Tổ hợp văn phòng của Google ở Sunnyvale, California, là một trong những cơ sở lớn nhất của tập đoàn này ở Mỹ. Vào thứ Sáu tuần trước, cả tòa nhà trống rỗng và không có ai ngồi trong những quán cà phê vốn thường xuyên đông đúc. Bởi đêm trước đó, trong một email gửi toàn công ty về kế hoạch dự phòng để đối phó với coronavirus mới, Google đã thông báo cho nhân viên ở cả Bay Area rằng họ có thể làm việc tại nhà.
Kỹ sư bảo mật Amardeep Singh Purewal cũng thích làm việc ở nhà. Nhưng Purewal làm việc cho Google theo dạng hợp đồng và thậm chí không thể truy cập tài khoản email Google của mình từ xa. Bởi anh làm việc trong lĩnh vực bảo mật cho Google và không thể làm gì cho tới khi có mặt ở văn phòng.
Các nhân viên hợp đồng như Preval được tuyển dụng bởi các trung gian thuê ngoài của Google và những người này không được hưởng hoặc không có quyền lợi tương ứng so với nhân viên toàn thời gian. Họ không chỉ có mức lương thấp, mà còn thường bị buộc phải làm thêm giờ. Vì vậy, những người này được gọi là "nhân viên hạng 2", để phân biệt với nhân viên thường xuyên của các công ty công nghệ lớn.
Amardeep Purewal, một nhân viên tạm thời làm việc trong lĩnh vực CNTT bảo mật tại Google.
Sự lây lan của coronavirus mới ở Mỹ đã bắt đầu bùng phát kể từ cuối tháng 2 và phản ứng của Thung lũng Silicon đối với mối đe dọa này đã nhanh chóng thay đổi. Khi các trường hợp lây nhiễm được xác nhận gần các cụm văn phòng công nghệ ở Bắc California và Washington, các công ty công nghệ đã nhanh chóng sắp xếp cho tất cả nhân viên toàn thời gian có thể làm việc ở nhà. Sau đó, bị gây áp lực nội bộ từ chính nhân viên và đối thủ cạnh tranh, các công ty này đã mở rộng các kế hoạch khẩn cấp để nó bao gồm các nhân viên tạm thời, được thuê thông qua các trung gian và các công ty bên thứ ba.
Đó cũng là khi sự tồn tại của các "lao động trong bóng tối" dần lộ rõ, phản ánh một sự phân chia giai cấp không quá rõ ràng giữa những người làm việc ở Thung lũng Silicon. Nhiều công ty dựa vào các nhân viên tạm thời để dọn dẹp và bảo vệ khuôn viên, chuẩn bị thức ăn hay lái xe đưa đón. Họ có thời gian lao động giống như nhân viên văn phòng toàn thời gian, nhưng lại có mức lương thấp hơn, không có vốn chủ sở hữu và có ít đặc quyền hơn. Các nhân viên này cũng phụ trách viết mã, điều chỉnh nội dung được đăng trên Facebook và YouTube, quản lý dự án, tuyển dụng nhân viên và đào tạo trợ lý kỹ thuật số.
Và khi nhiều công ty chấp nhân đóng cửa văn phòng và cho làm việc từ xa để hạn chế sự lây lan của virus, các "nhân viên hạng 2" bắt đầu lo lắng vì họ không biết mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào. Bởi công việc của họ gần như gắn bó trực tiếp với văn phòng và khó có thể làm việc từ xa.
Facebook cho biết nếu nhu cầu về lao động tạm thời giảm, công ty sẽ tiếp tục trả lương cho các công nhân tạm thời này nếu văn phòng của họ bị đóng cửa hoặc họ bị bệnh. Trong email khẩn cấp, Google cũng cam đoan với "nhân viên tạm thời và nhà cung cấp" rằng nếu văn phòng bị đóng cửa, công ty sẽ "làm việc với đơn vị chủ quản để đảm bảo các bạn có thể nhận bồi thường". Những lời hứa này nghe có vẻ tốt đẹp và đầy an ủi, đối với những người như Preval, một người lao động chỉ có thể tích lũy tối đa 3 ngày nghỉ ốm một năm.
Nhưng khi Preval nói chuyện với công ty đã thuê mình, Beacon Hill Staffing Group, thì anh không chắc liệu chính sách của Google có đồng nghĩa với việc anh buộc phải làm việc tại nhà mới được trả tiền hay không. Preval đang sống cùng vợ, ba đứa con và bố mẹ. Việc này ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế gia đình.
Beacon Hill Staffing Group đã không có phản hồi ngay lập tức. Theo Preval, sự hỗn loạn này "dường như là cố ý".
"Bạn không biết tìm câu trả lời ở đâu, có lẽ họ đã cố tình làm điều đó", anh nói.
Một cuộc biểu tình đòi quyền lợi của các nhân viên tạm thời, điều khá phổ biến ở Thung lũng Silicon.
Các nhà thầu tuyển dụng đã cho phép các công ty công nghệ tiết kiệm nhiều tiền hơn, tránh phải cân nhắc nhiều về việc tuyển dụng hay sa thải ai đó. Năm 2019, dưới áp lực của phong trào lao động ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghệ, Facebook và Google cuối cùng đã chịu nâng cao tiêu chuẩn việc làm cho nhân viên của các công ty hợp đồng.
Nhưng nó không giải quyết được tất cả mọi việc. Tại Google, các nhân viên tạm thời, từ đầu bếp đến lập trình viên, thậm chí đông hơn cả nhân viên toàn thời gian. Theo các báo cáo, tính đến tháng 3/2019, Google có khoảng 121.000 nhân viên thuộc bên thứ ba, so với chỉ 102.000 nhân viên toàn thời gian.
Trong một cuộc phỏng vấn với hơn một chục nhân viên tạm thời làm việc cho các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon, những người này cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ về coronavirus mới là các hạn chế về lợi ích y tế cùng mức lương thấp, bởi các công ty sẽ không muốn gánh chịu gánh nặng tài chính này.
"Chăm sóc sức khỏe của chính chúng ta dường như ít quan trọng hơn việc chăm sóc sức khỏe của họ", một nhân viên giấu tên đang làm việc cho công ty có trụ sở ở Menlo Park, chia sẻ.
Trên thực tế, một số nhân viên tạm thời "về lý thuyết" có thể làm việc tại nhà, nhưng các công ty lớn thường áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với họ. Phần do sự đối xử khác biệt, hạn chế pháp lý hoặc các yêu cầu bảo mật. Trong nhiều trường hợp, những người này thậm chí không thể mang máy tính về nhà, không thể truy cập cơ sở dữ liệu dùng chung và không thể đăng nhập hệ thống từ xa.
Nhân viên tạm thời từ các nhà thầu phụ tại Google còn nhiều hơn cả nhân viên chính thức.
Cuối tháng 2, khi các trường hợp nhiễm coronavirus mới tăng lên, bắt đầu xuất hiện ở phía bắc California, gần trụ sở của nhiều đại gia công nghệ và nhiều ca nhiễm mới được tìm thấy ở phía Bờ Tây, bao gồm cả bang Washington, nơi Amazon và Microsoft có trụ sở. Các công ty công nghệ đã tiến hành các biện pháp bảo mật bổ sung, ra lệnh dọn dẹp văn phòng thường xuyên hơn, sau đó hủy các cuộc họp, hạn chế đi lại và cuối cùng thúc giục nhân viên làm việc tại nhà. Nhưng số phận của các nhân viên tạm thời dường như chưa được tính đến.
Tại Google, các nhân viên đang gây áp lực lên công ty để yêu cầu được trả lời các câu hỏi về nghỉ ốm có trả lương hay làm việc tại nhà. Nhiều cuộc thảo luận nhóm, nhiều tài liệu đã được gửi đi nhưng câu trả lời mà họ mong muốn vẫn rất mơ hồ.
Mãi tới hôm 12/2, Chủ tịch Microsoft Brad Smith mới đây đã xuất bản một bài đăng trên blog, thông báo rằng công ty sẽ trả lương theo giờ cho những người không thể làm việc từ xa. Ngay sau đó, Google, Facebook và Amazon dường như cũng tìm ra lối thoát, công bố kế hoạch trả lương theo giờ của mình.
Một số công ty khác thì đã tìm cách phát triển các hệ thống để hỗ trợ các nhân viên tạm thời có thể làm việc từ xa, điều ngoại lệ mà họ chưa từng làm (hoặc muốn nghĩ tới) trước đây.
Còn đối với Purewal, anh cho biết dường như những nỗ lực từ thiện trên phạm vi toàn cẩu của các đại gia trong ngành công nghệ, cụ thể ở đây là Google, luôn đặc biệt mâu thuẫn với hệ thống quản lý nội bộ.
"Họ luôn tìm cách giúp đỡ, từ thiện cho các chương trình ở xa xôi trong khi không thể cung cấp một chút ưu đãi cho những người đang làm thuê ngay bên trong công ty", anh nói. "Tại sao lại có sự phân biệt đối xử ngay tại nhà của mình?"
Tham khảo newsindiatimes