Số ca nhiễm "dẫn đầu" cả nước 3 ngày liên tiếp, Hà Nội vượt mốc 30.000 ca trong đợt dịch thứ 4

Minh Nhân |

Ba ngày liên tiếp, Hà Nội "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm Covid-19. Trong đợt dịch thứ 4 đến nay, thành phố vượt mốc 30.000 ca, dịch diễn biến căng thẳng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 21/12 ghi nhận "kỷ lục" 1.704 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, thành phố vượt 1.000 ca mắc. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp, Hà Nội "dẫn đầu" cả nước về số ca nhiễm, theo thông báo của Bộ Y tế.

Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4), thành phố có tổng 30.398 ca, trong đó 11.156 ca cộng đồng và 19.242 người đã được cách ly.

Dịch lan ra toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, quận Đống Đa vượt 3.000 ca mắc với tổng số 3.375 F0.

Các quận, huyện vượt 1.000 ca mắc gồm: Hoàng Mai (2.881), Hai Bà Trưng (2.346), Nam Từ Liêm (1.918), Ba Đình (1.826), Thanh Xuân (1.736), Thanh Trì (1.508), Gia Lâm (1.498), Long Biên (1.487), Hà Đông (1.370), Đông Anh (1.228), Bắc Từ Liêm (1.175).

Các quận, huyện từ 500 đến dưới 1.000 ca gồm: Hoàn Kiếm (853), Chương Mỹ (788), Cầu Giấy (787), Mê Linh (757), Thường Tín (722), Tây Hồ (653), Quốc Oai (623), Hoài Đức (588).

Các quận, huyện, thị xã dưới 500 ca gồm: Sóc Sơn (391), Thanh Oai (336), Đan Phượng (290), Thạch Thất (258), Mỹ Đức (227), Phú Xuyên (200), Ứng Hòa (188), Ba Vì (182), Sơn Tây (134), Phúc Thọ (83).

Số ca nhiễm dẫn đầu cả nước 3 ngày liên tiếp, Hà Nội vượt mốc 30.000 ca trong đợt dịch thứ 4 - Ảnh 1.

Tình hình dịch Covid-19 tại cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 (Nguồn: CDC Hà Nội)

Về đánh giá cấp độ dịch, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận và xã, phường nâng lên cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) đã tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Cụ thể, 2 quận trung tâm (Đống Đa và Hai Bà Trưng); 25 xã, phường ở 9 quận/huyện của Hà Nội được đánh giá nguy cơ cao.

Các địa phương "nguy cơ cao" đã siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch , dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu, vận động người dân hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết.

Về công tác điều trị, kể từ năm 2020 đến nay, đã có 26.951 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 16.127 người đã khỏi bệnh. Hiện tại, có 14.596 F0 đang được điều trị, trong đó 9.895 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 5.061 người đang cách ly điều trị tại nhà.

Về công tác tiêm chủng, đối với người trên 18 tuổi, Hà Nội đã hoàn thành 12.745.762 mũi tiêm. Trong đó các đơn vị y tế của Hà Nội tiêm được 11.345.439 mũi, các bệnh viện của Trung ương và ngành trên địa bàn tiêm được 1.400.323 mũi.

Đối với trẻ từ 15 - 17 tuổi, tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay là 440.173 mũi/301.153 trẻ, đạt 98,2%.

Đối với trẻ từ 12 - 14 tuổi, tổng số mũi tiêm từ ngày 27/11 đến nay là 376.628 mũi/374.163 trẻ.

Số ca nhiễm dẫn đầu cả nước 3 ngày liên tiếp, Hà Nội vượt mốc 30.000 ca trong đợt dịch thứ 4 - Ảnh 2.

Các chốt trực phòng, chống dịch tại quận Hai Bà Trưng (Ảnh: Đinh Huy)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND TP. Hà Nội ngày 18/12 ban hành chỉ thị hỏa tốc số 25 , yêu cầu các địa phương khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp lễ hội cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới... Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch Covid-19.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất trước 31/12; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.

Thành phố cũng yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, bổ sung, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, công tác điều trị F0 tại nhà. Chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Clip: Cận cảnh chốt phong toả dày đặc tại quận "nguy cơ cao" ở Hà Nội vừa dừng bán hàng ăn tại chỗ  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại