Theo dự kiến, sáng 30/10, bị cáo Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, trú tại tỉnh Cao Bằng) sẽ bị TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi". Thẩm phán Nguyễn Hữu Minh - Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ là chủ tọa phiên tòa. Thu được xác định là người đã bắt cóc cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi) khi bé trai chơi tại công viên Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Ninh).
Khoảng 17h ngày 21/8, anh Nguyễn Văn Hưng (ở TP Bắc Ninh) cùng con trai là cháu Nguyễn Cao Gia Bảo đến công viên Nguyễn Văn Cừ chơi. Tại đây, anh Hưng để cháu Bảo lại khu vui chơi và ra mua nước, khi quay lại đã không thấy con trai đâu. Quá trình điều tra, công an đã công bố hình ảnh 1 người phụ nữ đã dắt tay cháu Bảo ra khỏi công viên và đưa đi bằng xe máy. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định nghi phạm đã đưa cháu Gia Bảo bằng xe máy vượt quãng đường hàng trăm cây số từ Bắc Ninh về tỉnh Tuyên Quang. Đêm 22/8, công an giải cứu được cháu Nguyễn Cao Gia Bảo.
Theo lời khai của Thu, vào quãng thời gian trên, đối tượng đi xe máy từ nhà trọ ở TP Bắc Ninh đến Công viên Nguyễn Văn Cừ. Thấy Gia Bảo chơi một mình, Thu đã dụ dỗ bằng đồ ăn rồi đưa về phòng trọ. Sáng hôm sau, Thu đưa bé trai đến phòng trọ của người yêu là anh Đặng Văn Bằng và nói đây là con của hai người. Sau đó, Thu cùng người tình đưa cháu Bảo về nhà anh Bằng ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thì bị bắt giữ.
Cơ quan chức năng xác định, Thu từng có chồng, con ở Cao Bằng. Năm 2017, đối tượng này sống chung với anh Đặng Văn Bằng nhưng giấu chuyện đã kết hôn và có con riêng. Một năm sau, anh Bằng phát hiện sự việc nên bắt Thu về quê làm thủ tục ly hôn với chồng cũ. Thu khai lúc này đã mang thai 4 tháng với anh Bằng. Đầu năm 2019, Thu sinh con trai nhưng đứa bé tử vong. Giấu anh Bằng chuyện này, Thu lên kế hoạch bắt cóc bé trai tầm tuổi đứa con đã mất của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Thu bắt cóc bé Gia Bảo nhằm nói dối với anh Bằng về đứa con chung.
Đối tượng Thu thời điểm bị bắt giữ (ảnh TL)
Bình luận về vụ việc này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, việc đối tượng Thu đã lợi dụng sơ hở của cha cháu bé để đưa cháu đi thì đây là hành vi chiếm đoạt trẻ em. Do đó, việc đối tượng này sẽ bị xét xử về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo Điều 153 (BLHS 2015) là đúng các quy định hiện hành.
Theo luật sư Long, pháp luật cũng luôn có những quy định cụ thể để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền tự do của công dân trong đó có trẻ em (người dưới 16 tuổi). Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Hành vi xâm phạm đến đối tượng là người dưới 16 tuổi thì mức chế tài sẽ nghiêm khắc hơn.
"Việc giao trẻ em cho người khác trông nom, quản lý phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý. Các đối tượng đã không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ mà đưa trẻ ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ dù với mục đích là "giành quyền chăm sóc, giáo dục" thì đây là hành vi chiếm đoạt trẻ em. Theo quy định, trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi và mọi hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau thì các đối tượng phạm tội sẽ phải chịu mức án từ 05 năm đến 10 năm tù. Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì có thể chịu mức án cao nhất lên đến 15 năm tù giam. Tôi mong rằng, tại phiên tòa tới, HĐXX sẽ có phán quyết phù hợp với quy định pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Long nhấn mạnh.
Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.