Việc ban thưởng vàng bạc cho phi tần hay triều thần xuất hiện từ rất sớm, ở triều đại nhà Tống, nhà Nguyên của Trung Quốc, hoàng thượng thường ban những thỏi vàng hay thỏi bạc cho người lập công để họ trực tiếp tiêu xài.
Đến thời nhà Thanh, do sự phổ biến của việc ăn hạt dưa trong cung nên hoàng đế nhà Thanh đã nghĩ ra quy định ban thưởng "hạt dưa vàng" - đây là những mảnh vàng vụn nấu chảy, được tạo hình tinh xảo giống như hạt dưa.
"Hạt dưa vàng" được ban cho các đại thần lập công và những vị thiếp được hoàng thượng sủng ái. Ảnh: Sohu
"Hạt dưa vàng" là vật phẩm độc quyền, chỉ có hoàng thượng mới có quyền ban lệnh sản xuất. Bản thân vật phẩm này không nặng về khối lượng, chỉ 20 - 30 gram, nhưng ở thời kỳ vàng và bạc không được lưu thông trực tiếp trên thị trường, một hạt dưa nhỏ có thể đổi hơn mười lượng bạc - khoản tiền một nông dân bình thường làm cả năm cũng không kiếm được.
Tuy nhiên, giá trị lớn nhất của "hạt dưa vàng" không nằm ở tiền bạc mà là niềm vinh dự to lớn khi được hoàng đế ghi nhận công lao.
Dưới thời nhà Thanh, những đại thần lập công được ban thưởng "hạt dưa vàng" đều vô cùng tự hào, họ trưng bày chúng ở những vị trí trang trọng trong nhà, thường xuyên so sánh số hạt với nhau.
Trương Đình Ngọc, trọng thần của nhà Thanh, đồng thời là chủ biên bộ chính sử "Minh sử", từng là người nhận được nhiều "hạt dưa vàng" nhất. Ông được ban thưởng từ 3 vị hoàng đế Khang Hy, Ung Chính và Càn Long, số lượng vật phẩm chứa được vài bát, nên được các đại thần khác hết mực tôn kính.
Hệ thống ban thưởng đặc biệt được thiết lập bởi các hoàng đế nhà Thanh đến nay vẫn có tính ứng dụng. Ảnh: Sohu
Còn ở trong hậu cung, các phi tần được hoàng thượng đặc biệt sủng ái cũng được ban "hạt dưa vàng".
Tuy không thể quy đổi ra tiền để chi tiêu nhưng nhận được vật phẩm này cũng đồng nghĩa với việc họ được hoàng thượng thích, đây mới là điều quan trọng nhất. Vậy mới nói, nữ nhân nào trong cung nhận được "hạt dưa vàng" đều hạnh phúc ngất ngây.
Không chi ra quá nhiều tiền bạc trong ngân khố, các hoàng đế nhà Thanh vẫn khéo léo tạo ra những phần thưởng mang tính khích lệ, công nhận công lao của các đại thần, thể hiện sự sủng ái với các phi tần. Hệ thống ban thưởng đặc biệt trong thời phong kiến có lẽ đến nay vẫn mang nhiều giá trị ứng dụng với các tổ chức, doanh nghiệp hiện đại.
Bài viết tham khảo từ Sohu