Số phận buồn của thiên tài Alan Turing - Kỳ 3

Hoàng Trang |

Các khái niệm sơ khai của Alan về máy Turing phổ quát trước đó trở thành ảnh hưởng cơ bản của dự án máy tính Manchester ngay từ khi khởi đầu. Tại Đại học Manchester, những đóng góp chính của ông trong sự phát triển của ngành khoa học máy tính chính là thiết kế một hệ thống sử dụng đầu vào - đầu ra bằng công nghệ của Trung tâm giải mã Bletchley Park cũng như hệ thống phần mềm của máy.

“Cha đẻ” của máy tính

Năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, Alan Turing đầu quân cho Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia (NPL) tại London và tham gia vào dự án chế tạo một chiếc máy tính điện.

Một năm sau đó, toán học gia trẻ tuổi đã trình lên Hội đồng NPL mẫu thiết kế sơ khai của máy tính tự động (ACE) - phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên của một chiếc máy tính điện tử có khả năng lưu trữ chương trình.

Theo dự tính của Alan, ACE có thể mang bộ nhớ lớn nhất trong số các loại máy thời đó, cũng như là nhanh hơn hẳn. Tuy nhiên, các đồng nghiệp của ông tại NPL lại cho rằng dự án rất khó để triển khai và trì hoãn việc xây dựng ACE suốt một thời gian dài.

Tới tháng 5/1950 sau khi cỗ máy có kích thước nhỏ gọn hơn là Pilot Model ACE ra đời thì đề án của Alan chính thức bị dừng lại. Ông rời phòng thí nghiệm này để về làm việc ở thành phố Manchester với vị trí mới là Phó giám đốc Phòng thí nghiệm máy tính tại Đại học Manchester.

Số phận buồn của thiên tài Alan Turing - Kỳ 3 - Ảnh 1.

Alan Turing

Các khái niệm sơ khai của Alan về máy Turing phổ quát trước đó trở thành ảnh hưởng cơ bản của dự án máy tính Manchester ngay từ khi khởi đầu.

Tại Đại học Manchester, những đóng góp chính của ông trong sự phát triển của ngành khoa học máy tính chính là thiết kế một hệ thống sử dụng đầu vào - đầu ra bằng công nghệ của Trung tâm giải mã Bletchley Park cũng như hệ thống phần mềm của máy.

Alan cũng đã viết phần mềm và hệ thống lập trình của ông được sử dụng trong Ferranti Mark I - máy tính kỹ thuật số điện tử đầu tiên xuất hiện trên thị trường (1951).

Trí tuệ nhân tạo

Trong các nghiên cứu của mình, nhà khoa học Anh này hiểu rõ nền khoa học tối cao sẽ sớm thay đổi. Ông luôn tự hỏi mình “máy tính có thể suy nghĩ hay không” và đặt niềm tin vào việc chế tạo ra các cỗ máy có thể tự tính toán.

Ông đã đưa ra ý tưởng về một chiếc máy tự động thay đổi. Trong một bài báo nổi tiếng tên tạp chí Triết học “Mind” năm 1950, Alan Turing đã đưa ra khái niệm phép thử bắt chước mà sau này người ta dùng tên ông để gọi là “phép thử Turing”.

Alan Turing đồng thời là người hùng trong công cuộc tạo ra “trí thông minh nhân tạo” với câu nói nổi tiếng: “Một ngày nào đó, các quý bà sẽ đem máy tính theo mình lúc đi dạo ở công viên và thích thú kể với nhau rằng: ‘Chiếc máy tính nhỏ của tôi nói rằng thời tiết sáng nay thật đẹp!’”. 

Những gì mà Alan hình dung trong đầu đều đã trở thành sự thật của ngày hôm nay, chứng tỏ cho sự tinh tường vượt thời đại của nhà toán học tài giỏi.

Số phận buồn của thiên tài Alan Turing - Kỳ 3 - Ảnh 2.

Máy Pilot Model ACE.

Cho đến nay, “phép thử Turing” vẫn được xem là chuẩn mực để đánh giá các máy tính và trí tuệ nhân tạo. 

Từ năm 1966, Hiệp hội Máy tính bắt đầu trao giải thưởng mang tên Alan cho cá nhân có đóng góp thành tựu quan trọng cho cộng đồng máy tính. Giải này được coi như tương đương với giải Nobel trong cộng đồng này.

Trong khoảng thời gian cuối đời (từ năm 1952 - 1954), khoa học gia này bắt tay vào nghiên cứu vấn đề sinh hóa học, đặc biệt là hình thái học. Năm 1952, ông đã cho xuất bản bài viết “Cơ sở hóa học của hình thái học”. 

Điểm trọng tâm thu hút sự chú ý của ông là việc tìm hiểu sự sắp xếp lá theo chu trình của dãy số Fibonacci, sự tồn tại của dãy số Fibonacci trong cấu trúc của thực vật. Ông dùng phương trình phản ứng phân tán, cái mà hiện nay là trung tâm của ngành Tạo mẫu hình. 

Những bài viết sau cuối của ông không được xuất bản, cho mãi đến năm 1992, khi loạt các cuốn "Những nghiên cứu và sáng chế của Alan Turing" ra mắt độc giả.

Ảnh hưởng tổng hợp từ các công trình nghiên cứu của nhà khoa học đồng tính đối với sự ra đời của chiếc máy tính hiện đại thật khó có thể liệt kê đầy đủ. 

Thực tế, những cống hiến của Alan Turing đã giúp hình thành con đường công nghệ ngày nay, làm thay đổi thế giới cũng như đặc biệt nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. 

Chúng ta hiện nay đều tin tưởng tuyệt đối vào những chiếc máy tính sẽ cung cấp cho mình mọi câu trả lời đối với mọi vấn đề. Mọi chiếc máy tính trên thế giới này đều dựa trên mô hình toán học đặt ra trong công trình nghiên cứu dài 36 trang của Alan Turing vào năm 1936.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại