Sếp Toyota nói xe điện chỉ gây thêm ô nhiễm, hãng xe điện Trung Quốc nhắc khéo: 'Các ông muốn làm Nokia?'

Bảo Nam |

Chủ tịch Xiaopeng Motors đáp lại bằng thông điệp so sánh những hãng xe hơi coi thường xe điện hoặc không xem trọng xu hướng phát triển của điện khí hóa sẽ dẫm theo vết xe đổ của Nokia năm xưa.

Akio Toyoda, người đứng đầu Toyota Motor, cho biết trong cuộc họp báo cuối năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hôm 17/12 rằng: "Chúng ta sản xuất càng nhiều ô tô điện, lượng khí thải carbon dioxide càng nghiêm trọng."

Theo quan điểm của Akio Toyoda, xe điện đã bị thổi phồng quá mức và những người ủng hộ xe điện đã không xem xét đến lượng khí thải carbon do sản xuất điện và chi phí chuyển đổi của xe điện tạo ra.

"Khi các chính trị gia nói: 'Chúng ta hãy ngừng sử dụng ô tô chạy xăng', họ có hiểu điều này là gì không?", WSJ dẫn lời ông Toyoda. "Nếu tất cả ô tô đều chạy bằng điện, thì Nhật Bản sẽ không có điện vào mùa hè. Ở một đất nước như Nhật Bản, nơi hầu hết điện đến từ việc đốt than và khí đốt tự nhiên, xe điện không hữu ích cho môi trường."

Sếp Toyota nói xe điện chỉ gây thêm ô nhiễm, hãng xe điện Trung Quốc nhắc khéo: Các ông muốn làm Nokia? - Ảnh 1.

Ông cũng chia sẻ quan điểm rằng nếu Nhật Bản cấm ô tô chạy bằng xăng quá vội vàng, "mô hình kinh doanh hiện tại của ngành công nghiệp ô tô sẽ sụp đổ", khiến hàng triệu người mất việc làm. Ngoài ra, ông cũng lo lắng rằng các quy định của chính phủ sẽ khiến ô tô trở thành "bông hoa trên đỉnh núi", thứ mà người bình thường không thể với tới.

Có thông tin cho rằng bài phát biểu của Akio Toyoda có thể liên quan đến Chính sách mới của chính phủ Nhật Bản. Đầu tháng 12, báo chí Nhật Bản đưa tin chính phủ nước này sắp ban bố lệnh cấm bán xe mới chạy bằng động cơ đốt trong từ năm 2035, nhưng vẫn sẽ cho phép tiếp tục bán xe hybrid.

Nhật Bản từ lâu đã là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào than và khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Theo thống kê, năm 2010, tỷ lệ điện do các nhà máy nhiệt điện than tạo ra chỉ bằng 25% nhu cầu dùng điện của Nhật Bản. Khi đó Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã lên kế hoạch dựa vào điện hạt nhân để bù đắp thiếu hụt điện năng, nhắm mục tiêu đến năm 2030, sản lượng điện hạt nhân chiếm 50% tổng sản lượng điện.

Tuy nhiên, thảm họa hạt nhân xảy ra vào một năm sau đó đã buộc chính phủ phải đánh giá lại kế hoạch, chuyển các cơ sở sản xuất điện sang khí tự nhiên và nhiệt điện than. Theo đó, tỷ trọng phát điện của hai công nghệ nhiệt điện này tăng dần qua từng năm, năm 2014 đạt 31% và năm 2017 là 82,8%.

Sếp Toyota nói xe điện chỉ gây thêm ô nhiễm, hãng xe điện Trung Quốc nhắc khéo: Các ông muốn làm Nokia? - Ảnh 2.

Tuy nhiên không lâu sau bài phát biểu của Akio Toyoda, vào ngày 21/12, chủ tịch của hãng xe điện Xiaopeng Motor là He Xiaopeng, đã đăng một ảnh chụp màn hình tin tức bài phát biểu của Toyoda trên Weibo, kèm theo một câu chuyện đầy "thâm thúy":

"Vào ngày 25/4/2014, Microsoft thông báo rằng việc mua lại Nokia đã chính thức hoàn tất. Khi Giám đốc điều hành hiện tại của Nokia, Yoma Olila, tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng ông đồng ý với việc mua lại của Microsoft, câu nói cuối cùng của ông là: 'Chúng tôi không làm gì sai, nhưng chúng tôi không biết tại sao chúng tôi thua'. Sau đó, cả ông cùng hàng chục giám đốc điều hành của Nokia đã không kìm được nước mắt."

Ngay lập tức, một số cư dân mạng nước này cho rằng câu chuyện của He Xiaopeng đã so sánh các hãng xe điện với Microsoft và ví những hãng xe hơi coi thường xe điện hoặc không xem trọng xu hướng phát triển của điện khí hóa chính là Nokia.

Tuy nhiên, có một điều đáng nói là cả Akio Toyoda và He Xiaopeng trước đó đều đã liên tiếp "chỉ trích" hãng xe điện nổi tiếng nhất thế giới hiện nay - Tesla - vào tháng 11 trước đó.

Trả lời về việc công ty của Elon Musk sẽ vượt qua Toyota để trở thành công ty xe hơi giá trị nhất thế giới, Akio Toyoda cho rằng Tesla không làm ra đồ thật, thay vào đó mọi người chỉ mua công thức của Tesla, còn Toyota có cả "nhà bếp và đầu bếp" thực thụ. Theo các báo cáo, nhà máy ở Fremont, California của Tesla trước đây chính là nhà máy NUMMI của Toyota, đã được bán cho Tesla vào năm 2010. Khi đó, hai bên cũng hợp tác phát triển xe điện và công nghệ pin.

Còn đáp lại cáo buộc của Elon Musk về việc Xiaopeng Motor đánh cắp công nghệ của Tesla, He Xiaopeng đã đăng bài viết đáp lại rằng: "Bắt đầu từ năm tới, bạn phải chuẩn bị tinh thần để bị chúng tôi đánh bại trong lĩnh vực xe tự hành ở Trung Quốc. Còn với thị trường thế giới, chúng ta sẽ gặp nhau sau".

Mạnh miệng chê bai nhưng Toyota vẫn âm thầm nuôi mộng kinh doanh xe điện

Nhưng cho dù liên tục chỉ trích và chê bai xe điện, Toyota trong những năm gần đây đang "tăng tốc" không ngừng trong lĩnh vực phát triển và kinh doanh xe điện thuần túy của mình.

Trên thực tế, Toyota là một trong những công ty xe hơi đầu tiên trên thế giới tham gia vào công nghệ điện khí hóa và đã cho ra mắt một mẫu xe hybrid ngay từ năm 1997. Tuy nhiên, khác với các mẫu xe thuần điện khác với việc lấy pin lithium-ion làm con đường phát triển chính, trọng tâm của hãng xe Nhật Bản lại là các mẫu xe hybrid và các pin nhiên liệu hydro.

Năm 2014, Toyota cho ra mắt mẫu xe du lịch chạy pin nhiên liệu hydro Mirai, sau đó nó được sản xuất hàng loạt, với doanh số toàn cầu tính đến cuối tháng 9/2020 là 11.154 chiếc. Để so sánh, doanh số bán xe tháng 11/2020 của mẫu Tesla Model 3 là 21.604 chiếc.

Và cũng tại hội nghị về tự động hóa một năm sau đó, CEO Tesla, Elon Musk đã công khai tuyên bố rằng công nghệ pin nhiên liệu hydro là "ngu ngốc".

Sếp Toyota nói xe điện chỉ gây thêm ô nhiễm, hãng xe điện Trung Quốc nhắc khéo: Các ông muốn làm Nokia? - Ảnh 3.

Vào tháng 11/2016, Toyota quyết định thành lập một công ty khởi nghiệp nội bộ để phát triển xe điện thuần túy. Nhưng Uchiyamada, chủ tịch Toyota khi đó nói: "Chúng tôi không phản đối xe điện. Nhưng để xe điện đi được quãng đường dài, chúng cần được nạp một lượng lớn pin, mất nhiều thời gian sạc và tuổi thọ của pin cũng là một vấn đề."

Vào năm 2017, Akio Toyoda đã chỉ ra trong một cuộc họp báo rằng: "Mặc dù Toyota đi sau một chút trong lĩnh vực xe điện nhưng Toyota vẫn sẽ phát triển hệ thống truyền động với công nghệ hybrid làm cốt lõi, bao gồm các mẫu pin nhiên liệu, các mẫu plug-in hybrid".

Tuy nhiên, vào cuối năm đó, Toyota đã công bố kế hoạch phổ cập xe điện 2020-2030. Công ty cho biết, theo kế hoạch, trong số các loại xe mới được bán vào năm 2030, sẽ có hơn 4,5 triệu xe điện hybrid và xe điện hybrid plug-in, cùng hơn 100 xe điện thuần túy và xe điện pin nhiên liệu (chủ yếu là nhiên liệu hydro) sẽ được bán vào năm 2030. Tổng số xe điện sẽ vượt quá 5,5 triệu chiếc.

Sau khi kế hoạch này được đưa ra, Toyota đã tăng tốc trong lĩnh vực xe điện.

Vào năm 2019, Toyota đã trình làng mẫu xe SUV chạy điện sản xuất hàng loạt đầu tiên. Sau đó, từ tháng 4 đến tháng 5/2020, Toyota đã liên tiếp tung ra 3 mẫu xe chạy điện thuần túy là C-HR EV, Yize E Jinqing và Lexus UX300e.

Vào ngày 9/6, Toyota gọi năm 2020 là "Năm đầu tiên của xe diện" trong sự kiện Toyota Technology Space. Công ty cũng tuyên bố rằng họ có kế hoạch tung ra hơn 10 mẫu xe điện thuần túy tại Trung Quốc vào năm 2025 và đạt doanh số hàng năm trên toàn cầu là hơn 5,5 triệu mẫu xe điện.

Theo báo cáo của Nikkei vào ngày 9/12, Toyota đã lần đầu tiên tuyên bố trong một diễn đàn rằng hãng hy vọng sẽ trở thành nhà sản xuất xe sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới được trang bị pin thể rắn và sẽ ra mắt một mẫu thử nghiệm vào năm tới, trong thập kỷ 2021-2030.

Báo cáo cũng cho biết loại xe chạy pin thể rắn hiện đang được Toyota phát triển có phạm vi hoạt động cao hơn gấp đôi so với các loại pin lithium-ion thông thường trong cùng điều kiện và chỉ mất khoảng 10 phút để sạc đầy, ít hơn ít nhất ba lần so với xe điện truyền thống. Ưu điểm thứ hai là không cần phải hy sinh không gian bên trong xe do bố trí nhiều ắc quy.

Sếp Toyota nói xe điện chỉ gây thêm ô nhiễm, hãng xe điện Trung Quốc nhắc khéo: Các ông muốn làm Nokia? - Ảnh 4.

Xe điện sử dụng pin thể rắn.

Theo báo cáo, phạm vi hoạt động của một chiếc ô tô chạy bằng pin thể rắn có thể lên tới 1.000 km. Hiện tại, Toyota đang ở vị trí dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế pin thể rắn, với hơn 1.000 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ này.

Tuy nhiên, việc sản xuất pin thể rắn không hề đơn giản. Để đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ này, chính phủ Nhật Bản đang xem xét sử dụng một phần của quỹ đầu tư trị giá 19,2 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất pin thể rắn ở trong nước.

Toàn cầu "đặt cược" vào xe điện

Kế hoạch tăng tốc của Toyota để thúc đẩy sự phát triển và sản xuất xe điện thuần túy không thể tách rời các chính sách thuận lợi đang được áp dụng trên toàn cầu và là nền tảng thị trường cho xe điện.

Cho đến nay, có tổng cộng 22 quốc gia và khu vực trên thế giới đã công bố "thời gian biểu" cho lệnh cấm động cơ đốt trong, và các quốc gia châu Âu chiếm 13 trong số đó. Trong số đó, Hà Lan, Na Uy và Đức đã hành động sớm nhất vào năm 2016. Kể từ đầu năm nay, Vương quốc Anh và Mỹ cũng đã theo chân.

Vào tháng 9 năm nay, Thống đốc California thông báo rằng ông đã ký một lệnh hành pháp. Đến năm 2035, tất cả xe bán mới ở California phải không phát thải và đến năm 2045, xe hạng nặng mới được bán ở California cũng phải không phát thải.

Vào ngày 17/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đăng một bài báo trên tờ Financial Times nói rằng Vương quốc Anh sẽ cấm bán ô tô và xe tải chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2030, đồng thời đặt ra thời gian ân hạn cho ô tô và xe tải hybrid (năm 2035), nhằm đáp ứng mục tiêu khí hậu của quốc gia là không phát thải ròng.

Sếp Toyota nói xe điện chỉ gây thêm ô nhiễm, hãng xe điện Trung Quốc nhắc khéo: Các ông muốn làm Nokia? - Ảnh 5.

Ngoài ra, nhiều công ty kỳ lân công nghệ đã đưa việc chế tạo xe hơi vào chương trình nghị sự.

Gần đây, có thông tin cho rằng Huawei và Baidu của Trung Quốc đang triển khai hoạt động kinh doanh xe hơi của riêng mình. Tuy nhiên, Huawei tuyên bố rằng hãng đang tích hợp hoạt động kinh doanh ô tô của mình trong phạm vi nội bộ và cho biết: "Huawei không chế tạo ô tô, nhưng sẽ giúp các công ty ô tô chế tạo ô tô tốt và trở thành nhà cung cấp linh kiện gia tăng cho ô tô kết nối mạng thông minh."

Còn Baidu không đưa ra thông tin chi tiết, dù đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất ô tô điện như Guangzhou Automobile, Geely và tập đoàn FAW trong năm nay.

Còn mới nhất vào ngày 21/12, Apple cũng đã gia nhập "đội quân chế tạo xe hơi". Theo thông báo của hãng, chiếc xe điện đầu tiên mang tên Apple Car sẽ chính thức trình làng vào quý 3 năm sau. Theo nguồn tin chuỗi cung ứng, Apple gần đây đã đưa ra yêu cầu dự trữ cho các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô Đài Loan như Heda, BizLink, Heqin và Futian, và các nhà sản xuất liên quan khác cũng đã được đưa vào làn sóng chuỗi cung ứng đầu tiên.

Tham khảo iFeng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại