Cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng công bằng. Có người sinh ra trong gia đình khá giả, có cha mẹ làm ăn kinh doanh, từ nhỏ đã được dạy và được nghe những kinh nghiệm quý giá. Do đó, họ có nền tảng tốt hơn để bắt đầu hành trình làm giàu.
Có người khác lại sinh ra trong hoàn cảnh bình thường, cha mẹ chỉ làm công ăn lương, từ nhỏ cũng được bảo ban dạy dỗ nhưng chủ yếu là dạy đạo làm người. Tuy vậy, chỉ cần có thiên phú, chịu khổ chịu nhọc, họ vẫn có thể từ tay trắng làm nên cả gia tài.
Thế nhưng, còn có rất nhiều người khác dù cố gắng cả nửa đời, dành cả thanh xuân để phấn đấu mà vẫn chưa thể đạt tới thành công.
Thực ra, xuất phát điểm không quá quan trọng, có rất nhiều triệu phú, tỷ phú tự thân thực chất có xuất thân bần hàn, cuộc sống ban đầu luôn vất vả, lo chuyện bữa no bữa đói. Nhưng điều quan trọng là, họ luôn nắm trong tay 4 quân "át chủ bài" dưới đây, từ đó có thể làm chủ cuộc đời, tiến tới thành công.
Học vấn
Mark Zuckerberg, Bill Gates, Larry Page và nhiều tỉ phú tự thân giàu có khác từng bỏ học và lập nên những công ty tỉ đô. Họ trở thành lý do khiến nhiều người sinh ra tư tưởng: Bằng cấp, trình độ học vấn là thứ "vô dụng". Hay như "đọc nhiều sách để làm gì, đâu thể tích lũy kinh nghiệm bằng đi làm", vì thế họ chẳng hề chú tâm vào việc học, chỉ muốn đi tắt đón đầu, sớm ngày giàu có.
Tuy nhiên, chính bản thân ông chủ Microsoft từng khuyên người trẻ rằng: "Đừng bỏ học giống tôi".
Học vấn và tri thức chính là quân át chủ bài tuyệt đối. Những ai có nó trong tay giống như có được "tấm vé thông hành", là con đường ngắn nhất bước tới thành công. Tỷ phú Bill Gates từng chia sẻ rằng: "Mặc dù tôi từng nghỉ học đại học và may mắn khi theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, nhưng việc có một tấm bằng đại học là con đường dễ dàng hơn để dẫn đến thành công".
Dù có bỏ học giữa chừng, ông chủ Microsoft cũng không bao giờ xao nhãng việc tiếp thu thêm tri thức mới. Ông luôn nổi tiếng với thói quen đọc sách đầy kỷ luật của mình. Rất nhiều tỷ phú, triệu phú khác cũng có chung nhận thức như vậy.
Thực tế, trên thị trường lao động hiện nay, vẫn có không ít vị trí tuyển dụng dựa trên trình độ học vấn. Mức lương và đãi ngộ cũng có sự thay đổi dựa trên nhân tố này. Đặc biệt, cô hội vào được các công ty lớn là không hề dễ dàng. Khi đó, bằng cấp và học vấn sẽ trở thành điểm cộng, giúp chúng ta đạt được cơ hội này.
Năng lực
Người xưa có câu: "Nói như rồng leo, làm như mèo mửa".
Không ít người thường lầm tưởng, kiến thức và năng lực là hai thứ giống nhau. Tuy nhiên, dù có nói hay đến mấy mà không có đủ khả năng biến nó thành hành động, thành kết quả thực tiễn, thì mọi lời nói ra đều trở nên vô ích.
Đó cũng là lý do mà ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng, "học đi đôi với hành". Ngay cả khi ta hiểu biết tường tận về một lĩnh vực nào đó, việc ta ứng dụng được kiến thức đó vào thực tế hay không mới quan trọng.
Đồng thời, có thực hành mới có tiến bộ. Đó chính là cách duy nhất để không ngừng thui rèn năng lực, ngày càng phát triển hơn. Lĩnh vực nào cũng luôn có sự biến đổi, nếu ta mãi giậm chân tại chỗ mà không chịu trau dồi thêm thì rất dễ bị đào thải. Chỉ bằng cách tích cực học hỏi những điều mới, chúng ta mới có thể tiến xa hơn.
Tư duy
Có hai người thợ được thuê về chặt cây đốn củi cho xưởng gỗ với mức thù lao khá tốt. Cả hai đều ấp ủ quyết tâm sẽ làm việc thật chăm chỉ.
Ngày đầu tiên, người thợ thứ nhất chặt được tới 18 cây, trong khi người thứ hai chỉ chặt được 13 cây. Ông chủ khen ngợi người thứ nhất hết lời.
Ngày thứ hai, người thợ thứ nhất vui vẻ làm việc để tiếp tục được khen, nhưng dù chăm chỉ không khác gì ngày hôm trước, anh ta chỉ chặt được 17 cây. Người thợ thứ hai vẫn chặt được 13 cây.
Ngày thứ ba, để bù cho hôm trước đó, người thợ thứ nhất lại càng làm việc cật lực hơn. Nhưng thật kỳ lạ, anh lại chặt được ít hơn nữa, chỉ 16 cây. Dần dần, số cây chặt được lại càng giảm đi.
Trong khi đó, từ ngày thứ tư, người thợ thứ hai bắt đầu chặt được nhiều hơn, dần dần vượt qua số lượng của người thứ nhất.
Đến khi người thứ nhất chạy sang hỏi thăm bí quyết, người thợ còn lại mới đáp lời: "Ngày nào anh cũng chỉ chặt cây, nhưng ngày nào tôi cũng dành thêm thời gian mài rìu."
Có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất giữa người giàu với người nghèo, người thành công với người thất bại, chính là tư duy. Nếu chỉ cắm đầu vào làm việc chăm chỉ, chưa chắc ta đã có thể trở nên khác biệt. Thậm chí, còn phải hao tốn sức lực gấp đôi còn kết quả lại chỉ còn một nửa.
Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, tư duy khác biệt chính là chìa khóa giúp ta thăng tiến. Xuất phát điểm có thể như nhau, nhưng người tìm ra quy luật và bản chất vấn đề trước thì mới có thể "làm ít hưởng nhiều".
Đạo đức
3 quân "át chủ bài" đã kể trên đều quan trọng, nhưng đạo đức mới là nhân tố đóng vai trò cốt lõi nhất trên hành trình tìm kiếm thành công. Nếu thiếu đi đạo đức, mọi người dù giàu có nhanh đến mấy rồi cũng sẽ mất nhiều hơn được, dễ lạc lối và sa ngã. Dù bản lĩnh tới mức nào thì họ cũng chẳng thể tiến xa được.
Cuộc đời giống như một ẩn số. Có người khởi đầu tốt, nhưng lại nhận kết cục thê thảm. Có người khởi đầu xấu, nhưng dựa vào sự khôn ngoan của bản thân mà lội ngược dòng thành công. Nhưng quan trọng nhất là, người nào giữ được ý chí và nhân cách của bản thân mới là người có thể vững vàng đi tới cuối con đường.
Là người bình thường, nếu tự thấy xuất phát điểm bản thân không tốt, hãy liên tục trau dồi tri thức, năng lực cá nhân cũng như tư duy và đạo đức để có thể thể tiến xa trên hành trình của mình.
*Theo Aboluowang