Theo Sci-News, Mamenchisaurus sinocanadorum là một loài chưa bao giờ được mô tả đầy đủ trước đó của dòng họ khủng long siêu khổng lồ sauropod (khủng long chân thằn lằn), nổi tiếng với thân hình hộ pháp, chân to khỏe, cổ dài nhưng là loài ăn cỏ hiền lành.
Những đặc điểm sơ khai khắc họa Mamenchisaurus sinocanadorum được đề cập lần đầu vào năm 1993, sau khi người ta tìm được vài mảnh ít ỏi của một cá thể tại Hệ tầng Shishugou ở Lưu vực Junggar, một địa điểm giàu hóa thạch ở Tân Cương - Trung Quốc.
Vẻ ngoài kỳ lạ của quái vật kỷ Jura ở Tân Cương - Trung Quốc - Ảnh: Júlia d’Oliveira
Thế nhưng với một ít xương đầu và cổ, việc mô tả đầy đủ chân dung quái vật khổng lồ này là một hành trình khó khăn.
Trong nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Systematic Palaeontology, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Andrew Moore đã thành công trong việc tính toán và mô tả cơ thể của quái vật bí ẩn này và nhận thấy nó sở hữu một cái cổ khó tin: 15,1 m.
Hình ảnh đồ họa cho thấy phía trên chiếc cổ dài và chắc này là một cái đầu nhỏ, được gắn lên một cơ thể tuy to lớn nhưng ngắn hơn phần cổ nhiều, cân bằng bằng một chiếc đuôi to nặng.
"Tất cả các loài sauropod đều to lớn, nhưng những chiếc cổ dài đáng kinh ngạc không chỉ tiến hóa một lần. Mamenchisaurids sinocanadorum rất quan trọng vì chúng đã đẩy giới hạn về độ dài của cổ" - Tiến sĩ Moore cho biết, khẳng định đây là loài sauropod có cổ dài nhất thế giới từng được biết đến.
Vẫn còn nhiều bí ẩn về cấu trúc cơ thể sinh vật, cách mà nó giữa chiếc cổ ấy một cách cân bằng trên cơ thể khi vận động. Nghiên cứu chỉ ra một trong các cơ chế khả dĩ từ các đốt sống được tìm thấy: Ngoài các đốt sống nhẹ rỗng giống như xương cò, chúng còn có một phần "xương sườn cổ" ở hai bên cổ, kéo dài một đoạn lên tới 4 m ở phần cổ gần thân nhằm tăng độ vững chắc của chiếc cổ.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để lý giải hoàn toàn cơ thể hội tụ nhiều đặc tính kỳ lạ của nó. Các nhà khoa học hy vọng các cuộc khai quật tiếp theo về loài này cũng như các sauropod họ hàng sẽ đem đến câu trả lời cụ thể hơn.