Sẽ chuyển BN 91 sang BV Chợ Rẫy để hồi sức tích cực

BT |

Hiện tình hình nhiễm trùng của BN 91 được khống chế tạm ổn bằng kháng sinh. Phổi của bệnh nhân đã giảm đông đặc, tỷ lệ còn gần 80% so với trước đó là 90%.

Theo bản tin lúc 6h ngày 20/5 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, BN 91 ((43 tuổi, phi công người Anh, đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM) đã trải qua 2 tháng 2 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Bệnh nhân hiện không sốt, vẫn tiếp tục ECMO ngày thứ 44 và sự sống gần như phụ thuộc vào ECMO.

Có một tin mừng là bệnh nhân đã 5 lần âm tính liên tục với SARS-CoV-2 (11 ngày liên tục âm tính) và đã ngừng dẫn lưu màng phổi; tỷ lệ đông đặc phổi giảm từ 90% xuống còn gần 80%; tình hình nhiễm trùng được khống chế tạm ổn bằng kháng sinh; kết quả chụp CT não không thấy tổn thương nghi ngờ nhồi máu, xuất huyết não.

Mặc dù sức khỏe của của bệnh nhân COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam có cải thiện, nhưng tại buổi hội chẩn vào chiều 19/5 của Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá, bệnh nhân chưa đủ điều kiện để ghép phổi. Các chuyên gia thống nhất việc ghép phổi chỉ được thực hiện khi bệnh nhân bảo đảm về sức khoẻ và các yếu tố liên quan đạt yêu cầu.

Theo các chuyên gia, để chuẩn bị cho phương án ghép phổi, bệnh nhân cần được chụp chiếu kỹ đánh giá tổng trạng sức khỏe. Đây là lần thứ 2 bệnh nhân chụp CT-scan trong 2 tháng điều trị tại viện. Trước đó, vào ngày 13/5, kết quả CT-scan phổi cho thấy toàn bộ 2 lá phổi đã xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.

Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ nguy kịch nếu dứt ECMO, nên cách duy nhất để cứu bệnh nhân khỏi nguy kịch là ghép phổi.

Các thành viên tham gia hội chẩn cũng thống nhất, nếu kết quả nuôi cấy virus của BN 91 âm tính hoàn toàn, sẽ chuyển bệnh nhân về Trung tâm điều trị chuyên sâu về hồi sức tích cực tại BV Chợ Rẫy theo dõi, điều trị để có thể ghép phổi khi đủ điều kiện.

Hiện BV Chợ Rẫy đang sửa lại khu điều trị cho bảo đảm an toàn khi bệnh nhân chuyển sang.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị nêu rõ, về vấn đề chuyên môn sâu của hồi sức tích cực cho BN 91, Hội đồng chuyên môn giao BV Chợ Rẫy lên kế hoạch điều trị. Về vấn đề ngoại khoa chuyên sâu, giao BV Việt Đức lên kế hoạch cụ thể để ghép phổi khi đủ điều kiện cả về sức khỏe của bệnh nhân, lẫn nguồn phổi hiến tặng.

Hội đồng chuyên môn và các chuyên gia sẽ tiếp tục cùng hội chẩn về trường hợp bệnh nhân này khi cần thiết. "Với tinh thần ‘còn nước còn tát’ và sự tiến bộ của y học Việt Nam hiện nay, chúng ta nỗ lực hết sức có thể để điều trị, cứu chữa bệnh nhân này", ông Khuê nhấn mạnh.

Liên quan đến kinh phí, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, Hội Doanh nhân trẻ và nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị và ghép phổi cho bệnh nhân.

Trước đó, đề cập tới khả năng ghép phổi cho BN 91, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, trên thế giới đã có 3 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng ghép phổi thành công.

Việt Nam cũng đã ghép phổi thành công cho một số trường hợp trước đó. Do đó, Việt Nam có đủ năng lực và trình độ để ghép phổi cho BN 91, nhưng các bác sĩ vẫn ưu tiên hàng đầu là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm, BN 91 nếu không ghép phổi thì khả năng tử vong cao. Tuy nhiên, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng, nên các y, bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại