Mùa đông lạnh nhất trong khoảng 5 năm gần đây
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và môi trường) thông tin, từ tháng 11-2018, thời tiết có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng từ 60-70%. Hơn nữa, ghi nhận cho thấy, mùa rét năm nay đến sớm và sẽ lạnh hơn.
Cụ thể, trong tháng 9 đã xuất hiện hai đợt không khí lạnh tràn xuống, và trong tháng 10 này sẽ có 4 đợt không khí lạnh.
Trong đó, đợt không khí lạnh hiện tại được dự báo sẽ suy yếu từ ngày mai, 18-10, trời giảm mưa, hửng nắng nhẹ, nền nhiệt nhích lên mức 24-26 độ C. Từ thứ Bảy, trời sẽ xuất hiện nắng hanh, nhiệt độ tăng lên.
Nhưng từ ngày 23-10 sẽ tiếp tục có một đợt không khí lạnh nữa tràn xuống, đợt không khí lạnh này được dự báo có cường độ không mạnh, khiến nền nhiệt các tỉnh Bắc bộ giảm ở mức lạnh về đêm và sáng.
Thấp nhất ở mức 18-20 độ C, cao nhất về ban ngày ở mức 23-25 độ C.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, nhiệt độ trung bình mùa đông năm nay tại các tỉnh khu vực Bắc bộ trong các tháng 11, tháng 3-2019 và tháng 4-2019 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 1 độ C.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn
Tháng 12, tháng 1 và tháng 2 sẽ là tâm điểm rét của mùa Đông năm nay. Đây cũng là thời điểm xuất hiện dày đặc các đợt rét đậm, rét hại, xuất hiện băng giá ở một số khu vực vùng núi cao như Sa Pa, Sìn Hồ, Phia Oắc (Cao Bằng).
Dự báo, mùa Đông năm nay xuất hiện từ 2-4 đợt băng giá.
“Với các dấu hiệu trên cho thấy, mùa Đông năm nay được dự báo sẽ lạnh nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây”- ông Lê Thanh Hải nhận định.
Mưa bão còn ít và khả năng thiếu nước mùa khô
Cụ thể, trong mùa Đông Xuân 2018-2019, thời gian xuất hiện rét đậm, rét hại có khả năng tương đương so với trung bình (khoảng nửa cuối tháng 12-2018).
Các đợt rét đậm, rét hại trong mùa Đông Xuân 2018-2019 không kéo dài, nhưng vẫn có khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 4-7 ngày tập trung trong tháng 1-2019 và nửa đầu tháng 2-2019.
Về tình hình bão và áp thấp nhiệt đới từ nay đến cuối năm, ông Lê Thanh Hải thông tin, năm nay đã ghi nhận 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, qua quan trắc cho thấy, trong thời gian tới, chưa thấy dấu hiệu của một cơn bão, hay áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện.
Dự báo, từ nay đến hết năm 2018, có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có khoảng 1 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung bộ.
Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Biển Đông không nhiều như năm 2016 và 2017.
Ngoài bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ.
Nếu như các tháng đầu năm 2018, đặc biệt là mùa mưa năm nay có lượng mưa nhiều hơn, số ngày mưa trong tháng nhiều hơn thì về cuối năm, lượng mưa và số ngày có mưa cũng sẽ ở mức bình thường.
Đáng nói, theo dự báo xa, mùa Đông Xuân 2018-2019, lượng mưa sẽ thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-25%. Cảnh báo khả năng thiếu hụt mưa trong các tháng chính mùa mưa và ít mưa trong những tháng đầu năm 2019, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung bộ.
Còn mực nước trên hệ thống sông Đà ở Bắc bộ lại có xu hướng cao hơn từ 5-40% so với TBNN cùng thời kỳ nhưng ở khu vực Việt Bắc, trên sông Thao, sông Chảy và sông Lô thiếu hụt từ 10-50%; khu vực Đồng Bằng Bắc bộ hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10-30%.
Mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức 0,3-0,4m xuất hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3-2019.Tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Đông Bắc trong các đầu mùa khô năm 2019.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là những dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về mùa Đông Xuân 2018-2019, vì dự báo xa nên độ chính xác thường không cao. Do đó, các bản tin dự báo sẽ được cập nhật khi có sự thay đổi”- ông Lê Thanh Hải nói.
>> Xem bài gốcTại Đây