Sở hữu 'siêu sân bay' hơn 336.000 tỷ đồng, sẽ xây thêm 11 khu công nghiệp mới, tỉnh sát vách TP.HCM đang chuyển mình thành trung tâm kinh tế mới của Việt Nam

Hoàng Nguyễn |

Theo Nikkei Asia, sở hữu một cảng hàng không quốc tế mới và hàng loạt các khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai đang chuyển mình thành một trung tâm kinh tế.

Khu vực quanh TP.HCM từ lâu đã là trung tâm kinh tế của quốc gia. Hiện nay, khi Hà Nội và các thành phố xung quanh đã bắt kịp sự phát triển của khu vực TP.HCM, Chính phủ bắt đầu tái định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng vào miền Nam trong khoảng ba năm qua.

Trả lời phỏng vấn với Nikkei Asia, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho hay: “Đồng Nai là tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Nam của Việt Nam".

Theo đó, tỉnh có kế hoạch phát triển 11 khu công nghiệp mới đến năm 2030, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn lên mức 50 khu. Bên cạnh đó, dự án Sân bay quốc tế Long Thành hiện đang được xây dựng và dự kiến sẽ đi vào vận hành vào nửa đầu năm 2026.

Lãnh đạo Đồng Nai chia sẻ thêm, sân bay Long Thành kết hợp với Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm để "hỗ trợ nền kinh tế của khu vực phía Nam trong tương lai".

Cụ thể, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Công suất dự kiến của sân bay Long Thành đạt 125 triệu hành khách mỗi năm, gấp ba lần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại. Theo đó, sân bay Long Thành sẽ có 4 nhà ga, với các đường bay mới cũng như các đường bay đã hoạt động tại Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, ông Lĩnh cho biết, địa phương cũng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng khác xung quanh sân bay nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, bao gồm bốn dự án đường cao tốc đã hoặc đang hoạt động và một tuyến đường sắt sẽ mở vào khoảng năm 2030.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trung tâm kinh tế mới này dự kiến sẽ thu hút các dịch vụ như logistics và lưu trú. Ông Lĩnh cho biết thêm rằng tỉnh Đồng Nai đang cố gắng thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, chẳng hạn như đào tạo nghề cho ngành du lịch.

Với vị trí địa lý ngay sát Thành phố Hồ Chí Minh, từ lâu Đồng Nai đã trở thành địa điểm được các doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư. Ngay từ thập niên 1960, Đồng Nai đã thiết lập khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và từ đó thu hút các công ty như Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc, Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan (Trung Quốc) và Nestlé.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, trong những năm gần đây, tỉnh luôn chú trọng thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là những dự án công nghệ cao và các công việc đòi hỏi kỹ năng cao.

Ông Lĩnh nói rằng, tỉnh Đồng Nai có lợi thế về nguồn nhân lực, với khả năng tiếp cận giáo dục cả trong tỉnh và tại TP.HCM.

"Tỉnh luôn chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh", ông Lĩnh chia sẻ.

Theo số liệu thống kê địa phương, trong quý đầu năm nay, Đồng Nai xếp thứ sáu trong cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện tại, tỉnh có hơn 1.600 dự án FDI từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 36 tỉ USD.

Nikkei Asia nhận định, tỉnh đang được hưởng lợi từ động thái đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty trên toàn cầu. Tổng giám đốc của nhà đầu tư Khu công nghiệp Long Đức - Chi nhánh của tập đoàn thương mại Nhật Bản Sojitz, công ty có hai khu công nghiệp ở Đồng Nai và đang xây dựng khu Long Đức 3 mới - Ông Hiroyuki Ishii cho hay, kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra, nhiều doanh nghiệp ở đây đã thấy được những rủi tro khi phụ thuộc vào Trung Quốc. Do đó, một số công ty muốn giảm quy mô và xem xét lại việc mở rộng năng lực sản xuất ở Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam.

Ông Hiroyuki Taguchi, quản lý bộ phận phát triển hạ tầng công nghiệp của Sojitz, cho biết ngoài việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường nội địa mạnh mẽ cũng là lý do các công ty chuyển tới Đồng Nai.

Ông cho biết, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai chủ yếu là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhắm vào thị trường nội địa hoặc chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu đang có xu hương phát triển.

Ông nói thêm: “Trong khi các cụm công nghiệp ở phía Bắc Việt Nam có xu hướng tập trung nhiều công ty có các hoạt động kinh doanh tại thị trường Trung Quốc như ô tô và điện tử, thì ở các khu công nghiệp phía Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực hơn, bao gồm cả thực phẩm”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại