Năm 2017, cả nước mới chỉ có gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), vẫn còn trên 70% chưa tham gia.
Như vậy, mục tiêu đến năm 2020 có 50% người tham gia BHXH khó đạt được nếu ta không thay đổi chính sách BHXH.
Đó là khẳng định của ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề án cải cách chính sách BHXH.
Rút ngắn chênh lệch lương hưu
. Phóng viên: Đề án cải cách chính sách BHXH sẽ điều chỉnh những hạn chế nào so với quy định hiện hành, thưa ông?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
+ Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (ảnh): Hiện rất nhiều đối tượng có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH thì lại không được quy định trong luật. Ví dụ, người điều hành doanh nghiệp, làm hợp tác xã, tự do kinh doanh…
Bên cạnh đó, những chính sách thiết kế trong BHXH chưa hợp lý. Ví dụ, mỗi lần điều chỉnh lương hưu (7%), khoảng cách giữa người hưởng lương hưu thấp và cao rất chênh lệch.
Cụ thể, người hưởng lương hưu 100 triệu đồng/tháng tăng thêm 7 triệu đồng, trong khi đó người hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng chỉ tăng thêm 91.000 đồng.
Như vậy, chúng ta mới chú trọng đến nguyên tắc đóng-hưởng nhưng nguyên tắc chia sẻ trong những người hưởng lương hưu chưa hợp lý dẫn đến sự chênh lệch, nên lần này cần cải cách thay đổi nhằm rút ngắn khoảng cách trên.
Ngoài ra, BHXH có nhiều chính sách (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp), trong đó chính sách thất nghiệp chỉ mới chi trả và giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp mà chưa có chính sách phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Ví dụ, chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao họ duy trì việc làm, có thể tuyển dụng lao động thất nghiệp dài hạn…
. Bộ LĐ-TB&XH cũng thiết kế chính sách BHXH ba tầng, cụ thể như thế nào?
+ Chúng tôi thiết kế ba tầng. Tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu (trước đây những người độ tuổi 80 đang hưởng 270.000 đồng/tháng thuộc khối bảo trợ nay chuyển hướng sang bảo hiểm, độ tuổi hạ thấp dần so với hiện hành do Nhà nước hỗ trợ; bản chất ở đây là tiền bảo hiểm do Nhà nước đóng).
Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống quy định hiện hành. Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.
. Với các chính sách trên chúng ta có kỳ vọng gì không, thưa ông?
+ Chúng ta kỳ vọng vì rất nhiều chính sách được thiết kế. Ví dụ như đối với những người nghèo, lao động ở khu vực phi kết cấu thì có thể hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đóng BHXH một phần.
Các chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì có thể hỗ trợ duy trì việc làm khi người lao động rời khỏi hệ thống…
Chuẩn bị nguồn kinh phí dồi dào
. Thực tế đã có nhiều lần cải cách tiền lương nhưng chưa hiệu quả. Theo ông, lần này có gì khác?
+ Về cải cách tiền lương, trước đây chưa thành công lắm, nguyên nhân do chưa tiến hành song song với t inh gọn bộ máy , nâng cao chất lượng hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, cơ chế quản lý, tài chính...
Trong khi đó, biên chế cứ tăng mà trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì làm sao mà tăng nổi.
Lần này chúng ta cải cách tiền lương sẽ đi đôi với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế , nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước. Tiếp đó là chúng ta đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, những lần trước ta gặp những khó khăn về nguồn kinh phí, lần này có những giải pháp để có nguồn như mức tăng thu từ ngân sách nhà nước ở địa phương thì để lại ít nhất 50%.
Cùng việc tinh giản biên chế và nguồn tăng thu dành ít nhất 50% thì giải quyết được ít nhất về số lượng con người và giải quyết được cả về khoản tiền. Tiền dùng cho cải cách năm nay không hết thì tiếp tục dùng cho năm sau để cải cách.
. Xin cám ơn ông.
Tiến tới vững chắc và hội nhập quốc tế
Mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới là cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân.
Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Phó Thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ,Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công