Hiện tại, Trung Quốc có cùng lúc nhiều chứ không phải chỉ một lý do để không hài lòng về Mỹ, mà lại toàn là những chuyện Trung Quốc đều không hoặc khó có thể chấp nhận và không thể không thể hiện thái độ phản đối hay đáp trả cụ thể.
Cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - do phía Mỹ phát động - đang diễn ra quyết liệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump không những không chùn bước trước những biện pháp trả đũa của Trung Quốc, mà còn tỏ ý tiếp tục gia tăng mức độ đối địch.
Ông Trump dọa sẽ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với tất cả mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, lại còn cáo buộc Trung Quốc cùng EU đang "thao túng và lũng đoạn tiền tệ".
Trong một lĩnh vực quan hệ khác giữa Mỹ và Trung Quốc là Đài Loan, Mỹ cũng khiến Trung Quốc không thể không hậm hực khi cho tàu chiến đi vào eo biển Đài Loan và dự tính lại cho phép lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, quá cảnh Mỹ lần thứ 4.
Trước đó, ông Trump đã ký sắc lệnh cho phép quan chức chính quyền Mỹ đến Đài Loan và phía Mỹ đã khai trương trụ sở mới của Viện Mỹ ở Đài Loan - được coi như đại sứ quán không chính thức của Mỹ ở Đài Loan.
Con bài đắc dụng
Đài Loan vốn là vấn đề luôn rất nhạy cảm và nan giải trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó luôn là một con chủ bài đắc dụng đối với Mỹ, giúp Mỹ có thể làm găng hay làm dịu, có thể gây áp lực hay nhượng bộ đối với Trung Quốc.
Việc phía Mỹ cho phép lãnh đạo Đài Loan quá cảnh Mỹ trên danh nghĩa chính thức chỉ là chuyện quá cảnh cần thiết để đảm bảo những dịch vụ hậu cần và kỹ thuật, nhưng trong thực tế đối với Đài Loan lại có ý nghĩa chính trị ngoại giao vô cùng to lớn và tác động dư luận vô cùng quan trọng.
Lễ khai trương Viện Mỹ ở Đài Loan. Ảnh: AP.
Đài Loan có thể coi đó như những chuyến thăm không chính thức ở Mỹ, để lách cam kết của Mỹ về chính sách "Một Trung Quốc", và để phân rẽ Mỹ với Trung Quốc. Tất cả những người tiền nhiệm của bà Thái Anh Văn - các ông Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Mã Anh Cửu - đều nhiều lần quá cảnh Mỹ như thế khi công du nước ngoài.
Bà Thái Văn Anh dự định quá cảnh Mỹ lần thứ 4 vào tháng tới để sang Paraguay dự lễ nhậm chức Tổng thống mới của nước này, ông Mario Benitez. Paraguay là một trong 18 quốc gia trên thế giới hiện có quan hệ ngoại giao với Đài Loan mà không thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Phía Mỹ không từ chối cho bà Thái Anh Văn quá cảnh nước Mỹ vì tiền lệ chính trị đã trở thành thông lệ chính trị từ lâu, và vì việc ấy hiện giúp Mỹ vừa thể hiện quan điểm, vừa gia tăng áp lực đối với Trung Quốc.
Vấn đề Đài Loan không chỉ đơn thuần là chuyện chính trị an ninh và địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn là vấn đề mà Mỹ có thể làm giá với Trung Quốc và Trung Quốc không thể hoàn toàn không trả giá gì trong cặp quan hệ song phương này.
Liệu Mỹ sẽ tận dụng thời cơ?
Con chủ bài đắc dụng chung thì như thế, nhưng trong đó Mỹ còn có thể sử dụng theo ba cấp độ khác nhau làm cho con chủ bài này có thể được sử dụng một cách rất linh hoạt và hiệu quả.
Thứ nhất là thời điểm. Ở thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc như thể cặp tình nhân trong tuần trăng mật thì việc lãnh đạo Đài Loan quá cảnh Mỹ sẽ chỉ là chuyện âm thầm lặng lẽ, thời gian quá cảnh ngắn, địa điểm quá cảnh không ẩn chứa ý nghĩa chính trị ngoại giao nào và việc quá cảnh sẽ chỉ là quá cảnh thuần tuý.
Thứ hai là địa điểm quá cảnh. Cho tới nay, các vị lãnh đạo xứ Đài chưa từng được quá cảnh ở thủ đô Washington của nước Mỹ.
Tháng 5/2001, ông Trần Thủy Biển đã quá cảnh ở New York. Tất cả những lần quá cảnh khác của các vị lãnh đạo Đài Loan đều ở cách rất xa kinh đô chính trị của nước Mỹ là Washington và New York. Địa điểm quá cảnh thể hiện ý nghĩa chính trị mà phía Mỹ dành cho việc dừng chân quá cảnh.
Thứ ba là chương trình hoạt động trong thời gian quá cảnh. Chỉ cần có một vài cuộc gặp gỡ giữa người quá cảnh với đại diện chính giới hoặc chính quyền Mỹ, hay một vài hoạt động không chính thức nhưng không liên quan gì đến chuyện quá cảnh cũng đủ để làm cho việc dừng chân quá cảnh chẳng khác gì chuyến thăm làm việc không chính thức trong thực tế. Chuyến quá cảnh Mỹ lần trước của bà Thái Anh Văn đã diễn ra như thế.
Vì đắc dụng như thế lâu năm và vì Trung Quốc rất khó ứng phó với nó, nên con chủ bài này vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, và ở thời ông Donald Trump làm Tổng thống nước Mỹ thì con chủ bài này lại càng hữu dụng hơn trước.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.