Sinh vật hàng tỉ tuổi phóng yếu tố chết nhanh vào không khí nhiều nơi trên thế giới

Anh Thư |

Sinh vật cổ quái nhất Trái Đất, trỗi dậy vì biến đổi khí hậu, không chỉ biến nhiều vùng đại dương thành vùng chết mà còn gây độc cho không khí.

Đó chính là vi khuẩn lam. Các bằng chứng cổ sinh vật học cho thấy đây có thể là một trong những sinh vật đầu tiên của Trái Đất. Sự trỗi dậy khắp thế giới của chúng 2,6 tỉ năm trước từng kích thích bùng nổ sinh học. Tuy nhiên nhiều loài trong số chúng đặc biệt độc hại với các sinh vật hiện đại.

Vi khuẩn lam, còn gọi là tảo lam, lam khuẩn, chính là thủ phạm của hiện tượng tảo nở hoa, xảy ra ngày một nhiều hơn khi biến đổi khí hậu và sản xuất nông nghiệp khiến các quá trình môi trường thông thường trở nên mất kiểm soát. Tảo nở hoa thường làm giảm nồng độ oxy trong nước và tạo ra các chất độc, đặc biệt là anatoxin-a (ATX), có biệt danh là "yếu tố chết rất nhanh", giết chết các sinh vật sống trong vùng nước đó.

Sinh vật hàng tỉ tuổi phóng yếu tố chết nhanh vào không khí nhiều nơi trên thế giới - Ảnh 1.

Tảo nở hoa ở Great Lajkes, Minesota, Mỹ - Ảnh: NASA

Theo Science Alert, nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ James Sutherland từ Hội đồng Đất đai Nantucket (Massachusetts, Mỹ) đã tìm ra bằng chứng cho thấy ATX không chỉ tấn công các vùng nước có tảo nở hoa mà còn có thể xâm nhập vào không khí trong những điều kiện môi trường nhất định.

Họ đã thu thập các mẫu từ khu vực Capaum Pond, cả trong nước và không khí xung quanh bờ ao và nhận ra trong những ngày sương mù, nồng độ ATX bị giải phóng vào không khí khá cao.

"Tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các chất độc này có thể gây ra rủi ro sức khỏe. Chúng tôi đã báo cáo về khả năng phơi nhiễm sức khỏe con người chưa được kiểm tra trước đó" - các tác giả viết trong bài công bố trên Lake and Reservoir Management.

Họ cho rằng gió đã khiến những giọt nhỏ chứa đầy phân tử ATX, hoặc thậm chí là tế bào vi khuẩn lam, bay vào không khí ; trong khi sương mù đã giúp ATX ở trong không khí lâu hơn.

Tuy nhiên vẫn có nhiều điều cần giải quyết: chất độc này sẽ ra sao khi đi vào không khí, mức độ ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc với ATX trong không khí… Trong khi chờ đợi những kết quả nghiên cứu tiếp theo, nhóm tác giả khuyên mọi người tốt nhất tránh xa các vùng nước có tảo nở hoa, đặc biệt là vào những ngày có nhiều gió hoặc sương mù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại