nạn bất ngờ với khả năng ông hít phải khí độc bay ra từ các bình hóa học đặt ngay bên trong phòng ngủ.
Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng đây là một vụ ám sát bí mật bởi Alan đã biết rất nhiều về giải mã quân sự, đặc biệt trong hoàn cảnh người đồng tính bị coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Còn về phía những người thân của Alan Turing, họ cho rằng chính hình phạt “thiến hóa học” hơn một năm trước đã dẫn tới sự ra đi của một nhà khoa học mới chỉ 42 tuổi đang ở thời kỳ đỉnh cao của trí tuệ.
Ông không thể chịu đựng được những hà khắc mà xã hội đối xử với người đồng tính cũng như thân thể bất lực của mình… Thông tin về cái chết của Alan vì lý do nào đó không hề được lan rộng.
Trong thời gian này, hầu hết những ai nghe tin về cái chết của ông đều nghĩ đây là vụ tự tử khi bị phát hiện là người đồng tính và cảm thấy xấu hổ.
Mãi tới năm 1974 khi người ta không còn kỳ thị người đồng tính nữa, câu chuyện thật của ông mới được công khai. Lúc này dư luận mới lên tiếng kêu than cho sự cay đắng mà ông phải chịu đựng.
Lời xin lỗi muộn
Năm 1999, 45 năm sau ngày nhà toán học Anh qua đời, tạp chí Time đã bình chọn ông là một trong số 100 người có tầm ảnh hưởng quan trọng của thế kỷ 20 với bình luận “Sự thật rằng bất cứ ai gõ bàn phím, mở một bảng tính hay một chương trình xử lý, đều đang làm việc trên một hiện thân của máy tính Turing”.
Năm 2002, tên Alan Turing xếp thứ 21 trong danh sách “100 người Anh vĩ đại” do BBC thực hiện. Hơn tất cả, giới khoa học luôn nhắc tới ông như “người sáng lập” của khoa học máy tính.
Tháng 9/2009, một lập trình viên có tên John Graham Cumming đã viết đơn kiến nghị chính phủ Anh đưa ra lời xin lỗi về bản án mà Alan Turing phải chịu vì là người đồng tính. Đơn kiến nghị này đã nhận được hơn 30.000 chữ ký ủng hộ.
Trước sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã chấp thuận yêu cầu này. Thay mặt chính phủ, ông Brown ngày 10/9/2009 đã có lời xin lỗi chính thức tới nhà giải mã từng lập công lớn thời Thế chiến thứ Hai.
Miêu tả những gì Alan phải chịu đựng là “kinh khủng” và “không công bằng”, ngài Thủ tướng thừa nhận rằng đất nước mình nợ nhà toán học tài năng một món nợ to lớn.
“Nếu không có đóng góp phi thường của ông, lịch sử Chiến tranh thế giới thứ Hai có lẽ sẽ rất khác biệt”, Thủ tướng Brown viết trên tờ thông báo dán trước cửa Văn phòng Chính phủ tại số 10 phố Downing.
Những người yêu mến tài năng này vẫn chưa dừng lại các hoạt động đòi lại công lý cho ông. Tháng 12/2013, hàng chục ngàn người đã ký đơn kiến nghị, trong đó có giáo sư Stephen Hawking, yêu cầu Hoàng gia Anh xóa bỏ bản án của Alan Turing năm 1952.
Đích thân Nữ hoàng Elizabeth II đã ban hành lệnh xá tội cho nhà toán học, làm thỏa lòng hàng ngàn thanh niên có giới tính đặc biệt như Alan Turing.
Năm 2014, cuộc đời nhiều biến động của ông đã được đạo diễn người Mỹ Morten Tyldum dựng thành bộ phim “Người giải mã” và được Viện Điện ảnh Mỹ chọn là một trong số 10 bộ phim hay nhất của năm.