Bắt ếch kiếm tiền đóng học phí
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là công nhân với đồng lương ba cọc ba đồng, Lê Thị Lan Hương (tên thường gọi là Hương Bike, sinh năm 1986, quê Phú Thọ) sớm ý thức được hoàn cảnh của mình.
Không ai bày vẽ hay nhắc nhở, Hương Bike tự học cách nấu cơm, giặt quần áo, quét nhà,…
Hương Bike - Nữ doanh nhân thành đạt có niềm đam mê đặc biệt với máy móc, cơ khí.
Ban ngày đến lớp, ban đêm ra đồng bắt ếch kiếm tiền đóng niềm vui với Hương Bike khi ấy là bắt được những con ếch to tướng, nặng kí mang ra chợ bán được nhiều tiền.
Cô gái trẻ vẫn còn nhớ như in giá tiền bán ếch thời điểm đó là 3.000 - 4.000 đồng/con. Toàn bộ tiền bán ếch, Hương Bike gom góp và đưa mẹ giữ, mỗi đầu học kì sẽ mang đến lớp đóng cho giáo viên.
Những hôm đi học hay đi bắt ếch về, bụng đói meo mà bố mẹ đều bận làm đồng, Hương Bike phải ăn cơm độn, cơm chan nước mắm cho qua bữa để sáng hôm sau có sức đi học.
Những ngày mưa rét bố mẹ không kiếm được tiền, Hương Bike phải ăn vội chén cơm với tép mỡ rồi lặn lội đến trường, tối về lại ra đồng bắt ếch. Những bữa cơm đầy đủ thịt cá, canh rau với Hương Bike khi đó gần như chỉ đến trong giấc mơ.
"Trong đầu mình lúc đó chỉ suy nghĩ làm sao có tiền đóng học phí, đỡ đần bố mẹ và nuôi chính giấc mơ được đến trường của của bản thân.
Chỉ có tri thức, chỉ có việc đậu vào đại học mới có thể đưa mình ra khỏi làng quê nghèo, tìm đến một tương lai tươi sáng hơn" - Hương Bike chia sẻ.
Tuổi thơ của Hương là những đêm ra đồng bắt ếch kiếm tiền đóng học phí.
Hoàn cảnh khốn khó không thể quật ngã cô bé nghị lực và thông minh, trong nhiều năm liền, Hương Bike đều đạt học sinh khá giỏi và đặc biệt thể hiện được tư duy logic ở các môn Toán, Lý, Hóa.
Tốt nghiệp cấp 2, Hương Bike trở thành một trong những học sinh hiếm hoi ở làng đỗ vào trường chuyên.
Theo nguyện vọng của cha mẹ, Hương Bike làm đơn xét tuyển vào Khoa Quốc tế của trường ĐH XH&NV Hà Nội nhưng không đậu vì vẽ sai biểu đồ.
Chưa bỏ cuộc, Hương Bike quyết tâm ôn thi lại lần 2 nhưng lần này kết quả còn thê thảm hơn. Cố gắng hết sức nhưng không mang lại kết quả, cô quay trở về với đam mê và thế mạnh của mình là các môn Tự nhiên.
Thử sức ở Học Viện công nghệ Quốc Gia, Hương Bike đậu vào trường với số điểm khá cao. Để tiết kiệm chi phí, cô bạn phải ở nhờ nhà người quen trong thời gian đầu nhập học.
Phương tiện hằng ngày đến lớp của Hương Bike là chiếc xe đạp cà tàng mượn được từ nhà chủ. Không khiến bố mẹ ở quê thất vọng, cô gái trẻ xuất sắc trở thành sinh viên duy nhất dành suất chi trả toàn bộ học phí tại trường trong 2 năm.
Từ nhân viên quèn thành giám đốc công ty trăm tỷ
Tốt nghiệp đại học, Hương Bike trở thành nhân viên bán hàng của 1 cửa hàng điện thoại di động nhỏ.
Trong 2 năm đầu làm việc, mỗi ngày Hương Bike phải nghe hơn 30 cuộc điện thoại; thường xuyên làm việc đến 4h sáng; đi thị trường, đóng hàng; tìm nhà xe gửi hàng cho đại lý, đi ra bến xe nhận hàng bảo hành, và một mình làm truyền thông cho hãng di động này.
Mức lương Hương Bike nhận được khi ấy chỉ chừng 3-4 triệu/tháng.
Trong chuyến công tác Hà Giang, lần đầu tiên được hít thở bầu không khí trong lành, Hương Bike đã nuôi ước mơ điên rồ là mang bầu không khí ấy về nơi thành phố đang dần ô nhiễm kia.
Cô nghĩ đến giải pháp về việc di chuyển cho người dân, đặc biệt là thế hệ con cháu để bầu không khí không bị ô nhiễm nặng nề như hiện tại.
Nói là làm, Hương Bike bắt tay vào tìm hiểu về thị trường xe điện và chỉ sau 6 tháng (tức 12/2012), một cửa hàng xe điện nho nhỏ do Hương Bike làm chủ khai trương cơ sở đầu tiên tại Khâm Thiên.
Càng làm càng hăng, Hương Bike nhận ra niềm đam mê không biết mệt mỏi của mình dành cho máy móc, cơ khí - một lĩnh vực trước giờ chỉ ghi nhận tên tuổi của những người đàn ông thành công, chững chạc.
"Những tháng ngày làm nhân viên quèn giúp tôi hiểu được giá trị của những người lao động chân tay, hiểu được công sức và những giọt mồ hôi họ đổ xuống để có được sản phẩm tuyệt vời như ngày hôm nay. Tôi trân trọng họ" - Hương Bike chia sẻ.
Sau 2 tháng phân tích kỹ lưỡng đã làm lại bộ nhận diện thương hiệu, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2013, cô bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu riêng và trở thành giám đốc điều phối hoạt động.
Cái tên Hương Bike cũng bắt đầu được lan truyền từ đây.
Được đặt đúng vị trí, cộng với niềm đam mê cống hiến đang bùng cháy, chỉ sau 1 năm xây dựng, chuỗi thương hiệu của Hương Bike đã có 70 showroom trên toàn quốc.
Sau 2 năm, con số này đã lên đến 130 showroom với con số doanh thu ổn định hàng trăm tỷ mỗi năm.
"Giấc mơ lớn sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện, nhưng giấc mơ này và niềm tin với nó luôn cháy bỏng.
Chính niềm tin đó đưa tôi vượt qua những thử thách mỗi ngày, cố gắng tư duy tìm hiểu, cải tiến và hoàn thiện những chức năng đang có để đạt đến sản phẩm không tốn nhiên liệu nhưng vẫn bảo vệ được môi trường trong sạch.
Biết rằng sẽ phải hi sinh nhiều thứ, nhưng vì tương lai, tôi chấp nhận…" - Hương Bike tâm sự.
Chị Hoàng An, một người bạn chơi thân với Hương Bike từ năm lớp 10 chia sẻ: "Biết được niềm đam mê của Hương với cơ khí, máy móc từ những năm cấp 3, tôi và bạn bè đã rất nể phục Hương.
Cùng với bản lĩnh, sự kiên trì và sự quyết đoán trong công việc thì những thành công hiện tại Hương có được không gây bất ngờ với bạn bè. Bên ngoài, Hương là người ít nói nhưng khá hài hước".
Bao khó khăn và thăng trầm trong cuộc sống không làm mất đi vẻ dịu dàng, xinh đẹp của Hương Bike.
Ngược lại, những thử thách đã qua càng khiến Hương Bike mạnh mẽ và kiên cường.
Ảnh: NVCC