Sau khi Liên Xô cho nổ thử quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nước này vào ngày 29/8/1949, Keshrim Boztayev – một trong những nhân vật tham gia sự kiện ngày 29/8 – đã viết trong cuốn hồi ký rằng: "Hiểu đơn giản về tác động của quả bom nguyên tử ấy, bạn chỉ cần hình dung bức tranh vô cùng tàn khốc thế này: Đại bàng và chim ưng sống trong vùng thử nghiệm chẳng may hứng chịu luồng sáng phóng xạ chết người đều bị thui trụi lông cùng đôi mắt trắng dã. Ở khoảng cách gần tâm vụ nổ hơn, chúng tôi thấy xác một con lợn chết đen, trương phình... Khung cảnh lúc ấy thật kinh hoàng. Đó là lúc tôi hiểu về hậu quả khủng khiếp của một trong những phát minh vĩ đại nhất mà con người tạo ra…"
----
Cách đây hơn 7 thập kỷ, Liên Xô bước vào cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt với người Mỹ sau sự kiện Mỹ cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại – quả bom mang mật danh "Trinity" ngày 16/7/1945.
Sau sự kiện Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Joseph Stalin đặt ra yêu cầu Liên Xô phải sở hữu bằng được vũ khí nguyên tử trong vòng 5 năm. Nhà vật lý hạt nhân trẻ tuổi Igor Kurchatov, người về sau được tôn vinh là "cha đẻ của bom nguyên tử Liên Xô", nhận trọng trách dẫn đầu dự án khó khăn này.
Nhà vật lý hạt nhân trẻ tuổi Igor Kurchatov (1903 - 1960) người về sau được tôn vinh là "cha đẻ của bom nguyên tử Liên Xô". Ảnh: CTBTO.
Chỉ hai năm sau sự kiện Mỹ tạo ra "bình minh của kỷ nguyên nguyên tử", người Liên Xô tức tốc triển khai hàng loạt "bàn đạp" để giành thế "bá vương hạt nhân" với Mỹ.
Đầu tiên là việc Moscow thiết lập bãi thử bom hạt nhân Semipalatinsk rộng 18.500 km2, mật danh "Đa giác", thuộc vùng Đông Kazakhstan, ngày 21/8/1947.
Tiếp đến, Liên Xô nhanh chóng nổ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên mật danh RDS-1 (còn gọi là Izdeliye 501) ngày 29/8/1949 tại bãi thử "Đa giác". RDS-1 có sức công phá tương đương 22.000 tấn TNT.
Mặc dù cả Mỹ, Liên Xô và Anh đều dốc sức cho cuộc đua giành vương vị hạt nhân nhưng giới lãnh đạo 3 nước đều nhận ra rằng dù họ có tiến hành các vụ nổ thử hạt nhân ở các khu vực hẻo lánh, xa dân cư thì hậu quả môi trường vẫn vô cùng tàn khốc.
Vì vậy, vào năm 1963, ba cường quốc hạt nhân đã ký Hiệp ước Moscow (Treaty of Moscow 1963) cấm thử vũ khí hạt nhân trên không trung, ngoài không gian và dưới nước. Việc các bên nổ thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất thì được phép.
Siêu công trình trong lòng đất: Nơi đánh thức "quái vật" ngủ yên
Trước khi ký kết Hiệp ước Moscow, Liên Xô đã bắt tay vào xây dựng các đường hầm nhằm triển khai các vụ nổ thử hạt nhân dưới lòng đất.
Đường hầm đầu tiên của Liên Xô hoàn thành vào năm 1961, dài 380m và sâu 125, đáp ứng các điều kiện an toàn phía trên mặt đất.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, một vụ nổ hạt nhân có thể làm tạo ra vùng áp suất lên đến vài triệu atmospheres. Để tránh điều này cũng như ngăn bức xạ hạt nhân lên mặt đất, kỹ sư Liên Xô thiết kế hầm nổ thêm 3 lớp tường bê tông với độ dày và tính năng khác nhau.
Lớp đầu tiên dày 40m – có lắp đặt các thiết bị cảm biến theo dõi sự phát triển của phản ứng dây chuyền; lớp thứ hai làm bằng bê tông cốt thép dày 30m; lớp thứ ba dày 10m, đặt cách tâm nổ 200m – được dùng để đo sóng xung kích và bức xạ hạt nhân.
Tâm vụ nổ được đánh dấu trên bề mặt của vị trí thử nghiệm bằng một lá cờ chuyên biệt. Khi tiến hành cho nổ, các nhà khoa học sẽ ngồi ở hầm trú bom cách tâm nổ khoảng 5km.
Sau nhiều vụ thử bom hạt nhân dưới lòng đất, giới khoa học Liên Xô kết luận, hình thức này được xem là an toàn nhất về môi trường so với các vụ thử ở trên không và trên biển. Bởi sau vụ nổ, người ta không phát hiện bất kỳ bức xạ hạt nhân nào trên mặt đất.
Hơn nữa, toàn bộ đường hầm đến 3 lớp tường đặc biệt đều còn nguyên vẹn, nhờ thế, cho phép các nhà khoa học thu được các dữ liệu cần thiết; cũng như tiến hành thêm nhiều vụ nổ thử hạt nhân khác.
Xem video: Hình ảnh một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất
Vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất. Video: Atom Central
Một hố khoét sâu trong lòng đất sau một vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất được thực hiện trong Chiến dịch Plowshare năm 1961 của Mỹ. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, đó là vì người ta chưa xét đến những tác động to lớn và lâu dài khi cho thử các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất.
Bởi động đất không chỉ còn là thảm họa của tự nhiên, giờ đây nó còn xảy ra dưới tác động của chính con người. Theo đánh giá, những vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ đủ mạnh có thể gây ra thảm họa động đất nhân tạo.
Vụ nổ hạt nhân mạnh dưới lòng đất nhất trong lịch sử loài người được Mỹ triển khai năm 1971 trên một hòn đảo hoang Amchitka (thuộc quần đảo Aleutian, Alaska).
Các nhà khoa học đã sử dụng bom nhiệt hạch 5 triệu tấn TNT để nghiên cứu các tác động địa chất của một vụ nổ tương tự có thể xảy ra. Theo đó, vụ nổ đã "kích hoạt" một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter, và khiến nền đất bị đẩy cao lên 5m. Chưa hết, vụ nổ còn gây lở đất dọc theo bờ biển và dịch chuyển các mảng kiến tạo tại đảo trên một vùng diện tích rộng 300km2.
Gói gọn trong hơn 40 năm diễn ra Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cho thử tổng cộng 473 vụ nổ hạt nhân tại bãi thử "Đa giác". Trong số đó, có khoảng 90 vụ nổ trên không, 26 vụ nổ trên mặt đất và 354 vụ nổ dưới lòng đất. Ngoài các vụ nổ hạt nhân tại "Đa giác", Liên Xô còn thử nghiệm 175 vụ nổ hóa chất số lượng lớn.
Các nhà khoa học tính toán, tổng sức mạnh của tất cả các vụ thử hạt nhân thực hiện tại "Đa giác" vượt quá 50 triệu tấn TNT!
Với số lượng thử bom hạt nhân dưới lòng đất lớn cộng với đương lượng nổ khổng lồ như vậy, người ta sẽ không thể nói trước những thảm họa nhân tạo nào về lâu dài sẽ xảy đến với "Đa giác" hay các khu vực lân cận.
Tử thần dưới đám mây nấm
Hình minh họa.
Ngày 30/10/1961, Liên Xô vượt mặt Mỹ để trở thành "siêu cường hạt nhân" khi sở hữu vũ khí hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử - Bom Sa Hoàng.
Bom Sa Hoàng gây chấn động thế giới và khiến địch thủ Mỹ dè chừng thực sự, tuy nhiên, cái giá mà Liên Xô phải trả không hề rẻ: Con người - Môi sinh - Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng tại bãi thử "Đa giác", một vùng đất rộng hơn 18.000km2 bị ô nhiễm phóng xạ nặng nề; mức độ phóng xạ tại khu vực thử và vùng lân cận cao gấp 10 lần so với khu vực khác; hơn 1 triệu người được chẩn đoán gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Tài liệu mật về sau chỉ rõ, khoảng 200.000 người dân đã trở thành "vật thí nghiệm" cho các nhà khoa học tìm hiểu mức độ nguy hiểm dưới tác động của vũ khí hạt nhân. Tồi tệ hơn, cứ 20 trẻ em trong khu vực lại có 1 trẻ bị dị dạng nghiêm trọng. Nhiều người dân vùng lân cận đối mặt với nhiều bệnh ung thư quái ác. Hơn một nửa dân số tại vùng đều chết trước 60 tuổi.
Cho đến nay, 30 năm sau khi bãi thử "Đa giác" chính thức đóng cửa, nơi đây vẫn được xem là một trong những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh.
Bài viết sử dụng các nguồn: RBTH, Website của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO)
Đọc Soviet Secret Files - tại đây.