ICFood Sơn La có quy mô 4ha với tổng vốn đầu tư 16 triệu USD, là công ty liên doanh do phía ICFood (Hàn Quốc) nắm giữ 60% vốn.
Giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến sản lượng đạt 1.700 tấn/năm, trở thành nhà máy gia công chế biến nông sản sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như: Bắp cải, hành lá, cà rốt, dưa chuột, cải thảo,… để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng để xuất khẩu.
Nhà máy ICFOOD Sơn La.
Hiện tại công ty đang chuyển giao một số quy trình trồng rau trái vụ cho các hộ dân. Dự án trồng rau trái vụ được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây bởi điều kiện thời tiết lại huyện Vân Hồ rất ủng hộ cho việc trồng rau trái vụ.
Trong đó, rau bắp cải trái vụ được xem là “hàng hot” của nông sản huyện Vân Hồ nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Chính vì vậy, mặc dù ICFood Sơn La ký hợp đồng mua sản phẩm với giá 2.600 đồng/kg, nhưng các siêu thị tại Hà Nội sẵn sàng “hớt tay trên” khi trả giá tới 5.000 đồng/kg.
Các sản phẩm bắp cải, hành lá và cà rốt sấy khô được ICFood Sơn La cung cấp cho các nhà máy sản xuất mì ăn liền dùng làm gói gia vị trong mỗi gói mì.
Ông Nguyễn Văn Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Stevia Tây Bắc, đối tác liên doanh tại ICFood Sơn La – cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến nhà máy không đủ nguyên liệu sản xuất là do bà con phá vỡ hợp đồng, đem bán cho các siêu thị với giá cao hơn. Mình là người đại diện thu mua nguyên liệu đấy nhưng có nguyên liệu đâu mà thu mua”.
Theo ông Dân, lời giải duy nhất cho bài toán nguyên liệu đầu vào là cần phải mở rộng vùng sản xuất, nâng cao quy trình kỹ thuật, đầu tư vào công nghệ cao, cơ giới hóa máy móc. Có như vậy mới giảm giá thành sản phẩm, năng suất sẽ tăng cao và sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhà máy về số lượng.
Sản phẩm của ICFood Sơn La
“Chúng tôi đã tính toán rất kỹ, chi phí sản xuất cho một kg bắp cải nếu áp dụng công nghệ do chúng tôi chuyển giao là khoảng 1.400 đồng/kg. Chúng tôi thu mua với giá 2.600 đồng/kg là đã đảm bảo bà con có được lợi nhuận gấp 2-5 lần so với trồng lúa và ngô.
Việc của bà con là cần phải tăng năng suất, ví dụ bà con đang trồng được năng suất 20 tấn/ha thì vẫn có thể nâng cao năng suất lên 40 tấn/ha. Khi đó tự khắc giá thành sản phẩm sẽ hạ và lợi nhuận của bà con sẽ tăng lên”, ông Nguyễn Văn Dân phân tích.
Ông Nguyễn Văn Dân bên ruộng rau trái vụ do bà con nông dân trồng theo hợp đồng với ICFood Sơn La.
Đại diện của ICFood cho rằng, nhà máy ký hợp đồng và cam kết bao tiêu đầu ra cho bà con, nhưng việc bà con không tuân thủ cam kết cũng là vấn đề muôn thuở khi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông, và nhà khoa học. Hơn nữa, cần phải có thời gian để thay đổi được tập quán và suy nghĩ của bà con.
“Có rất nhiều doanh nghiệp từng tham gia đầu tư cho bà con, lúc giá lên thì đồng hành cùng bà con nhưng khi giá xuống lại bỏ rơi bà con. Thành ra giữa bà con và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết. Khi đã có sự tin tưởng, bà con sẽ chú tâm trồng cho nhà máy và khi đó nhà máy sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định,” ông Nguyễn Văn Dân bày tỏ.
Hiện tại, mô hình của ICFood Sơn La đang triển khai cho 4 HTX và 2 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Vân Hồ. Công ty có hai định hướng rõ ràng là phát triển thị trường về rau trái vụ cho bà con nông dân để tăng thu nhập, đồng thời cung cấp số lượng lớn nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến của công ty xây dựng trên địa bàn huyện Vân Hồ.
Khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án là việc thay đổi thói quen canh tác từ bao đời nay của bà con. Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức canh tác theo hướng ứng dụng tiến bộ của KHCN vào sản xuất là điều cần thiết.
Canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống mang lại nhiều rủi ro cho người trồng rau, nhất là khi từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn huyện Vân Hồ đã diễn ra 3 trận mưa đá. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ bà con giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai là vô cùng quan trọng.