Phi châu là miền đất của rất nhiều loài động vật kỳ lạ, khác biệt. Chúng khác biệt từ hình dạng, đặc điểm sinh học đến chiến thuật sinh tồn. Một trong số đó là dế bọc thép châu Phi (danh pháp khoa học: Acanthoplus discoidalis).
Đúng như cái tên của chúng, loài dế lớn này có thân dài 5 cm với những chiếc gai nhỏ sắc nhọn ở ngực và chân cùng một cặp hàm cắn khỏe. Chúng có khả năng phun máu nếu bị tấn công. Con đực cũng có thể tạo ra tiếng động lớn chói tai bằng cách cọ xát các bộ phận cơ thể với nhau trong một hành vi gọi là stridulation (tiếng rít).
Acanthoplus discoidalis có nhiều tên gọi, như dế bụi bọc thép, dế đất bọc thép, katydid bọc thép, dế ngô, setotojane và koringkrieke.
Đây là loài côn trùng có nguồn gốc từ bụi rậm châu Phi, phân bố rộng rãi trên khắp Namibia, Botswana, Zimbabwe và Nam Phi.
Dế bọc thép châu Phi có thể có nhiều màu sắc khác nhau, tuy nhiên, loài mà chúng ta thường thấy thường có màu nâu đến xanh ô liu. Trên ngực và chân, có những chiếc gai nhọn nhỏ tạo nên tên gọi của nó là Dế bọc thép.
Những con dế này được phân loại là loài gây hại ở châu Phi - chúng ăn kê và lúa miến (sorghum). Riêng tại Namibia (quốc gia ở phía nam châu Phi) coi dế bọc thép là loài động vật hoang dã đáng sợ vì chúng có thể gây ra dịch hại cho cây trồng trên đồng ruộng khi quần thể đạt đỉnh vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
Nông dân ở Siavonga (Zambia) năm 2022 mất từ 70-100% mùa màng do bị dế bọc thép tàn phá. Các loại cây trồng bị ảnh hưởng bao gồm lúa miến,` kê, bí ngô, đậu mắt đen và dưa chuột.
5 tuyến phòng thủ đỉnh cao của dế bọc thép châu Phi
Vì dế bọc thép là món ăn ngon cho nhiều loài động vật ăn thịt khác nhau, nên loài này buộc phải tiến hóa để sở hữu một loạt các biện pháp phòng thủ đáng chú ý.
Những chiến lược này có thể được triển khai một cách có chọn lọc, tùy theo giới tính, để chống lại các mối đe dọa khác nhau.
Tuyến phòng thủ đầu tiên của dế bọc thép là "bộ giáp" ngoài cứng cáp như bọc thép, giúp bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi. Ngoài lớp giáp, phần ngực của dế còn được bao phủ bởi những chiếc gai sắc nhọn.
Tuyến phòng thủ thứ hai đến từ cặp hàm khỏe và một cú cắn đủ mạnh để hút máu người. Cả con đực và con cái đều sẽ cố gắng cắn nếu bị tấn công.
Tuyến phòng thủ thứ ba đến từ đặc điểm chỉ có ở loài dế bọc thép đực. Con đực có thể tạo ra tiếng ồn lớn, chói tai bằng cách cọ xát các bộ phận cơ thể với nhau (gọi là stridulation). Khi bị tấn công từ bên cạnh, con đực sẽ stridulation để dọa những kẻ săn mồi hoặc cảnh báo.
Tuyến phòng thủ thứ tư đến từ việc phun máu. Nếu lớp giáp "bọc thép", gai nhọn, hàm cứng và tiếng ồn chói tai của chúng không ngăn cản được động vật ăn thịt, dế bụi bọc thép sẽ phun máu (máu côn trùng, là huyết tương) từ các đường nối trong bộ xương ngoài của chúng. Máu có màu vàng chanh nhạt, có mùi hăng và khó chịu. Dế có thể phun máu ở khoảng cách lên đến 6 cm.
Tuyến phòng thủ thứ năm. Nếu mọi cách khác đều không hiệu quả, không ngăn được kẻ săn mồi chúng sẽ nôn. Dế bụi bọc thép sẽ nôn ra thức ăn trong dạ dày, phủ kín cơ thể bằng chất nôn. Những chất nôn này có mùi khó chịu, có thể đuổi những kẻ ăn thịt đi xa.
Điểm chí mạng của dế bọc thép châu Phi
Tuy sở hữu 5 tuyến phòng thủ theo từng lớp - triển khai theo từng tình huống nguy hiểm khác nhau - nhưng 1 trong số 5 tuyến phòng thủ này có thể giết chết chính chúng. Đó là tuyến phòng thủ thứ tư - Phun máu. Đây là điểm chí mạng đối với con dế khi chúng vừa tránh được "vỏ dưa" thì gặp ngay "vỏ dừa".
Dế bọc thép châu Phi là những kẻ ăn thịt đồng loại. Khi một con dế phun máu để xua đuổi kẻ ăn thịt khác, cơ thể đầy máu của chúng sau đó thu hút sự chú ý rất lớn từ các con dế đồng loại. Những con dế đồng loại khi đó nghĩ con dế vừa phun máu bị thương và sẽ cố gắng ăn thịt chúng.
Loài dế bọc thép châu Phi ăn thịt đồng loại khi chúng thiếu protein và muối trong chế độ ăn của chúng, trong khi những con dế khác là nguồn cung cấp tốt các chất dinh dưỡng này.
Tham khảo: BBC Earth News, WIRED, CABI