Nhân tố ‘trùm cuối’ và sự tréo ngoe phía sau 2 ‘anh trai’
Mặc dù là “anh trai trẻ”, tập trung vào nhóm khán giả trẻ, đơn vị đứng phía sau Anh Trai Say Hi lại là “trai già”. Công ty cổ phần Vie Channel (đơn vị tổ chức của Anh Trai Say Hi) thuộc Đất Việt VAC – một trong những công ty công nghệ truyền thông và giải trí lớn nhất Việt Nam. Hệ sinh thái của Đất Việt VAC có hàng chục thành viên, với nhiều công ty nổi tiếng như: Đông Tây Promotion (nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế), TK-L (công ty cung ứng bản quyền truyền hình), M&T Pictures (hãng sản xuất phim truyền hình), DID TV, Nomad MGMT VietNam (công ty quốc tế quản lý tài năng)…
Riêng Vie Channel cũng là công ty top đầu trong sản xuất game show giải trí tại Việt Nam, với những show đình đám nhất trong vài năm gần đây như Rap Việt, The Masked Singer Vietnam, Người ấy là ai, … Đây là những show đem về hàng triệu lượt xem mỗi tập phát sóng và là “gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp này.
Về kết quả kinh doanh Vie Channel cũng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm các công ty giải trí tại Việt Nam với với lợi nhuận sau thuế đều đặn mỗi năm trên 100 tỷ đến gần 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (đơn vị tổ chức Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai – anh trai già) lại là “trai trẻ” trong lĩnh vực sản xuất game show truyền hình. Thực tế, nhà sản xuất này mới nổi lên vào cuối năm 2023 với show Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng và hiện tại là show “trai già”. Còn trước đó, Yeah1 chỉ là đơn vị có thế mạnh về tạo nội dung ngắn trên mạng xã hội.
Trong khi Vie Channel có doanh thu và lợi nhuận tốt từ các game show lớn thì Yeah1 lỗ 9 tỷ cho Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng mùa 1. Về kinh doanh, năm 2018, Yeah1 tiến hành niêm yết 27,3 triệu cổ phiếu YEG trên HoSE. Trong năm đó, lũy kế doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của Yeah1 đều cao gấp đôi so với cùng kỳ, lần lượt đạt 1.676 tỷ đồng và 163,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2019 - 2022, nhà sản xuất này lỗ hàng trăm tỷ đồng vì sự cố Youtube dừng hợp tác và tác động của đại dịch. Giai đoạn này, doanh thu của Yeah1 chủ yếu đều từ 2 mảng chính là mảng truyền thông thông qua cung cấp dịch vụ quảng cáo trên truyền hình và mảng quảng cáo, tư vấn truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số và tổ chức sự kiện.
Đến giữa năm 2022, Yeah1 tái cấu trúc và thay đổi hoạt động, từ đó giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này phần nào sáng sủa hơn với những tín hiệu tích cực trong năm 2023. Thời điểm này, doanh thu của Yeah1 bắt đầu tăng trở lại sau khi rơi xuống đáy do có nguồn thu mới là cung cấp bản quyền nội dung số.
Đến nửa đầu 2024, doanh thu của đơn vị này tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận cũng tăng trưởng tốt hơn nhờ sức hút của các game show hiện tại. Từ đó, phản ánh hiệu quả kinh doanh cũng như hướng đi đúng đắn của Yeah1.
Nhưng nếu so sánh với Vie Channel, phần doanh thu tương đương sẽ nằm ở mảng quảng cáo truyền hình: từ năm 2020 đến 2023, mỗi năm doanh thu bình quân của Yeah1 là dưới 100 tỷ đồng, riêng 2022 và 2023 chỉ khoảng 70 tỷ đồng. Trung bình, doanh thu ở mảng “đối đầu trực tiếp” của Yeah1 chỉ bằng chưa tới 20% so với Vie Channel, còn lợi nhuận thì… không thể so sánh.
Nhìn vào tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm về game show, rõ ràng, ông lớn phía sau “trai trẻ” – Anh Trai Say Hi, không chỉ khỏe hơn về tiền bạc, mà còn có kinh nghiệm dày dạn hơn rất nhiều so với đơn vị đứng phía sau “trai già” – Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Có lẽ đây mới chính là nhân tố “trùm cuối” cho việc “trai trẻ” đè bẹp “trai già” trên các nền tảng số. Bởi lẽ, khả năng của nhà sản xuất game show chính là nhân tố cốt lõi trong sự thành công của game show.
Với việc có nhiều kinh nghiệm sản xuất gameshow, Vie Channel không lựa chọn việc mua bản quyền mà quyết định làm nội dung format anh trai của Việt Nam – một lựa chọn rất khó và cũng bị không ít chỉ trích về việc “đạo nhái”. Trong khi đó, Yeah1 – một tân binh của game show chọn việc mua bản quyền “Call Me By Fire” của MangoTV (Trung Quốc) để Việt hóa thành “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”.
Điểm thú vị khác với Yeah1 là nhà sản xuất này vốn bật lên cực mạnh nhờ “đứng trên vai người khổng lồ” với hợp đồng đối tác đa kênh cùng Youtube. Tuy nhiên, sau đó, chính Youtube cũng là nhân tố khiến Yeah1 “sập hầm”, mọi thứ lao dốc như tâm sự của cựu Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Hiện tại, khi chuyển hướng sang sản xuất chương trình truyền hình, Yeah1 vẫn phải phát nội dung trên Youtube và các nền tảng số khác. Tuy nhiên, trên kênh Youtube, Yeah1 không phải là đối thủ của Vie Channel vì chỉ có 379k sub (đối thủ là 10,8 triệu sub).
Duyên nợ của SpaceSpeakers
Một chi tiết nhỏ nữa nhưng cũng khá thú vị liên quan đến những đồn đoán về sự có mặt của tổ đội SpaceSpeakers trong 2 game show này. Justatee là Giám đốc Âm nhạc của Anh Trai Say Hi (Vie Channel), còn SlimV – Giám đốc Âm nhạc của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Cả 2 nhà sản xuất này đều là thành viên của SpaceSpeakers thời kỳ đầu nhưng Justatee không tham gia khi thành lập công ty.
Trước khi có “đại chiến anh trai”, SpaceSpeakers cũng có duyên nợ với Vie Channel ở chương trình Rap Việt. Trong mùa 1 và 2, tổ đội này đóng góp rất lớn vào sự thành công của chương trình Rap Việt với nhiều vai trò như giám khảo, giám đốc âm nhạc, nhà sản xuất, mix/mastering…
Tuy nhiên, đến Rap Việt mùa 3, toàn bộ nghệ sĩ của SpaceSpeakers rút khỏi chương trình. Riêng Justatee không chịu sự quản lý của SpaceSpeakers nên vẫn tiếp tục tham gia trong vai trò giám khảo lẫn cố vấn chuyên môn cho nhà sản xuất. Điều thú vị là dù tổ đội SpaceSpeakers – “đế chế” sản xuất hiphop số 1 Việt Nam rời đi, Rap Việt mùa 3 vẫn thành công lớn với những chỉ số phá mọi kỷ lục.
Theo đó, ngay từ khi bắt đầu cho tới đêm chung kết 2, 100% số tập của Rap Việt mùa 3 đều đạt hơn 500.000 người xem đồng thời. Đặc biệt, đêm Công bố và Trao giải Rap Việt mùa 3 đã thu hút hơn 500.000 người xem cùng lúc và đạt đỉnh điểm với con số hơn 1,3 triệu lượt xem cùng lúc trên YouTube Vie Channel và VieON. Chưa đầy 10 tiếng công chiếu, tập này cũng lên thẳng Top 1 YouTube Trending với số lượt xem cao ngất ngưởng.
Theo số liệu được tổng hợp từ VieON, YouTube, Facebook, TikTok, suốt 16 tập phát sóng, Rap Việt mùa 3 thu được hơn 10 tỷ lượt xem, tạo nên tiền lệ chưa từng có trên thành tích nhạc số khi chạm ngưỡng 1 triệu người nghe hằng tháng và có đồng thời 26 ca khúc vào top 200 Spotify Việt Nam.
Trên các nền tảng mạng xã hội, chương trình cũng đứng đầu về độ hot vớt hoạt thành tích như: Số 1 trong hạng mục TikTok music trend; số 1 trên Facebook Trend & Thảo luận; số 1 hạng mục Music Streaming của Warner Music Việt Nam. Những chỉ số này đều vượt trội so với 2 mùa Rap Việt trước đó, cho sức hút mạnh mẽ của Rap Việt mùa này.
Trong thành công của Rap Việt mùa 3, yếu tố “trùm cuối” – khả năng của nhà sản xuất game show Vie Channel, đã thể hiện sức mạnh hết sức rõ ràng. Họ có thể huy động được nhiều nhà sản xuất hiphop khác trên thị trường, tạo ra một chương trình hấp dẫn khán giả, với nhiều ngôi sao mới, và thành công về mặt thương mại mà không cần đến SpaceSpeakers.
Cũng vì thế, khi Justatee đóng vai trò mới ở Anh Trai Say Hi và nhiều thành viên của tổ đội SpaceSpeakers có mặt trong Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (SlimV là Giám đốc Âm nhạc), người ta đã đồn đoán về sự đối đầu duyên nợ.
Cho đến thời điểm hiện tại, yếu tố âm nhạc do SpaceSpeakers tạo ra ở show “trai già” dù nhận được cơn mưa lời khen về chuyên môn, vẫn chưa đủ giúp Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai có được chỉ số cạnh tranh về người xem với “trai trẻ” trên các nền tảng số.
Nhận định về việc sử dụng Justatee cho “trai trẻ” và SlimV cùng nhiều thành viên SpaceSpeakers trong “trai già”, một nhà sản xuất âm nhạc có tiếng cho rằng, mỗi bên sẽ lựa chọn căn cứ vào chuyên môn cũng như chỉ số thương mại của người được mời, chứ không quá liên quan đến yếu tố “ân oán” để tạo drama đối đầu. “Đó là chiến lược của nhà sản xuất thôi, người ngoài sẽ khó đánh giá chính xác. Còn với khán giả, họ chỉ biết là xem show này có hay không thôi!”, ông này nhận định.
Sự ‘đối nghịch’ trong tài trợ ở đại chiến anh trai
Trong danh sách các nhà tài trợ, Anh Trai Say Hi có nhãn trà mật ong Boncha của Uniben và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai là trà Búp Non Tea 365 của Masan. Cả 2 loại trà này đều hướng tới nhóm khách hàng trẻ tuổi và trở thành “đối thủ” của nhau trên 2 game show âm nhạc đình đám nhất hiện nay. Cả 2 hiện đều là “gà đẻ trứng vàng” mới của Uniben và Masan.
Với trà mật ong Boncha, Uniben đã đạt được một kỷ lục về tăng trưởng khi chiếm tới 10% thị phần trong phân khúc khi mới ra mắt khoảng 1 năm – thành tích mà các nhãn hàng tương tự phải mất nhiều năm. Trong khi đó, trà Búp Non Tea 365 mới ra mắt tháng 11/2023 nhưng đã có phát triển nhảy vọt. Doanh số quý 1/2024 đạt 106 tỷ đồng và tỷ lệ nhà bán lẻ nhập lại hàng gần 60%.
Ở đây, nếu xét về thời gian xuất hiện trên thị trường, Boncha “già” hơn Búp Non Tea 365 nhưng lại tài trợ cho “trai trẻ” và ngược lại với nhãn trà của Masan.
Bên cạnh sự đối đầu của 2 nhãn trà đình đám, câu chuyện của 2 nhà tài trợ lớn khác cũng có điểm tương tự về đối nghịch trẻ - già. Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB) là một thương hiệu ngân hàng lâu năm, nổi tiếng, vốn quen mặt với game show giải trí đình đám trước đó là The Masked Singer Vietnam, chọn tài trợ cho “trai trẻ”.
Trong khi đó, một thương hiệu mới trên thị trường, ít người biết trong lĩnh vực viễn thông – nhà mạng Saymee (sản phẩm tương tự Viettel, VinaPhone, MobiFone), vốn hướng đến tập khách hàng Gen Z, lại trở thành đối tác chiến lược của “trai già” – Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai.
Nhận xét về việc lựa chọn tài trợ có phần hơi nghịch lý này, một chuyên gia về truyền thông tại Hà Nội cho biết: “VIB là một nhãn hàng thân thiết với các game show của Vie Channel nên việc họ chọn đồng hành với Anh Trai Say Hi cũng có lý do quan trọng từ đây. Và việc có được thành công lớn với The Masked Singer Vietnam là một căn cứ để họ tiếp tục chọn game show bom tấn mới của Vie Channel”.
Với việc lựa chọn kết hợp với “trai già” (Anh Trai Vượt Ngàn Trông Gai” của nhà mạng dành cho Gen Z – Saymee, chuyên gia này cho rằng: “Nhà tài trợ sẽ quan tâm đến hiệu ứng truyền thông và những quyền lợi mà chương trình đem lại cho họ. Nếu nhà tài trợ tin là game show này thành công và quyền lợi đủ tốt thì họ chọn. Tất nhiên sẽ có thể có những nhân tố khác nữa nhưng về cơ bản vẫn là dự đoán về lợi ích mà nhãn hàng có thể nhận được”.