Theo đó, tại Dự thảo, chi phí quản lý đối với bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 10) sẽ gồm:
Chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải cách thủ tục hành chính về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi mua sắm hiện đại hóa hệ thống quản lý.
Chi phí in ấn, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo.
Chi phí bảo quản, lưu trữ tài liệu có liên quan về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chi hỗ trợ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ liên quan về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trong đó, mức hỗ trợ cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng.
Đối với công chức, viên chức thường xuyên phải đi kiểm tra, xác minh hồ sơ đối tượng hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại khu dân cư mà tự túc bằng phương tiện cá nhân và không thuộc phạm vi thanh toán chế độ công tác phí theo quy định, thì được hỗ trợ theo phương thức khoán tiền tự túc phương tiện (gồm tiền nhiên liệu, khấu hao xe và chi phí gửi xe) tối đa không quá 01 lần mức lương cơ sở/người/tháng; trong đó, mức khoán cụ thể do Thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng.
Chi phí chuyển tiền chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại.
Chi hoạt động phối hợp kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệpvà các nhiệm vụ liên quan về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như hỗ trợ công tác phối hợp chỉ đạo, chế độ công tác phí, làm đêm, thêm giờ, chi phí xăng xe hoặc thuê phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Chi không thường xuyên gồm chi nghiên cứu khoa học cấp cơ sở - thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài và đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam về thực hiện chính sách chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do cấp có thẩm quyền quyết định; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, về chuyển kinh phí chi trả chế độ và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Dự thảo sửa đổi, bổ sung như sau:
Trước ngày 25 hằng tháng, BHXH Việt Nam chuyển kinh phí chi trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng mức chi bình quân một tháng của dự toán được cấp có thẩm quyền giao trong năm để BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chi trả cho người thụ hưởng trong tháng tiếp theo. Trường hợp mức chi trong tháng thay đổi, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an có văn bản gửi BHXH Việt Nam để cấp kinh phí chi trả chế độ kịp thời.
Định kỳ trước ngày 10 của tháng đầu tiên trong quý, BHXH Việt Nam chuyển chi phí quản lý của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, Cục Việc làm, Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng bình quân một quý của dự toán được giao.
Trường hợp đến ngày 10/01 năm hiện hành chưa có dự toán được cấp có thẩm quyền giao, BHXH Việt Nam chuyển kinh phí bằng mức bình quân một quý của dự toán được giao năm trước liền kề.
Số chênh lệch giữa số kinh phí chuyển và số bình quân một quý của dự toán năm hiện hành được bù trừ vào số kinh phí cấp của quý II năm hiện hành.
Việc chuyển kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo cấp đủ và đúng thời hạn theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/09/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước".