Thực hiện Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), Sở NN-PTNT Đà Nẵng vừa công bố công khai kết quả kiểm tra, xếp loại về điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản được UBND TP Đà Nẵng phân cấp cho Sở NN-PTNT quản lý (cập nhật đến ngày 31/3).
Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được kiểm tra xếp loại về điều kiện đảm bảo ATTP theo 3 mức. Xếp loại A (tốt) là đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP.
Xếp loại B (đạt) là cơ bản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP; vẫn còn một số sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, ATTP.
Xếp loại C (không đạt) là chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP.
Theo thông báo vừa được Sở NN-PTNT Đà Nẵng công bố thì có tổng cộng 200 cơ sở gồm 20 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản, 27 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật, 33 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật, 13 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hỗn hợp, phối chế, sản xuất nước đá, muối ăn và 120 tàu cá được kiểm tra, đánh giá, xếp loại về điều kiện đảm bảo ATTP (tính đến ngày 31/3).
Đáng nói là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được Sở NN-PTNT Đà Nẵng kiểm tra, đánh giá đều được xếp loại A và B; không có bất cứ cơ sở nào bị xếp loại C, tức chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP.
Nếu việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại này là chính xác thì đây quả là tin mừng đối với người dân Đà Nẵng!
Tuy nhiên, theo chính thông tin được đăng tải trên trang wbe của Sở NN-PTNT Đà Nẵng thì chỉ từ ngày 1 đến ngày 19/1, qua 29 đợt kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh và vận chuyển lưu thông sản phẩm động vật trên toàn địa bàn theo Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND TP Đà Nẵng về kiểm tra ATTP phục vụ Tết Nguyên đán 2016, Chi cục Thú y Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý phạt vi phạm hành chính 22 trường hợp.
Trong đó có 8 trường hợp sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ, không tem vệ sinh thú y; 5 trường hợp giết mổ động vật tại nơi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; 2 trường hợp giết mổ động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; 6 trường hợp kinh doanh vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch và 1 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
Tổng số tiền thu phạt hơn 47 triệu đồng.
Và mới đây nhất, như Infonet đã đưa tin, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Đà Nẵng (thuộc Sở NN-PTNT Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra, lấy 25 mẫu măng tươi, dưa cải muối chủa tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn TP, gửi đến Trung tâm Phân tích thí nghiệm Sở KH-CN TP.HCM để kiểm tra chất cấm Auramine o (còn gọi chất vàng ô).
Theo các kết quả được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Đà Nẵng công bố vào ngày 31/3 và ngày 7/4 thì có 7/9 mẫu măng tươi và 7/7 mẫu dưa cải muối chua có tồn dư chất vàng ô.
Đây vốn là chất màu tổng hợp được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ...; làm màu sơn quét tường, có tính độc tới mức Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) đã xếp vào chất gây ung thư nhóm 3 – có thể gây bệnh cao, nhưng lại được các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và các hộ buôn bán tại các chợ sử dụng để tạo màu cho măng tươi, dưa cải muối chua...
Với thực trạng này, các kết quả kiểm tra, xếp loại về điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn vừa được Sở NN-PTNT Đà Nẵng công bố liệu có thể làm an lòng người dân TP?