Nhưng thật kỳ diệu, McCluskey đã sống sót, dù ông được cho là người nhiễm một lượng phóng xạ lớn kỷ lục trong lịch sử thế giới và trở nên nổi tiếng với biệt danh “Người nguyên tử” (Atomic Man).
Càng kỳ lạ hơn nữa khi ông đã sống thêm 11 năm và chỉ qua đời vào năm 75 tuổi vì những nguyên nhân không liên quan đến sự cố phóng xạ. Các bác sĩ cũng không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của bệnh ung thư trong cơ thể McCluskey.
Thời điểm đó, công việc của McCluskey là khôi phục phụ phẩm americium của plutonium, một chất cao phóng xạ được sử dụng trong các loại bom và máy phát hiện khói.
Phòng thí nghiệm nơi ông làm việc ở Trung tâm Hanford đã đóng cửa suốt 4 tháng do cuộc đình công của công nhân viên, và khi trở lại trung tâm, McCluskey đã thấy chờn chợn, chưa muốn nối lại ngay công việc khi nhớ lại những cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng khi các hóa chất lâu không được “sờ” đến. Nhưng sếp của McCluskey đã giục ông cứ tiếp tục ngay.
McCluskey tuân lệnh, và trong khi ông đang làm việc trong phòng thí nghiệm, một phản ứng hóa học xảy ra đã khiến hộp đựng găng tay chuyên dụng phát nổ.
Cơ sở Hanford, được thành lập từ năm 1943, thuộc Dự án Manhattan bí mật, sau vụ nổ vẫn tiếp tục sản xuất hầu hết lượng plutonium dùng cho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong nhiều thập niên.
Mặt nạ bảo vệ bằng cao su của McCluskey bị văng khỏi mặt ông. Trong lúc hổn hển thở vì mệt, ông hít đầy khói phóng xạ, khiến cả hai lá phổi phủ đầy độc chất americium. Những mảnh kim loại và kính vỡ găm đầy lên cơ thể người đàn ông xấu số. Axít xộc vào mắt ông, khiến nhất thời hai mắt bị mù.Michele Gerber, tác giả của cuốn sách viết năm 1997 “Di sản thời Chiến tranh Lạnh của cơ sở Hanford”, đã mô tả lại chi tiết những sự kiện dẫn tới sự cố kinh hoàng với McCluskey. “Ông ấy nhìn thấy khói nâu xộc ra từ hộp để găng tay. McCluskey hiểu ngay ra rằng ông không nên ở đó và lập tức quay người bỏ chạy đúng lúc vụ nổ xảy ra”.
Mình be bét máu, McCluskey được đưa tới Cơ sở Chống nhiễm độc khẩn cấp Hanford, một toà nhà không cửa kính ở Richland, bang Washington, nơi ông nằm cách ly suốt 3 tuần. Vợ và hai con gái nạn nhân chỉ được đến gần ông trong phạm vi 10 mét vì mối lo ngại cơ thể ông vẫn toả ra phóng xạ. Cuối cùng McCluskey được đưa ra một toa xe đỗ bên ngoài toà nhà.
Công việc của McCluskey là khôi phục phụ phẩm americium trong chiếc thùng thép nén chặt khí này.
Chỉ trong vài phút, McCluskey hít vào người một liều americium kỷ lục từng được ghi nhận ở con người – gấp 500 lần mức tiêu chuẩn cho phép, theo Tiến sĩ Bryce Breitenstein, người điều trị cho nạn nhân.
McCluskey tiếp tục trải qua 5 tháng ở đó. Các nhân viên y tế tiêm vào người bệnh nhân hàng trăm liều thuốc để giúp ông bài tiết chất phóng xạ.
“Trong số 9 bác sĩ, thì chỉ 4 người cho rằng tôi có cơ hội sống sót 50-50. Số còn lại đều lắc đầu”, McCluskey nói với tạp chí People vào năm 1984.
Các nhân viên y tế chà và cạo da của McClusley hằng ngày. Họ cũng tiêm cho ông 600 liều kẽm DTPA, một loại thuốc đang được thí nghiệm nhằm giúp ông đào thải chất phóng xạ. “Quá trình chống nhiễm độc kéo dài, khó khăn và chưa bao giờ hoàn tất”, bác sĩ Eugene Carbaugh nói trong một bài phát biểu vào năm 2015.
Toà nhà không cửa sổ nơi McCluskey từng được điều trị nhiễm phóng xạ.
Cuối cùng, McCluskey được trở về nhà vào tháng 1/1977, nhưng ông lại đối mặt với một nỗi đau khác. Tại quê nhà ở Prosser, bang Washington, ông nổi tiếng với biệt danh "Người Nguyên tử" (Atomic Man). Mặc dù quá trình điều trị đã đào thải khỏi cơ thể ông hầu hết chất americium, nhưng lượng chất còn lại vẫn đủ làm kích hoạt máy phát hiện phóng xạ, khi đưa máy gần đầu ông. Vì thế, mọi người đều cho rằng McCluskey vẫn là người đang nhiễm xạ.
McCluskey nghỉ hưu và trong nhiều năm, người ta thấy ông vẫn đeo găng tay để phòng bất cứ nguy cơ lây nhiễm phóng xạ nào vẫn còn hiện diện trong cơ thể. Ông bị xa lánh, bỏ rơi ngay trong cộng đồng của mình. Nhiều người bạn gọi điện nói: “Harold ạ, tôi thương anh, nhưng tôi không thể tới nhà anh được”.
Năm 1984, McCluskey từng cho biết, ông đã phải liên tục đổi thợ cắt tóc vì không muốn gây ảnh hưởng xấu tới công việc của họ.
Sau 5 tháng điều trị, lượng phóng xạ còn trong người McCluskey vẫn kích hoạt máy dò phóng xạ.
McCluskey còn bị một loạt các vấn đề sức khoẻ khác liên quan đến phóng xạ như nhiễm trùng thận, đau tim và phải phẫu thuật đục nhân mắt với cả hai mắt. Năm 1977, ông kiện chính phủ liên bang ra toà đòi bồi thường, và sau đó nhận được 275.000 USD tiền dàn xếp từ Bộ Năng lượng Mỹ.
Suốt phần đời còn lại, McCluskey phải đều đặn khám bác sĩ. Ông qua đời vì bệnh tim vào ngày 17/8/1987, ở tuổi 75 và giải phẫu tử thi sau đó không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của bệnh ung thư. Tuy nhiên theo bác sĩ Carbaugh, nếu McCluskey sống lâu hơn, ông có thể mắc ung thư.
Căn phòng nơi xảy ra vụ nổ được gọi là Phòng McCluskey, bị niêm phong và không bao giờ hoạt động trở lại. Năm 2010, các công nhân trong trang phục bảo hộ, mới bắt đầu dọn dẹp Phòng McCluskey, họ đưa toàn bộ các thiết bị nhiễm xạ khỏi đây và chở tới bãi phế thải ở New Mexico. Rồi sau một số công đoạn phòng ngừa khác, phải tới 6 năm sau nữa, nhà chức trách mới tiến hành phá dỡ khu vực nhiễm xạ. Vậy là, sau hơn 4 thập niên, Phòng McCluskey cuối cùng bị phá dỡ hồi tháng 3 năm nay, đưa lịch sử Trung tâm Hanford đi đến hồi kết.
Hoạt động tại cơ sở Hanford chỉ ngừng vào cuối thập niên 1980 và các nỗ lực làm sạch "Chernobyl của nước Mỹ" được tiến hành kể từ đó và dự kiến sẽ còn mất thêm 75 năm nữa.
Nhưng các nhà khoa học tính toán rằng sẽ phải mất nhiều thập niên nữa để hồi phục khu đất rộng 586 dặm vuông của Hanford trở lại bình thường. Trung tâm hạt nhân này thuộc Dự án mật Manhattan, được xây dựng gần sông Columbia để tận dụng nguồn nước cung cấp năng lượng và làm mát.
Vài thập kỷ sau vụ nổ, Hanford vẫn tiếp tục sản xuất phần lớn plutoni dùng cho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Plutonium sản xuất ra tại đây chính là nhiên liệu cho quả bom “Thằng béo” thả xuống Nagasaki, Nhật Bản năm 1945.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, trong quá trình xử lý phóng xạ, khoảng 56 triệu gallon chất thải phóng xạ lỏng đã được chứa trong 177 bể chứa ngầm tại khu vực được mệnh danh là “Chernobyl của nước Mỹ”. Những bể chứa này cũng có đôi lần bị rò rỉ, làm nhiễm xạ ra vùng đất và nước ngầm trong khu vực. Do vậy, nhà chức trách Mỹ đã lên kế hoạch lập một trung tâm chất thải, nơi các chất thải phóng xạ lỏng được hoá rắn và chôn vùi trong một “hầm mộ” vĩnh cửu.
Cuối cùng khi phần lớn khu vực trở thành nơi an toàn, nơi đây sẽ được trả về cho chính quyền bang và trở thành một khu vực được bảo vệ. Năm 2015, khu vực cơ sở hạt nhân Hanford đã trở thành một phần của Công viên lịch sử quốc gia Dự án Manhattan, như một bài học nhắc nhở nước Mỹ về những mối nguy hiểm khủng khiếp của một thảm hoạ hạt nhân.