Foxconn điên cuồng săn lùng, sẵn sàng chi đậm để có nhân công lắp iPhone
Trong những ngày này, một tin nhắn tuyển dụng đầy hấp dẫn đang quét qua tất cả các mạng xã hội ở Trung Quốc. iDPBG Thâm Quyến - đơn vị chuyên sản xuất các thiết bị của Apple - trực thuộc tập đoàn Foxconn đã đưa ra chính sách khuyến khích tuyển dụng mang tên: "Tôi muốn thuê người".
Hiểu một cách đơn giản thì chỉ cần thông qua tuyển dụng nội bộ, đi làm lại hoặc đăng ký nhân viên mới nói chung, miễn là một người nào đó tham gia làm việc tại nhà máy trước ngày 31/3, họ có thể nhận được rất nhiều tiền thưởng. Cụ thể sau 60 ngày là số tiền 4.250 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng) và thêm 2.500 nhân dân tệ sau 90 ngày, tổng cộng sẽ là 6.750 nhân dân tệ (khoảng 22,5 triệu đồng).
Thông báo tuyển dụng với các khoản thưởng tiền mặt lớn của Foxconn Thâm Quyến.
Đồng thời, những người thuê mới lần đầu tiên sẽ nhận được thêm 360 nhân dân tệ. Nói cách khác, một nhân viên mới đến làm việc có thể nhận được 7.110 nhân dân tệ (khoảng 23,7 triệu đồng), đây cũng là mức tiền thưởng cho người mới cao nhất trong lịch sử Foxconn. Điều đáng chú ý là nếu nhân viên được tuyển dụng thông qua kênh khuyến nghị nội bộ, sau 90 ngày, người giới thiệu cũng có thể nhận được khoản tiền thưởng 3.600 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu đồng).
Như một hòn đá ném vào mặt hồ đang yên tĩnh, thông tin tuyển dụng này đã làm dậy sóng cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều người còn trêu chọc nhau nhanh nhanh lập hội tới đăng ký tuyển dụng để nhận tiền thưởng từ Foxconn.
Trên thực tế, ngay từ ngày 13/2, trung tâm tuyển dụng Foxconn ở Trịnh Châu cũng đã đưa ra phần thưởng tiền mặt 3.000 nhân dân tệ cho nhân sự quay trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết nguyên đán. Vào ngày 5/3, trung tâm này đưa ra thông tin tuyển người từ bất kỳ khu vực nào ngoài tỉnh Hà Nam để tham gia phỏng vấn và thưởng tới 5.250 nhân dân tệ nếu làm đủ 90 ngày.
Foxconn Trịnh Châu cũng không chịu thua kém.
Với việc tình hình dịch bệnh ngày càng khởi sắc, việc nối lại sản xuất dường như đã ở ngay trước mặt đối với Foxconn. Và bên cạnh việc chi đậm để tuyển dụng với số lượng lớn, tập đoàn này hôm 25/2 còn thuê cả Viện sĩ hàn lâm Zhong Nanshan về để ngồi "tọa trấn".
Zhong Nanshan là một nhà dịch tễ học và cũng nhà nghiên cứu phổi nổi tiếng người Trung Quốc. Chính ông đã phát hiện ra bệnh SARS vào năm 2003. Ông là chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Trung Quốc từ năm 2005 đến 2009 và hiện là tổng biên tập của Tạp chí Bệnh lồng ngực.
Ở Foxconn, vị chuyên gia y tế này sẽ chịu trách nhiệm làm cố vấn chung của nhóm về phòng ngừa và phục hồi bệnh viêm phổi do coronavirus mới gây ra. Đây có thể coi là một liều thuốc tinh thần cực mạnh, để khích lệ và khiến công nhân an tâm làm việc.
Với cùng lúc sử dụng cả hai hướng tiếp cận, các thông báo tuyển dụng khẩn cấp của Foxconn đã bắt đầu có kết quả. Theo tin tức mới nhất được công bố bởi Foxconn Trịnh Châu, kể từ khi việc nối lại sản xuất được bắt đầu từ ngày 10/2, đơn vị này đã phục hồi hơn 80% công suất và việc đáp ứng các đơn hàng sản xuất về cơ bản đã trở lại bình thường. Tính đến ngày 6/3, tổng số nhân viên trong các nhà máy tại Hà Nam của Foxconn đã lên tới 180.000 và việc nối lại hoạt động đã vượt quá 80%.
"Dịch bệnh vừa qua đã thực sự trì hoãn mọi thứ. Tôi đã không làm việc được gần hai tháng và nhiều đồng nghiệp khác cũng như vậy", Liu Jun, một nhân viên trong dây chuyền sản xuất của Foxconn nói. "Nhưng ưu đãi tuyển dụng mới thực sự hấp dẫn. Vì tiền thưởng cao, nhiều người đã đến nộp đơn."
Mùa tuyển dụng đắt nhất trong lịch sử Trung Quốc
Không chỉ các tập đoàn công nghệ lớn như Foxconn mà cả những công ty nhỏ hay xí nghiệp dân sinh cũng đang lần lượt tìm cách tuyển dụng lại nhân công để bắt đầu trở lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nguồn cung lao động ở thời điểm hiện tại có hạn. Thậm chí đến các công việc đơn giản như bảo vệ cũng khó kiếm được người chịu đi làm. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người đã bị mắc kẹt ở quê nhà, trong khi số khác thì chưa muốn đi làm vì những lo ngại về an toàn sức khỏe.
"Tôi sẽ chờ đợi hết dịch bệnh rồi mới tìm việc làm. Rốt cuộc, sức khỏe là điều quan trọng nhất", Wang Hao, người đã bỏ việc trong thời kỳ dịch bệnh bùng nổ, chia sẻ. "Bạn sẽ chẳng làm được việc gì nếu bị mắc bệnh viêm phổi do coronavirus mới cả".
Tình hình chung khiến các nhà tuyển dụng lo lắng tới tuyệt vọng.
"Vào làm công nhân nhà máy may của chúng tôi mỗi ngày sẽ nhận được 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng), vậy mà vẫn còn thiếu người nghiêm trọng", ông chủ của một nhà máy may ở Thâm Quyến thở dài chia sẻ trên mạng xã hội. "Không có công nhân nào để tuyển dụng, trong khi khách hàng liên tục gửi đơn hàng. Hàng nợ với các công ty thương mại điện tử thì vẫn còn rất nhiều. Bao nhiêu loại tiền phải trả, chúng tôi giờ lo lắng trong sự bận rộn, như chờ đợi bình minh với chứng mất ngủ trong người."
Công nhân dọn dẹp bên ngoài một cửa hàng Huawei ở Thượng Hải.
Trên thực tế, trong những năm trước đây, thời điểm này luôn là mùa cao điểm để tuyển dụng lao động. Khi đó, mọi nhà máy đều sử dụng tất cả các kỹ năng của mình để tuyển dụng lao động mới. Và với tác động của dịch bệnh, năm nay tình trạng thiếu lao động trong các doanh nghiệp thậm chí còn nổi bật hơn.
Một chủ nhà máy nhỏ đã thú nhận trên nền tảng mạng xã hội rằng: "Vào thời điểm này, không được xúc phạm bất cứ công nhân nào. Về lâu dài, một khi dịch bệnh kết thúc, các công ty sẽ tiếp tục quay trở lại sản xuất, các nhà máy sẽ tranh cướp người lao động của nhau".
Trong tuyệt vọng, khi mà các công ty tuyển dụng lao động cũng chỉ biết bó tay, các chủ nhà máy bắt đầu tự mò mẫm tìm đường ra. Thậm chí, có công ty còn đưa nhân viên ở các bộ phận chức năng, như văn phòng và kinh doanh xuống nhà xưởng để làm việc, với khẩu hiệu "trải nghiệm cuộc sống".
"Nhà máy mà không thể tuyển đủ nhân viên lao động thì để nhân viên công vụ ngồi không trong văn phòng làm cái gì?", động thái bất lực này cũng phản ánh trực tiếp hoàn cảnh thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp.
"Năm nay có thể là mùa tuyển dụng khó khăn và tốn kém nhất trong lịch sử", nhiều chủ nhà máy có cùng cảm xúc.
Lấy của cải vật chất, ưu đãi hỗ trợ ra... dụ dỗ người lao động
Trong bối cảnh khan hiếm nhân sự, các phần thưởng hào phóng về vật chất và mang tính thực tế dần trở thành yếu tố tối thượng để tuyển dụng lao động.
Một chủ sở hữu nhà máy đã chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của riêng mình như sau: "Trong hai năm qua với tư cách là một ông chủ nhỏ, tôi biết hầu hết mọi vấn đề và giải pháp hiệu quả nhất chính là bồi thường", ông nói. "Để yêu cầu công nhân nhà máy quay trở lại làm việc và tiếp tục làm việc, tôi đã tặng thưởng trực tiếp với ba tháng lương. Các công nhân đã đồng ý mà không hề phân vân suy nghĩ."
Ông cho biết quan trọng nhất là phải hiệu tình hình thực tế của công nhân. Phải biết rằng hầu hết công nhân trong nhà máy đều là trụ cột của gia đình, thường dựa vào lực lượng lao động của chính họ để đổi lấy tiền lương, khả năng chống lại rủi ro là tương đối yếu. Nếu họ không kiếm được nhiều tiền hơn, việc đó có khả năng ảnh hưởng đến sinh kế của cả gia đình.
Nhiều người lao động sẽ trở lại nơi làm việc trong thời gian tới. Ảnh chụp tại sân bay Bắc Kinh.
Đây cũng là biện pháp được nhiều xí nghiệp ở các tỉnh và thành phố trên khắp Trung Quốc đang đua nhau học tập. Và ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này là ổn định tinh thần số nhân viên cũ đồng thời hỗ trợ họ trở lại làm việc.
Những ngày này, nhiều công ty liên doanh sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mua vé đường sắt cao tốc hay vé máy bay để đón nhân viên trở lại làm việc. Ví dụ như các xí nghiệp ở Hàng Châu, Gia Hưng, Phúc Châu... Với người lao động phải thuê xe khách để di chuyển, nhiều nơi thậm chí trợ cấp tiền mặt từ 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ (7-10 triệu đồng).
Không ít công ty cũng đưa ra các khoản trợ cấp mới để giảm bớt những lo ngại về an toàn sức khỏe đối với nhân viên lớn tuổi. Các chính sách trợ cấp đi làm lại cũng đã được áp dụng ở nhiều nơi. Một số thành phố như Tam Á, tỉnh Hải Nam đã ban hành chính sách trợ cấp cho người lao động trong toàn khu vực, mỗi người sẽ nhận được 700-1.000 nhân dân tệ. Thành phố Hồ Châu chi duyệt khoản ngân sách 100 triệu tệ để hỗ trợ người lao động trở lại làm việc. Thậm chí, những người mang hơn 20 người từ bên ngoài đến thành phố làm việc cũng sẽ được nhận được tiền thưởng.
Làn sóng tiền thưởng đi làm này đang tạo ra hiệu quả ngày càng rõ rệt ở khắp các khu vực. Bởi rõ ràng, ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, các chi phí vẫn phát sinh cần được chi trả và con người, dù đối mặt với khó khăn vất vả bao nhiêu vẫn luôn phải tiến lên phía trước.
Tham khảo Sina