Thời hoàng kim của M1 Abram
Sau khi nghiên cứu 2 video xe tăng T-90 và M1 Abrams bị hỏa lực chống tăng tấn công, chuyên viên của tờ báo Đức Stern đã nhận định rằng, mặc dù có khả năng tấn công tương tự như nhau, nhưng khả năng bảo vệ của loại xe tăng Nga tốt hơn rất nhiều so với tăng Mỹ.
Trong video cuộc chiến ở ngoại ô thành phố Mosul của Iraq mà IS mới tung lên Internet cho thấy, một quả tên lửa chống tăng đã bắn trúng chiếc M1 Abrams của Mỹ, biến chiếc xe tăng hạng nặng cồng kềnh thành một “quả cầu lửa”.
Những chiếc M1 Abrams trang bị chính thức từ năm 1980, nhưng cuộc chiến tranh đầu tiên nó được tham gia là vào năm 1991, trong khuôn khổ chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq (Chiến tranh Vùng vịnh lần 1). Đối thủ chính của M1 là xe tăng T-72 của Liên Xô.
Trong cuộc chiến này, sau đòn đánh hủy diệt đầu tiên bằng hỏa lực trên không, nhờ tăng Abram và xe chiến đấu bộ binh Bradley mà quân đội Mĩ chiến thắng ngoạn mục.
Ngày 24/2/1991, Liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu mở cuộc tiến công trên bộ vào quân đội Iraq vào Kuwait. Chỉ trong 100 tiếng đồng hồ, lực lượng trên bộ của Liên quân đứng đầu là Mĩ đã quét sạch quân Iraq ra khỏi đất Kuwait.
Vào buổi sáng ngày 27 tháng 2, lực lượng Iraq đã bị quét sạch. Trong khi không quân mất 43 ngày không kích với cường độ cao và tiêu diệt 50% lực lượng xe tăng Iraq, các đơn vị thiết giáp Mỹ mất trên 4 ngày để tiêu diệt thêm 25%.
Quân đoàn VII của Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt tổng cộng 1.350 xe tăng Iraq, 1.224 xe thiết giáp. Thiệt hại của Mỹ là 36 xe thiết giáp vì hoả lực đối phương (khoảng 30 chiếc khác bị thiệt hại do bắn nhầm).
Do Iraq sai lầm về chiến thuật khi dàn xe tăng đấu với lực lượng tăng-thiết giáp Mỹ, không coi trọng lực lượng vũ khí chống tăng cá nhân nên nhờ có ưu thế về không quân và sự cơ động của các lữ đoàn tăng-thiết giáp, lục quân Mỹ dễ dàng làm cỏ các tuyến phòng ngự xe tăng của Iraq.
Một phần khác, phiên bản T-72 mà quân đội Iraq dùng chỉ có vỏ giáp bằng 1/2 phiên bản gốc của Liên Xô, địa hình sa mạc trống trải của cũng khiến cho T-72 thất thế trước M1A1 của Mỹ, các thiết bị quan sát của nó có hiệu quả kém hơn, đồng thời nó cũng không có khả năng tác chiến đêm.
Trong cuộc chiến Vùng vịnh lần 1, chỉ có 18 chiếc Abrams bị loại khỏi vòng chiến do hoả lực đối phương, nhưng không có chiếc M1 nào bị bắn hạ bởi xe tăng Iraq mà chủ yếu do quân ta bắn nhầm và bị các loại vũ khí khác tiêu diệt.
Tuy nhiên trong Chiến tranh Vùng vịnh lần 2 ở Iraq năm 2003, M1 Abrams cũng thể hiện rõ những yếu điểm của mình và bị thiệt hại nặng nề trong tác chiến đô thị.
Sự xuống dốc của M1 Abram
Trong Chiến tranh Vùng vịnh lần 2, xe tăng Abrams không có cơ hội tham gia các trận đấu tăng lớn, thay vào đó M1 lại gặp phải lực lượng du kích nổi dậy trang bị vũ khí chống tăng bộ binh như súng RPG-7 hay tên lửa Fagot. Số lượng M1 bị mất do chiến thuật du kích của quân nổi dậy cao hơn rất nhiều.
Tới tháng 3 năm 2006, tức là sau 3 năm, đã có trên 100 xe M1 bị phá huỷ hoàn toàn, hơn 530 chiếc khác bị hư hại nặng và phải đưa trở về nhà máy ở Mỹ để sửa chữa (trung bình cứ 2 ngày lại có 1 chiếc M1 Abrams bị hỏng nặng).
Động cơ turbine của M1 cũng tỏ ra dễ bị hư hỏng trong điều kiện sa mạc tại Iraq: riêng trong năm 2007, khoảng 1.400 bộ động cơ của M1 đã phải gửi về Mỹ để đại tu.
Những năm sau đó, mặc dù mức độ chiến sự thấp hơn nhưng M1 Abrams Mỹ vẫn liên tục bị bắn hạ. Sau đó, với sự xuất hiện của những loại các vũ khí chống tăng cá nhân hiện đại hơn như RPG-29, tên lửa chống tăng Metis-M, Kornet, số phận của M1 Abrams ngày càng mong manh.
Năm 2014, lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đã mở chiến dịch tấn công tại Iraq và chỉ sau 3 tháng đã chiếm một nửa Iraq. Khi đó, Quân đội Iraq có trong tay 146 chiếc M1A1M Abrams (phiên bản cải tiến từ M1A1) trang bị cho 6 tiểu đoàn xe tăng của sư đoàn 9,
Tuy nhiên, các xe tăng này không thể hiện được sức mạnh trong điều kiện đô thị và bị phá hủy hàng loạt. Sau nửa năm chiến đấu, đến cuối năm 2014, quân đội Iraq chỉ còn lại 40 chiếc M1 Abrams có thể sử dụng.
Ngoài ra, các xe tăng M1 Abrams trong quân đội Saudi Arabia cũng bị lực lượng Houthi ở Yemen liên tục “nướng chín”, khi Riyadh tung quân tấn công vào Yemen năm 2015, mặc dù phiến quân chỉ có các vũ khí chống tăng cổ lỗ như RPG-7, RPG-29 hay 9K111 Fagot.
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc xe tăng M1 Abrams dễ dàng bị bắn hạ hàng loạt ở Iraq và Yemen chủ yếu là do khả năng phòng vệ kém của bản thân M1. Tăng Mỹ không có các thiết bị phòng thủ chủ động như xe tăng T-90 của Nga, cũng không có giáp phản ứng nổ để bảo vệ sườn xe.
Tháp pháo lớn và dài do khoang chứa đạn ở sau tháp pháo đã trở thành điểm yếu chết người của M1 Abrams. Nhiều trường hợp M1 Abrams bị bắn trúng sườn tháp pháo, khiến cơ số đạn trong xe tăng bị kích nổ phá tan chiếc xe, cơ hội sống sót của kíp xe trong tình huống này là bằng 0.
Loại xe tăng Mỹ hiện không thể so sánh với xe tăng Nga và Israel, với các hệ thống phòng thủ thụ động và chủ động hết sức chắc chắn.
Việc Mỹ học hỏi công nghệ của hệ thống phòng thủ chủ động Trophy trên xe tăng Merkava Mk4 của Israel cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước khi phát triển được một thế hệ xe tăng mới hiện đại hơn.