SCMP: Tư tưởng Tập Cận Bình trở thành kim chỉ nam cho nền kinh tế Trung Quốc

Hồng Anh |

Theo đánh giá, ông Tập Cận Bình dường như đã "thay thế" vai trò của Thủ tướng để trở thành đầu tàu của các chính sách kinh tế tại Trung Quốc hiện nay.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) cho hay, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc ngày 20/12 vừa qua đã giới thiệu chính sách kinh tế và xã hội mang tên Tư tưởng của Tập Cận Bình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.

Hội nghị nhất trí thông qua tư tưởng kinh tế này và đồng thời nhấn mạnh vai trò định hướng phát triển tại Trung Quốc trong những năm tới..

SCMP nhận định, tư tưởng kinh tế này, hay còn được giới quan sát gọi là Xiconomics đã chính thức khẳng định vai trò quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc hoạch định chính sách kinh tế quốc gia, vốn là nhiệm vụ của Thủ Tướng Lý Khắc Cường.

Theo ông Christopher Balding, phó giáo sư trường Kinh doanh HSBC tại Thâm Quyến có thể coi việc đưa tên người lãnh đạo đất nước vào bộ chính sách này là bước củng cố vai trò ra quyết định của ông Tập trong các vấn đề kinh tế của đất nước.

"Rõ ràng ông Tập đã trở thành động lực của các chính sách kinh tế - một vai trò vốn chỉ dành cho thủ tướng", phó giáo sư Balding nói, "Hội nghị này là cách chính thức hóa những điều hiển nhiên trong suốt thời gian qua".

Động thái này diễn ra chỉ 2 tháng sau khi hệ tư tưởng mang tên ông Tập được chính thức đưa vào điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc. Với việc hợp thức hóa này, ông Tập trở thành lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Ông Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc nhận định, việc hội nghị trên ủng hộ học thuyết kinh tế Tập Cận Bình đồng nghĩa với việc tư tưởng này sẽ được duy trì đến khi Trung Quốc đạt được bước chuyển lớn về trọng tâm phát triển. Ông dự tính "bước chuyển" này sẽ mất từ 5 đến 10 năm.

"Áp dụng tư tưởng này về lâu dài không có nghĩa là theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng thực tế, mà là để theo đuổi các nguyên tắc và lý tưởng quản lý. Tôi tin rằng hệ tư tưởng này sẽ còn được duy trì đến khi Trung Quốc giải quyết được những ‘mâu thuẫn xã hội’ trong nước", Lu nói.

Theo điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, "mâu thuẫn xã hội" là rào cản chính ngăn chặn sự phát triển của xã hội. Trong hơn ba thập kỉ, nó được thể hiện trong căng thẳng giữa nhu cầu về vật chất và văn hóa ngày càng gia tăng của người dân và suy giảm năng suất sản xuất xã hội.

Nhưng tại Đại hội Đảng hồi tháng 10, "mâu thuẫn xã hội" được định nghĩa là sự phát triển "mất cân bằng và thiếu tương xứng", ngăn cản người dân Trung Quốc xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho chính họ.

Trong một sự kiện quan trọng khác hồi thứ Tư tuần qua, các quan chức đã đề cập đến một loạt các vấn đề cụ thể thường nhật thường không được nhắc đến tại các kì Hội nghị trung ương liên quan đến các vấn đề giáo dục, y tế, an ninh mạng…

Theo ông Balding, điều này cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng đảm bảo các quan chức địa phương thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao phó.

[VIDEO] 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19 ra mắt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại