Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới kể từ hôm nay (19/8). Đây là lần thứ hai ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi trong vòng 3 tuần trở lại đây.
Cụ thể, với tiền gửi trực tuyến – sản phẩm có lãi suất cao nhất tại SHB, tiền gửi kỳ hạn 3-4 tháng và 18 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm; tiền gửi các kỳ hạn từ 4 đến 15 tháng tăng thêm 0,3%/năm.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3-4 tháng được điều chỉnh tăng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng lên 3,9%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-8 tháng cũng đã tăng trở lại ngưỡng 5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 5,1%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 12-15 tháng có lãi suất huy động mới là 5,6%/năm và kỳ hạn 18 tháng có lãi suất mới là 5,7%/năm.
SHB giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tại mức 3,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 24 tháng là 5,8%/năm và lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên tại mức 6,1%/năm.
Mức lãi suất 6,1%/năm được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên không chỉ là lãi suất huy động cao nhất tại SHB mà còn cao nhất thị trường hiện nay.
Ngoài SHB, một số ngân hàng cũng đang niêm yết lãi suất huy động từ 6%-6,1%/năm gồm như: Hdbank, ABBank, BaoViet Bank, BVBank, Saigonbank,….
Cùng với tiền gửi trực tuyến, SHB cũng tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn đối với tiền gửi tại quầy, điều chỉnh dao động trong khoảng 0,1 – 0,3%/năm .Hiện mức lãi suất huy động cao nhất SHB niêm yết cho tiền gửi tại quầy của khách hàng cá nhân là 5,9%/năm, dành cho các khoản tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 24 – 36 tháng.
SHB là ngân hàng tiếp theo gia nhập cuộc đua lãi suất huy động trong tháng 8. Kể từ đầu tháng 8 đến nay, đã có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, VietBank và SHB.
Ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận 3 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động là Bac A Bank, SeABank và OCB.
So với cùng kỳ các tháng trước, đà tăng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu chậm lại khi cả về số lượng ngân hàng và tần suất điều chỉnh. Dù vậy, lãi suất huy động được dự báo vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm 2024.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024", báo cáo MBS viết.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất.
Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây "shock" về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng "hội tụ" về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy, VDSC dự báo mặt bằng lãi suất tăng thêm để trở về mức trung bình trước dịch Covid-19 là một kịch bản hợp lý.