Sinh vật biển khổng lồ xuất hiện ở Đại Tây Dương 80 triệu năm trước

Kim Dung |

Một nghiên cứu mới cho biết, khoảng 80 triệu năm trước, những sinh vật biển khổng lồ thuộc phân lớp Cúc đá đã xuất hiện ở Đại Tây Dương.

Những sinh vật này thuộc phân lớp Cúc đá và nằm trong nhóm động vật có vỏ đã tuyệt chủng khoảng 66 triệu năm trước. Hóa thạch Cúc đá lớn nhất từng được phát hiện thuộc về loài Parapuzosia seppenradensis. Hóa thạch được tìm thấy ở Đức vào năm 1895, với một chiếc vỏ khổng lồ dài 5,7 feet (1,7m).

Mặc dù được phát hiện hơn một thế kỷ trước, nhưng, từ đó tới nay, có rất ít hóa thạch Cúc đá với kích thước tương tự được phát hiện. Điều này đã đặt ra câu hỏi lớn về việc làm thế nào và khi nào P. seppenradensis tiến hóa để có kích thước ấn tượng như vậy.

Trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 10/11 trên tạp chí PLOS One, các nhà khoa học đã kiểm tra 154 hóa thạch Cúc đá. Trong đó, bao gồm một số mẫu vật lịch sử và hơn 100 hóa thạch mới phát hiện được thu thập từ Anh cũng như Mexico.

Dựa trên phân tích này, họ phát hiện ra rằng, P. seppenradensis xuất hiện ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương khoảng 80 triệu năm trước. Chúng có khả năng tiến hóa từ một loài nhỏ hơn gọi là Parapuzosia leptophylla. Kích cỡ của loài này chỉ khoảng 3,2 foot (1m).

Nhóm nghiên cứu đã đi đến một địa điểm cách Piedras Negras ở miền Bắc Mexico khoảng 25 dặm (40 km). Họ phát hiện 66 mẫu vật Parapuzosia, bao gồm P. seppenradensis khổng lồ và P. leptophylla nhỏ hơn. Các hóa thạch có chiều rộng từ 0,3 - 4,8 feet (0,1 - 1,48m). Chúng thể hiện các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ phát triển của Cúc đá.

Khi phân loại những mẫu vật Parapuzosia khác nhau, nhóm nghiên cứu cũng xác định niên đại của các lớp trầm tích từ nơi mẫu vật xuất hiện. Họ phát hiện, các mẫu P. leptophylla có niên đại từ tầng Santonian (86,3 triệu - 83,6 triệu năm trước).

Trong khi đó, P. seppenradensis xuất hiện trong các lớp trầm tích trẻ hơn, có niên đại muộn hơn, cách đây 83,6 triệu - 72,1 triệu năm. Vào thời kỳ đầu của tầng Champagne, những hóa thạch được phát hiện có kích thước ngày càng lớn hơn.

Các hóa thạch có chu vi tương đương cũng được tìm thấy trên Đại Tây Dương. Khi phân tích các mẫu, nhóm nghiên cứu nhận thấy, những sinh vật khổng lồ này dường như xuất hiện cùng thời điểm ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

“Hẳn là đã có một mối liên hệ nào đó giữa các quần thể của cả hai bên. Bởi, chúng thể hiện một quá trình tiến hóa cùng một thời điểm”, tác giả Christina Ifrim - nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Bộ sưu tập Lịch sử Tự nhiên Bavaria (Đức), cho biết.

Các nhà khoa học phỏng đoán, những sinh vật Cúc đá này có thể đã phải đối mặt với áp lực tiến hóa để tránh bị Thương long ăn thịt. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy, Thương long đã săn đuổi P. seppenradensis.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại