Theo cơn sóng cổ phiếu dầu khí, mã PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) ghi nhận mức tăng gần 10% chỉ trong vòng 1 tháng qua. PVD là một trong số những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao trong nhóm dầu khí, luôn là cái tên hot được giới đầu tư săn đón mỗi khi có những thông tin biến động mạnh.
Song khác với giai đoạn trước là việc giá dầu Brent ảnh hưởng mạnh với giá cổ phiếu, hiện tại một yếu tố được cho tác động lớn hơn tới PVD là việc giá thuê dàn khoan có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu ngày một lớn hơn.
Giá thuê ngày giàn khoan tự nâng tăng mạnh, PVD hưởng lợi lớn
PVD là công ty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các dịch vụ khoan dầu khí. Công ty có thị phần lớn trong tất cả các mảng kinh doanh chính như 50% trong mảng dịch vụ khoan và 55%-100% dịch vụ giếng khoan. Đội giàn khoan của PVD bao gồm 4 giàn khoan tự nâng, 1 giàn tiếp trợ khoan và 1 giàn khoan trên đất liền.
Theo báo cáo tháng 3/2024 của S&P Global, do việc di chuyển các giàn khoan từ Đông Nam Á sang Trung Đông, thị trường JU Đông Nam Á có khả năng thắt chặt tương tự như thị trường toàn cầu. Thị trường có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu giàn khoan trong hầu hết giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, hiệu suất hoạt động trung bình giàn khoan của Đông Nam Á cũng đạt đỉnh mới là 95,7% cho thấy nhu cầu đang tăng cao. Ghi nhận trong quý 1/2024, giá thuê ngày giàn khoan tự nâng (JU) của Đông Nam Á đã tăng lên 146.000 USD. Kết quả, giá thuê ngày JU của PVD cũng đã tăng lên ngưỡng 93.800 USD, tương ứng cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến giá tăng đã phản ánh thị trường khả quan với nhu cầu cao và số lượng giàn khoan hạn chế, đưa biên lợi nhuận gộp hoạt động khoan của PVD đạt mức kỷ lục 32,4% trong quý 1, vượt mức đỉnh năm 2015. Theo báo cáo mới đây của Vietcap, trong thời gian tới khi PVD mở rộng ra thị trường quốc tế, kỳ vọng giá thuê ngày của công ty sẽ dần tương đương với khu vực. Vietcap giả định rằng giá thuê ngày của PVD sẽ thấp hơn 27% so với giá thuê ngày trong khu vực vào năm 2024, nhưng chúng tôi kỳ vọng mức chiết khấu này sẽ giảm xuống khoảng 20% trong dài hạn.
Kỳ vọng hoạt động thăm dò và sản xuất trong nước phục hồi, tâm điểm tại siêu dự án Lô B
Trở lại trong nước, sau giai đoạn 2023 thị trường khoan Việt Nam ghi nhận trầm lắng với các chiến dịch khoan nhỏ lẻ, rải rác, Vietcap kỳ vọng hoạt động thăm dò và sản xuất trong nước sẽ tăng vào năm 2024. Giá dầu Brent trung bình sẽ vào khoản 75-83 USD/thùng trong giai đoạn 2024-2028, từ đó hỗ trợ sự phục hồi của các hoạt động thăm dò và sản xuất. Nhiều công việc khoan đã được lên kế hoạch thực hiện từ năm 2024 đi cùng với tiến độ tăng tốc của các dự án như Lô B, Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2B và Lạc Đà Vàng.
Đặc biệt, dự án Lô B kỳ vọng sẽ mang lại khối lượng công việc bền vững cho PVD. Đây là chuỗi dự án có tổng mức đầu tư 12 tỷ USD, nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam.
Tổng giá trị hợp đồng của PVD ước tính là 2 tỷ USD và LNST là 267 triệu USD trong giai đoạn 2026- 2050. Vietcap đưa ra 2 kịch bản về việc PVD tiến hành khoan tại các mỏ khí Lô B, một là PVD cho thuê 2 giàn JU hiện có; hoặc hai là PVD thuê 2 giàn JU và cho dự án Lô B thuê lại.
Ước tính lợi nhuận từ hoạt động khoan và các dịch vụ liên quan đến giếng khoan sẽ đóng góp 48 triệu USD vào lãi ròng của PVD trong giai đoạn 2026-2027 (13% trong tổng lãi ròng giai đoạn 2026-2027 của PVD). Sang tới giai đoạn 2028 – 2050, kỳ vọng lợi nhuận từ Lô B sẽ đóng góp 223 triệu USD vào lãi ròng của PVD.
Với Mỏ dầu Lạc Đà Vàng, nhà điều hành mỏ Murphy Oil đã cấp quyết định đầu tư cuối cùng và đặt mục tiêu khai thác lượng dầu đầu tiên vào năm 2026. Murphy Oil đang thực hiện khảo sát thị trường cho 1 giàn khoan tự nâng để khoan 8 giếng tại mỏ dầu Lạc Đà Vàng trong hơn 2 năm. Vietcap ước tính PVD - nếu đấu thầu thành công - có thể tiến hành khoan tại mỏ dầu này bắt đầu từ năm 2026 với giá trị hợp đồng khoan ước tính là 294 triệu USD (tương đương 1 năm doanh thu của PVD) theo kế hoạch phát triển mỏ.
Mở rộng đội tàu, lợi nhuận có thể cao gấp đôi kế hoạch.
Tại ĐHCĐ năm 2024, các cổ đông PVD đã thông qua kế hoạch phân bổ 90 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) trong vốn xây dựng cơ bản để mua lại giàn khoan tự nâng đã qua sử dụng. Vietcap đánh giá kế hoạch này phần nào cho thấy quan điểm chắc chắn của ban lãnh đạo PVD về triển vọng tươi sáng của thị trường giàn khoan tự nâng trong vòng 5 - 10 năm tới.
Về việc Saudi Aramco tạm dừng các hợp đồng giàn khoan tự nâng, báo cáo kỳ vọng việc trì hoãn chỉ là tạm thời, ít tác động đến giá thuê ngày JU tiêu chuẩn của PVD và Đông Nam Á. Ngược lại, việc tạm hoãn hợp đồng có thể tạo cơ hội cho việc mở rộng đội tàu của PVD trong những năm tới do nguồn cung giàn khoan có thể giảm bớt. Với cam kết tăng trưởng, PVD có kế hoạch đầu tư vào giàn khoan tự nâng khác với sự hợp tác từ BORR Drilling (nhà thầu khoan quy mô lớn, cung cấp các giàn khoan tự nâng cao cấp), bên cạnh giàn khoan đang trong quá trình mua lại.
Vietcap dự báo LNST năm 2024 của PVD có thể tăng trên mức 60%, xấp xỉ 890 tỷ đồng nhờ giá thuê ngày giàn khoan tự nâng trung bình tăng 25% lên mức 98.500 USD cùng với hiệu suất hoạt động đạt mức 96% và tăng trưởng doanh thu khoảng 30% ở các mảng dịch vụ liên quan. Con số dự phóng này gấp hơn 2 lần mức kế hoạch PVD đề ra trong năm nay (380 tỷ).