Sầu riêng là một trong số những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, với kim ngạch 2,2 tỷ USD. Đây là mức xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao kỷ lục của Việt Nam. Sầu riêng cũng trở thành mặt hàng trái cây xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, sau khi có Nghị định thư ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong quý 1/2024 ước đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng với hơn 26.000ha và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong giai đoạn này giảm. Nguyên nhân một phần vì tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Trong khi đó, Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024. Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng này chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu.
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan.
Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam lạc quan cho rằng, trong 10 - 20 năm tới, sầu riêng Việt Nam vẫn "sống khoẻ". Nguyên nhân là bởi Trung Quốc không phát triển được loại cây trồng này. "Thanh long, xoài và nhãn, thì Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh với sản phẩm nội địa Trung Quốc khi bán sang, nhưng sầu riêng và mít không bị cạnh tranh vì họ chưa trồng được", ông chia sẻ trên tờ Kinh tế Sài Gòn Online.
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên, thực tế ngành trồng sầu riêng của Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế. Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho biết, tỷ lệ vùng trồng được giám sát chỉ đạt 52%, cơ sở đóng gói được giám sát đạt 47,6%; có 187 mã số bị cảnh báo, gồm 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần.
Theo đánh giá của Viện Cây ăn quả Miền Nam, quy trình xử lý sau thu hoạch của các điểm đóng hàng sầu riêng xuất khẩu còn hạn chế, cần phải cải tiến.
Bên cạnh đó, việc liên kết trong chuỗi giá trị trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng cần phải tốt hơn, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.