Sinh viên bị bạn cùng trường đánh nhập viện: Sao những sinh viên khác chỉ đứng nhìn?

Nghiêm Huê |

Một sinh viên đã bị bạn học cùng trường lao vào đánh tới tấp và thậm chí bị đổ máu nhưng nhiều sinh viên khác chỉ đứng xem hoặc vội vã rời đi.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh trong khuôn viên Trường ĐH FPT campus Hoà Lạc một sinh viên hành hung một sinh viên khác khiến nạn nhân phải nhập viện, gây bức xúc trong dư luận.

Sinh viên bị bạn cùng trường đánh nhập viện: Sao những sinh viên khác chỉ đứng nhìn? - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip

Thông tin từ Trường ĐH FPT cho biết hai sinh viên đó là T.Q và L.T.C.

Được biết, sự việc diễn ra vào khoảng hơn 12 giờ ngày 18/5 vừa qua, tại Trường Đại học FPT Campus Hòa Lạc. Hình ảnh từ đoạn clip ghi lại cho thấy sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều sinh viên khác.

Theo thông tin được một cá nhân đăng tải chia sẻ sau khi tan học, ở khu vực cầu thang, nam sinh L.T.C (sinh viên năm nhất) bị một nhóm chặn lại, trong đó nam sinh T.Q (là sinh viên cùng trường) lao vào đánh đấm và dùng vật sắc nhọn đánh liên tục vào gáy L.T.C.

Trường ĐH FPT cho biết Nhà trường rất lấy làm tiếc về sự việc này. Sau khi nắm bắt được sự việc, nhà trường đã làm việc với phụ huynh sinh viên L.T.C, đồng thời đang phối hợp làm việc với Công an Huyện Thạch Thất xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ GD&ĐT.

Hiện tại, sinh viên L.T.C đã được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc sức khỏe. Nhà trường đồng thời đã vào viện thăm hỏi sức khoẻ của sinh viên L.T.C và đang xem xét các phương án hỗ trợ tài chính với em, mong em sớm bình phục để công việc học tập không bị gián đoạn.

Người trẻ ngày càng tiếp cận nhiều với các chất liệu bạo lực từ cuộc sống hàng ngày, từ môi trường mạng xã hội. Những chất liệu này bủa vây người trẻ, sẽ làm họ mất tính phản ứng đối với các hành vi bạo lực.', PGS.TS Trần Thành Nam

Phía Công an Huyện Thạch Thất hiện đã làm việc với sinh viên T.Q để phục vụ điều tra. Nhà trường ra quyết định đình chỉ học tập tạm thời với sinh viên T.Q để phục vụ công tác điều tra và chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Nhà trường đồng thời mong muốn các sinh viên trong trường nâng cao tính tự chủ bản thân khi xử lý các mâu thuẫn cá nhân, tránh các hành vi quá khích có thể gây tổn thương cho bản thân và cộng đồng. Nhà trường sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi này theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên điều đáng quan ngại hơn khi xem clip đó là rất nhiều sinh viên của trường chứng kiến vụ việc nhưng không có động thái nào can ngăn, thậm chí chỉ đứng xem hoặc vội vã rời đi.

Lo ngại hiệu ứng cảm xúc robot

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, có một số giả thuyết có thể dẫn tới việc các sinh viên xung quanh không lên tiếng bảo vệ nạn nhân.

Đó là người trẻ ngày càng tiếp cận nhiều với các chất liệu bạo lực từ cuộc sống hàng ngày, từ môi trường mạng xã hội. Những chất liệu này bủa vây người trẻ, sẽ làm họ mất tính phản ứng đối với các hành vi bạo lực. Việc bày tỏ thái độ, sự khó chấp nhận, khó chịu trước những vụ việc tương tự sẽ ngày càng yếu đi.

Một giả thuyết khác được ông Nam đưa ra là bản thân người trẻ đang bị quá tải, quá mệt mỏi, quá nhiều áp lực. Stress kéo dài khiến nhiều người mất cân bằng, khả năng phản ứng gần như bị tê liệt. Ông Nam lo ngại rằng điều này trở thành xu thế, sẽ khiến một loạt người trẻ phản ứng giống như robot về mặt cảm xúc.

PGS Nam nhấn mạnh đến vấn đề thiếu kỹ năng ở người trẻ hiện nay. Trong vụ việc nam sinh bị hành hung nói trên, có thể một số bạn muốn giúp đỡ nhưng lại không có năng lực, kỹ năng để giúp đỡ.

Về giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường, theo ông Nam hiện nay, dù đã ban hành các văn bản đề cập đến giải pháp phòng, chống bạo lực học đường như hệ thống cảnh báo, phòng tâm lý học đường,… tuy nhiên những mô hình này vẫn nghiêng về tính hình thức, việc thực hiện chưa hiệu quả.

Mỗi khi có một vụ việc xảy ra, đa số các nhà trường chỉ “đi sau”, xử lý hậu quả khi vụ việc đã rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này thể hiện rằng, độ phản ứng của các hệ thống còn chậm, các mô hình vẫn nằm trên lý thuyết nhiều hơn, chưa được đưa vào thực tế.

Nhưng quan trọng nhất ông Nam cho rằng cần dạy kỹ năng cho học sinh, sinh viên phải đến nơi đến chốn. Theo ông, hiện nay các cơ sở giáo dục có dạy nhưng theo kiểu chuồn chuồn đạp nước hoặc dạy cho xong nhiệm vụ.

Ông cũng cho rằng, cần có giải pháp hạn chế các hình ảnh, chủ đề, hành động bạo lực diễn ra trong thế giới của trẻ, khiến trẻ mất đi sự phản xạ đúng - sai. Đồng thời, cần giáo dục cho trẻ về tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại