Số 1 ĐNÁ về công nghiệp quốc phòng: Tăng ngân sách, chế vũ khí mới - Trong tầm tay!

Hà Đăng |

Mua giấy phép chế tạo, chủ động bắt tay với các nhà thầu quốc phòng lớn của nước ngoài để hợp tác sản xuất các vũ khí trang bị quân sự quan trọng là định hướng lớn của Indonesia.

Tăng ngân sách quốc phòng

Indonesia hiện đang là quốc gia có nhu cầu lớn nhất về mua sắm trang bị quốc phòng ở khu vực Đông Nam Á.

Khi nhiều nước láng giềng hoặc là đã đến điểm bão hòa về mua sắm quốc phòng hoặc đang đứng trước những khó khăn về ngân sách, thì Jakarta đang tìm cách hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình bằng việc đưa vào trang bị những vũ khí mới, tăng cường các hệ thống chỉ huy và điều khiển.

Chính phủ Indonesia cam kết tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng từ 0,8% GDP lên 1,5% GDP để thực hiện các chương trình hiện đại hóa vũ khí và trang bị của quân đội với con số cụ thể 1,7 tỷ USD năm 2005, lên gần 7,8 tỷ USD vào năm 2015.

Theo số liệu về ngân sách quốc phòng do Tạp chí IHS Jane’s Defence Budgets cung cấp, ngân sách quân sự cơ bản của Indonesia đã tăng gần 30% lên đến 11,5 tỉ USD năm 2016, tăng trung bình hàng năm 9,4%.

Ngân sách mua sắm vũ khí, trang bị quân sự tăng trung bình hàng năm 10,14% trong khoảng thời gian 2014-2016, lên tới tổng cộng trên 8 tỉ USD.

Số 1 ĐNÁ về công nghiệp quốc phòng: Tăng ngân sách, chế vũ khí mới - Trong tầm tay! - Ảnh 1.

Máy bay vận tải C-235 hợp tác sản xuất tại Inđônêxia với tiềm năng sử dụng trong vai trò tuần thám biển trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh tự sản xuất vũ khí hiện đại

Mua vũ khí, trang bị quân sự đi kèm điều khoản sản xuất và lắp ráp trong nước theo giấy phép là phương thức mà Indonesia đang xây dựng nền công nghiệp quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Đất nước vạn đảo được biết đến là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng phát triển hàng đầu khu vực.

Chính phủ nước này đã công bố Chương trình "Đem lại sự sống mới cho công nghiệp quốc phòng" năm 2009 với quyết tâm làm cho công nghiệp gắn kết hơn với quân đội để đáp ứng tốt hợn các yêu cầu.

Họ đặt ra quyết tâm rất cao trong việc tìm kiếm các nguồn lực địa phương, cấp vốn đầu tư cho công nghiệp và một kế hoạch chặt chẽ nhằm khuyến khích các hãng nước ngoài chuyển giao công nghệ và bí quyết công nghệ.

Indonesia đưa ra chính sách chế tạo rập khuôn (offset) lần đầu tiên vào năm 2011 nhằm phù hợp với những thay đổi trong các thủ tục mua sắm quốc phòng.

Theo chính sách mới, Bộ quốc phòng sẽ đưa ra điều kiện bắt buộc đối với các công ty nước ngoài, đảm bảo rằng 40% sản phẩm sẽ được chế tạo trong nước bằng chuyển giao công nghệ. Mục đích của chính sách mới là bảo đảm phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa và giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.

Hiện tại, Indonesia đã có thể tự sản xuất rất nhiều trang thiết bị quân sự quan trọng như máy bay vận tải, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu đổ bộ hạng trung, xe thiết giáp, pháo phản lực phóng loạt, súng trường tiến công.

Các công ty công nghiệp quốc phòng chủ yếu của Indonesia bao gồm PT Dirgantara (chuyên về hàng không vũ trụ, PT Pindad (sản xuất vũ khí trang bị cho các lực lượng trên bộ), PT Pal (sản xuất vũ khí trang bị cho hải quân), và PT Dahana (chuyên về thuốc nổ).

Sản phẩm lớn đầu tiên Indonesia làm theo phương thức này là súng trường tiến công Pindad SS1 -một biến thể của khẩu FN FNC kết hợp với một vài cải tiến để phù hợp với điều kiện sử dụng tại khu vực khí hậu nhiệt đới.

Trên cơ sở SS1, họ đã phát triển thành mẫu Pindad SS2. Đến mẫu súng mới này người ta đã xem nó là sản phẩm trí tuệ của Indonesia chứ không còn đơn thuần là một sản phẩm sản xuất theo giấy phép từ nước ngoài.

Số 1 ĐNÁ về công nghiệp quốc phòng: Tăng ngân sách, chế vũ khí mới - Trong tầm tay! - Ảnh 2.

Súng trường tiến công Pindad SS1. Ảnh: Military-Today.

Bên cạnh việc mua giấy phép chế tạo, Jakarta cũng chủ động bắt tay với các nhà thầu quốc phòng lớn của nước ngoài để hợp tác sản xuất các trang bị quân sự quan trọng. Sản phẩm tiêu biểu cho kiểu hợp tác này là máy bay vận tải quân sự CN-235 hợp tác giữa CASA của Tây Ban Nha và PT. Dirgantara của Indonesia.

Đây là một loại máy bay khá thành công cả trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Hiện tại có ít nhất 3 chiếc đang phục vụ trong Không quân Indonesia.

Thông qua quá trình hợp tác sản xuất máy bay CN-235, Indonesia đã có cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng không quân sự tiên tiến của châu Âu vì bản thân CASA là một công ty con của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu (EADS).

Điều đó tạo ra nền tảng vững chắc cho việc nắm bắt các công nghệ quan trọng để tiến đến những nghiên cứu độc lập xa hơn trong tương lai. Indonesia cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á sản xuất được máy bay để trang bị cho quân đội và xuất khẩu.

Trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, nước này đã tạo dựng được tên tuổi đáng kể trong khu vực. Họ đã tự đóng được các loại tàu tuần tra, tàu tên lửa cao tốc. Dự án đình đám nhất đang tiến hành là tàu tên lửa cao tốc KRC-40.

Số 1 ĐNÁ về công nghiệp quốc phòng: Tăng ngân sách, chế vũ khí mới - Trong tầm tay! - Ảnh 3.

Tàu tên lửa cao tốc KRC-40.

Tàu tên lửa do Công ty Đóng tàu PT Palindo Marine của Indonesia chế tạo, sẽ được trang bị tên lửa hạm đối hạm C-705 có tầm bắn 150km do Trung Quốc chế tạo. Tuy nhiên, với việc được chuyển giao công nghệ, từ năm 2017, Công ty chế tạo máy bay PT Dirgantara của Indonesia sẽ sản xuất được loại tên lửa này.

Đặc biệt, Indonesia đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ đa năng có sàn đáp cho trực thăng lớp Makassar do Daesun Shipbuilding & Engineering, Hàn Quốc thiết kế. Hai chiếc đầu tiên đóng tại Hàn Quốc, từ chiếc thứ 3 trở đi được tự đóng ở trong nước.

Hai bên cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu loại tàu này cho các khách hàng nước ngoài. Với dự án hợp tác này, Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có khả năng đóng tàu đổ bộ đa năng với lượng giãn nước trên 10.000 tấn.

Trong chương trình mua tàu ngầm diesel - điện của Indonesia có sự tham gia đấu thầu của Nga với tàu ngầm Kilo.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại giành chiến thắng cho dù công nghệ đóng tàu ngầm của Seoul không bằng Nga vì điều quan trọng là họ cho phép Indonesia có được cơ hội tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm mà phía Nga không đồng ý chuyển giao.

Về lĩnh vực phát triển các phương tiện chiến đấu mặt đất, công nghiệp quốc phòng Indonesia đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Dự án sản xuất xe thiết giáp Pindad APS-3 Anoa cấu hình 6x6 là một thành công lớn của nước này mà không phải quốc gia nào ở Đông Nam Á cũng có thể làm được.

Indonesia cũng đang hy vọng đạt được thỏa thuận với AM General của Mỹ để sản xuất xe bọc thép đa năng Humvee tại PT Pindad nhằm cung cấp cho quân đội nước này. Các sản phẩm quốc phòng sản xuất theo giấy phép sẽ không chỉ cung cấp cho Quân đội của mình mà còn được xuất khẩu cho nước ngoài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại