Tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Abiy Ahmed đưa ra trong bối cảnh hình ảnh vệ tinh cho thấy hồ chứa của đập Đại Phục Hưng đang tích được nhiều nước nhất kể từ khi được xây dựng.
Ethiopia một mực khẳng định nước trong hồ chứa GERD dâng cao như hiện nay là do mưa lớn. Dự án siêu đập Đại Phục Hưng đã ngốn của Ethiopia hơn 4,5 tỷ USD. Đây là con đập lớn nhất châu Phi.
Ethiopia cho biết nước này sẽ bắt đầu trữ nước sông Nile cho hồ chứa của GERD trong tháng này, bất chấp việc có đạt được thỏa thuận với Ai Cập và Sudan hay không.
Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Ethiopia cho thấy, nước này cùng Ai Cập và Sudan đã đạt được sự đồng thuận nhất định về GERD, sắp tiến tới thỏa thuận toàn diện.
Hôm 21.7, một vòng đàm phán mới giữa Ethiopi, Ai Cập, Sudan đã được tổ chức với sự tham gia của Chủ tịch Liên minh châu Phi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và dường như đã gặt hái kết quả tốt.
Cuộc đàm phán đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn nước sông Nile – dòng sông huyết mạch nuôi sống nhiều người dân ở khu vực Bắc Phi.
Ethiopia vô cùng hào hứng trước cơ hội mà đập Đại Phục Hưng mang lại. Hàng chục triệu người dân nước này sẽ có điện dùng và từng bước thoát khỏi đói nghèo. Ethiopia thậm chí còn có thể trở thành nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Phi.
Hồ chứa của siêu đập Đại Phục Hưng đang có nhiều nước nhất kể từ khi được xây dựng (ảnh: SCMP)
Vấn đề chính trong mọi vòng đàm phán gần đây xoay quanh việc Ethiopia sẽ xả ra bao nhiêu nước để giải quyết tình trạng hạn hán, thời gian tích nước cho đập và nhu cầu dùng nước của Ai Cập, Sudan.
Trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Thủy lợi Sudan Yasser Abbas cho biết, vòng đàm phán hôm 21.7 là rất tích cực.
Ông Yasser Abbas nói thêm rằng, các nhà lãnh đạo đã nhất trí cho phép Ethiopia xây dựng những dự án thủy lợi, miễn là phải thông báo đầy đủ cho các nước hạ nguồn sông Nile.
“Vẫn còn một số công việc cần giải quyết, nhưng nếu đồng ý với các nguyên tắc cơ bản thì các vướng mắc tự khắc sẽ được tháo gỡ”, ông Abbas cho hay.
Sudan khẳng định sông Nile vẫn là “cội nguồn của hòa bình”.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã lo ngại công sức đàm phán suốt 9 năm (kể từ khi đập Đại Phục Hưng bắt đầu được xây dựng) của các bên liên quan sẽ “đổ sông đổ bể” khi kênh truyền hình Ethiopia tuyên bố nước này bắt đầu tích nước sông Nile cho GERD.
GERD là một dự án thủy điện đầy tham vọng của Ethiopia nhằm nâng cao vị thế của nước này trong khu vực.
60% hộ gia đình ở Ethiopia sẽ có điện sử dụng, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững. Khoảng 40% người dân ở Ethiopia hiện nay có điện lưới nhưng không ổn định. Nhiều người vẫn phải vào rừng đốn củi. Chính phủ Ethiopia đã vay tiền của người dân thông qua các “trái phiếu yêu nước” để hoàn thành công trình này.
Đập Đại Phục Hưng nhìn từ trên cao (ảnh: CNN)
“Nhiều người dân Ethiopia đã không có điện suốt nhiều thập kỷ. Đó là tình trạng đáng buồn. Có khoảng 85% lượng nước sông Nile chảy qua quốc gia này”, Birhanu Lenjiso – chuyên gia từ Viện nghiên cứu chính sách Đông Phi – nhận xét.
Ở Ai Cập, hầu hết dân số 102 triệu người nước này phụ thuộc vào nước từ Nile Xanh – một trong hai nhánh chính của sông Nile – từ sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất công nghiệp.
“Cha ông tôi đều sống cạnh bờ sông Nile và con cháu tôi cũng sẽ như vậy. Đập Đại Phục Hưng có thể khiến 60% diện tích canh tác của gia đình tôi không thể sử dụng. Tiền nước cũng có thể tăng lên. Tất cả nông dân Ai Cập đều lo lắng vì con đập”, Ahmed Abdel Wahab – một nông dân Ai Cập – chia sẻ.
Nếu nước sông Nile chảy qua Ai Cập giảm 2%, khoảng 200.000 mẫu đất nông nghiệp và 1 triệu việc làm của nước này sẽ mất. Sông Nile dài 6.853 km và chảy qua 11 quốc gia.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi từng phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng, nước sông Nile là vấn đề tồn vong của Ai Cập.