Smartphone là tử thần của lính Nga, bùa hộ mệnh của lính Mỹ

Nguyễn Ngọc |

Điện thoại đã gây ra cái chết của 89 quân nhân Nga trên chiến trường Ukraine nhưng lại trở thành vật bất ly thân trên chiến trường của binh sĩ Mỹ.

Ngày 4/1, giới chức lãnh đạo quân đội Nga công bố thông tin 89 quân nhân nước này thiệt mạng trong vụ tấn công của các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 1/1 vào khu vực triển khai tạm thời của quân đội Nga tại thị trấn Makeevka (Makiivka), là do họ đã sử dụng điện thoại di động trái quy định .

Nguyên nhân khiến lực lượng Ukraine có thể đánh trúng các tòa nhà của trường dạy nghề được đặt làm điểm trú quân tạm thời là do binh sĩ Nga đã sử dụng điện thoại di động để liên lạc với gia đình trong thời điểm năm mới, khiến Ukraine có thể định vị và xác định chính xác vị trí của họ.

Ngoài ra, trong bài viết trước với tiêu đề: “Bin Laden, Gaddafi đều chết vì điện thoại di động!” , chúng ta biết thêm rằng, các cơ quan tình báo nước ngoài như Nga, Mỹ…, đều đã nhiều lần lợi dụng các cuộc gọi điện thoại để lần tìm ra các đối tượng khủng bố cần truy nã và tiêu diệt.

Điều đó cho thấy rằng, dù là một chiếc điện thoại dạng cục gạch hay điện thoại thông minh đều có thể từ một phương tiện liên lạc, kết nối những binh sĩ trên chiến trường với người thân của họ, biến thành một “Kẻ giết người thầm lặng” không ai ngờ tới.

Ứng dụng to lớn của điện thoại di động trên chiến trường

Mặc dù điện thoại di động là con dao hai lưỡi nhưng nếu có các quy định chặt chẽ và sử dụng các mạng truyền dẫn dữ liệu có mức độ bảo đảm an ninh cao thì chiếc smartphone sẽ có những công dụng tuyệt vời, thậm chí là vật bất ly thân, trở thành “người bảo vệ” cho binh sĩ trên chiến trường.

Điều này chúng ta có thể nhận thấy rõ trong việc sử dụng điện thoại di động thông minh của binh sĩ Mỹ trên chiến trường, với những ứng dụng liên kết và các hệ thống truyền dẫn dữ liệu quân sự có độ an toàn cao, trong hệ thống tác chiến cấp chiến thuật của quân đội Mỹ.

Thông qua các hệ thống thông tin vô tuyến 4G, 5G; lực lượng tác chiến Mỹ có thể sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone), nhanh chóng kết nối với mạng thông tin quân sự, để chỉ huy, điều hành tác chiến; điều phối hỏa lực; truyền dẫn thông tin tình báo...

Smartphone là tử thần của lính Nga, bùa hộ mệnh của lính Mỹ - Ảnh 1.

Lực lượng trinh sát, thám báo có thể sử dụng điện thoại thông minh để quay phim, chụp ảnh và tự động tải về thông tin định vị GPS của các mục tiêu trọng yếu và địa hình, địa vật xung quanh nó, rồi nhanh chóng chuyển các thông tin trên về trung tâm chỉ huy hoặc chỉ huy đơn vị tác chiến.

Nơi nhận sử dụng các thông tin trên để dẫn đường và điều khiển tên lửa hành trình, dẫn đường cho đạn pháo, chỉ thị máy bay không người lái (UAV) bay đến tấn công khu vực đó, rút ngắn rất nhiều khoảng thời gian từ khi phát hiện đến khi tiêu diệt mục tiêu, nâng cao đáng kể hiệu quả tác chiến.

Thực tiễn trên chiến trường Afghanistan những năm đầu thế kỷ 21 đã chứng minh một chiếc điện thoại di động có thể làm giảm đáng kể nguy cơ rơi vào vòng vây của quân địch của lực lượng tuần tra tiền tuyến Mỹ.

Vào ngày 25/10/2007, một nhóm quân nhân Mỹ tại Afghanistan bị lực lượng Taliban phục kích, thương vong rất nặng nề, mà kết quả điều tra đã chỉ rõ là nguyên nhân xảy ra sự việc là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, binh lính đã không được cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời.

Trong khi đó, các thông tin tình báo đảm bảo an ninh cho lực lượng tuần tra mặc dù có những vẫn nằm chết dí trong kho dữ liệu ở tuyến sau, không có cách nào chuyển tải kịp thời đến cho binh lính.

Báo cáo chỉ rõ, khắc phục vấn đề này không khó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

Điện thoại di động còn có một ưu thế rất lớn là vô cùng gọn nhẹ, không làm tăng khối lượng mang vác đã tương đối cồng kềnh của binh lính.

Với những ưu thế như trên, điện thoại di động có thể trở thành yếu tố quyết định thắng-thua trên chiến trường, là “người bảo vệ” sinh mạng của binh sĩ. Do đó, Quân đội Mỹ đã xây dựng những kế hoạch rất tham vọng liên quan đến chiếc điện thoại di động.

Smartphone là tử thần của lính Nga, bùa hộ mệnh của lính Mỹ - Ảnh 2.

Lầu Năm Góc hiện đại hóa quân đội bằng… điện thoại

Trong một bài viết trước đây, tờ “Military Times” của Mỹ đưa tin, ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, cả 3 quân chủng Hải, Lục và Không quân Mỹ đều đã xây dựng kế hoạch phát triển những chức năng hoặc ứng dụng quân sự chuyên dụng trên điện thoại thông minh cho lực lượng của mình.

Tháng 2/2011, Lục quân Mỹ đã triển khai Dự án “Hiện đại hóa Bộ đội cấp Lữ đoàn”, trong đó có 1 hạng mục hết sức quan trọng là binh lính ở tiền tuyến sẽ được trang bị điện thoại thông minh và biến nó trở thành “trang bị tiêu chuẩn cá nhân” của binh sĩ của Mỹ.

Trên chiến trường, điện thoại thông minh có phạm vi phủ sóng rất rộng, có khả năng kết nối hoàn hảo với tất cả các thiết bị đầu cuối khác, mang lại hiệu quả tác chiến hết sức to lớn.

Bài báo đưa tin, vào năm 2012, lục quân Mỹ đã tổ chức một đợt thử nghiệm đặc biệt trong vòng 6 tuần tại căn cứ huấn luyện White Sands - bang New Mexico và căn cứ huấn luyện Fort Bliss - bang Texas.

Họ lần lượt tiến hành thử nghiệm tính năng của hơn 300 bộ điện thoại di động thông minh iPhone trong điều kiện mô phỏng thực tế chiến trường.

Trong diễn tập thử nghiệm, nhân viên tác chiến sử dụng điện thoại thông minh để tiếp nhận thông tin tình báo thu thập được từ các hệ thống trinh sát chiến trường khác nhau, giúp họ hình dung ra bức tranh toàn cảnh và đa chiều về chiến trường.

Còn công ty Raytheon của Mỹ đã phát triển “Hệ thống Chiến thuật Thông minh Raytheon”, người dùng chỉ cần nhập một yêu cầu điều tra vào điện thoại thông minh là lập tức nhận được toàn bộ số liệu tình báo trên không và mặt đất, cùng với ảnh vệ tinh trong phạm vi 2km của mục tiêu điều tra.

Smartphone là tử thần của lính Nga, bùa hộ mệnh của lính Mỹ - Ảnh 3.

Ngoài ra, một chiếc điện thoại di động thông minh có thể là một thiết bị đầu cuối của “Hệ thống Quan sát Đồng đội”, nó có khả năng tạo lập một danh sách đồng đội từ 10-20 người, luôn hiển thị mọi động thái trên chiến trường của mỗi cá nhân trong danh sách, cực kỳ thuận lợi cho hiệp đồng tác chiến.

Các quan chức Lục quân Mỹ và công ty Boeing cũng từng bàn bạc vấn đề ứng dụng điện thoại di động trong kết nối các nhóm tấn công tiền tuyến với lực lượng chi viện hỏa lực khẩn cấp.

Ví dụ như trong điều kiện tác chiến ác liệt, một chỉ huy phân đội đặc nhiệm kêu gọi chi viện hỏa lực, sẽ mở chương trình ứng dụng “Định vị Mục tiêu” trên điện thoại thông minh, truyền dẫn số liệu đến “Kế hoạch Tăng cường Pháo kích Chính xác”, để gọi hỏa lực chi viện tiêu diệt đội du kích hoặc các tay súng bắn tỉa đối phương.

Theo một sĩ quan Sư đoàn Đổ bộ Đường không 82 của Mỹ, thời gian để xử lý một nghi can khủng bố bị bắt giữ là từ 3-4h, chưa kể khoảng thời gian tối thiểu để vận động đến các địa điểm khác nhau. Khoảng thời gian đó là quá dài cho việc xác định chính xác đối tượng cần bắt giữ.

Để giải quyết yêu cầu cấp bách về thời gian, công ty Boeing đã đầu tư phát triển dự án “Ngân hàng Chương trình Ứng dụng cho Điện thoại Di động iPhone”. Với chương trình này, vấn đề trở nên vô cùng đơn giản.

Người dùng chỉ cần mở chương trình ứng dụng, khởi động camera của iPhone, chụp ảnh kẻ tình nghi rồi nhập số liệu về thời gian, địa điểm bắt giữ vào điện thoại, sau đó liên kết với 1 mạng di động bảo mật quân sự.

Tất cả các thông tin này sẽ nhanh chóng được chuyển đến trung tâm tác chiến chiến thuật hoặc đến tận tay nhân viên tình báo và yêu cầu xác thực nhận dạng có thể được hoàn thành trong vòng vài phút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại