Mới đây, rất nhiều sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) đã lên facebook kêu trời vì học phí tăng cao "ngất ngưởng" ở mức từ 12 - 17 triệu đồng/năm, nhiều sinh viên cũng bày tỏ lo lắng khi học phí tăng liên tiếp theo từng năm học.
Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ, bắt đầu từ năm học 2014-2015, Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện chính sách tự chủ tài chính.
Điều này khiến học phí tại ngôi trường danh tiếng liên tục tăng dần đều với tỉ lệ khoảng 30%/năm.
Theo đó, năm 2014-2015, sinh viên phải đóng 9,5 triệu đồng tiền học phí. Năm học 2015-2016, con số này tăng lên 11,5 triệu đồng và trong năm học tới, nó sẽ "nhảy" lên mức 13,5 triệu đồng.
Mức thu học phí năm 2016-2017 đối với nhóm ngành hot như Kế toán tổng hợp, Kiểm toán, Tài chính doanh nghiệp là 17 triệu đồng (530.000 đồng/tín chỉ).
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trước vấn đề này, một số sinh viên K57 cũng phản ánh học số tín chỉ nhiều hơn 30-35 tín chỉ/năm như nhà trường thông tin.
Trung bình mỗi sinh viên đăng ký 40 tín chỉ với số tiền hơn 21 triệu đồng đối với các mức học phí cao nhất và gần 19 triệu đối với mức học phí của ngành thấp, thậm chí phải đóng 26 triệu tiền học phí một năm cho gần 50 tín chỉ.
Có bạn cũng phản ánh học kế toán là 530.000 đồng/tín chỉ, 1 kì đăng ký 20-25 tín chỉ, vậy chi số tiền phải đóng là 10,6 triệu -13,2 triệu. Như vậy 1 năm sẽ phải đóng từ 21 triệu đến 26 triệu tiền học phí.
Liên quan đến vấn đề trên, sáng 22/7 trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trường áp dụng việc đào tạo theo tín chỉ từ nhiều năm nay. Đặc thù của đào tạo theo tín chỉ nghĩa là sinh viên tự chọn môn học và thời khóa biểu.
Mức đóng học phí năm 2016-2017 của sinh viên. Nếu đăng ký tín chỉ nhiều hơn sinh viên sẽ phải đóng tiền học phí cao hơn.
"Theo quy định, mỗi kỳ học sinh viên có thể đăng ký từ 12-25 tín chỉ theo quy định của nhà trường. Việc lựa chọn bao nhiêu tín chỉ là quyền của sinh viên.
Sinh viên cũng tự chọn thời khóa biểu của mình. Nếu đăng ký học theo quy trình chuẩn là 4 năm, còn nếu các em học nhanh ra trường thì mất 3 năm.
Như vậy mỗi năm các em đăng ký học 35 tín chỉ thì tương đương 4 năm các em sẽ ra trường, nếu các em đăng ký số tín chỉ nhiều hơn thì sẽ rút ngắn thời gian học tập xuống còn 3 năm.
Như vậy là 5 kỳ học tập và 1 kỳ thực tập, mỗi kỳ các em đăng ký hơn 20 tín chỉ vẫn được", ông Thủy nói.
Ông Thủy cũng cho biết, nhà trường luôn luôn cởi mở thông tin chính xác nhất, tạo điều kiện học tập tót nhất cho sinh viên.
Có ý kiến sinh viên nói phải học số lượng tín chỉ quá nhiều thì phòng đào tạo nhà trường chưa thấy ai phản ánh.
"Có em nói nhà trường cho đăng ký thêm môn học để sớm ra trường.
Nhà trường luôn muốn tạo điều kiện hết sức cho sinh viên là thêm các thầy cô giáo, thêm phòng học nếu tiêu chuẩn các em đăng ký học nhiều.
Nếu có sinh viên xin bớt môn vì đăng ký nhiều, chúng tôi đồng ý ngay vì bớt đi như vậy sinh viên khác lại có chỗ học, mà phần lớn mọi người đều mong muốn như thế", ông Thủy cho biết thêm.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, lộ trình học phí của trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã và đang tuân thủ theo đúng các văn bản được Chính phủ phê duyệt.
Thời gian đào tạo chuẩn là 4 năm, chương trình đào tạo mỗi kỳ tính theo mức trần là 30-35 tín chỉ/năm. Còn thời gian đào tạo sớm thì 3 năm, muộn thì 6 năm đối sinh viên.
"Nếu sinh viên học chuẩn thì không bao giờ vượt quá mức nhà trường thông báo theo quy định.
Mỗi năm bình quân đăng ký 31, 32 tín chỉ, nhân ra sẽ ra mức học phí theo đúng chuẩn mực quy định đào tạo của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Nếu các em đăng ký 40-50 tín chỉ thì thừa hẳn hơn chục tín chỉ so chương trình chuẩn thì đó là quyền của các em.
Như vậy thì các em sẽ rút ngắn thời gian đào tạo thì đương nhiên mức học phí theo tín chỉ đóng nhiều hơn là bình thường", ông Chương nói.
Ông Chương cũng khẳng định, nhà trường không bao giờ bắt ép sinh viên phải đăng ký thật nhiều để học thật nhanh mà đó là quyền của sinh viên.
"Mỗi sinh viên khi vào trường sẽ phải học 120 tín chỉ theo quy định. Đối với ngành hot thì số tiền là 530.000 đồng/tín chỉ, tính ra các em phải đóng 63,6 triệu đồng cho toàn bộ số tín chỉ phải theo học.
Nên sinh viên phản ánh học phí năm nay phải đóng hơn 20 triệu thì bởi các em đã đăng ký nhiều tín chỉ chứ nhà trường không ép các em học.
Nhà trường đào tạo theo quy định của Bộ từ 3 đến 6 năm. Nếu học lâu năm thì số tiền đóng mỗi năm sẽ ít hơn", ông Chương chia sẻ.