Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá cả thị trường trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 không có biến động lớn. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng nhẹ theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường vào ngày mùng 4, 5 Tết, một số mặt hàng giảm nhẹ.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường.
Trong các ngày Tết đến mùng 5, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức như cận Tết và cục bộ một số chợ dân sinh có tăng giá một vài mặt hàng như thịt bò, thủy hải sản do người bán vẫn ít và dự kiến sẽ sớm trở lại ổn định sau Tết.
Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây chỉ tăng nhẹ cục bộ trong các ngày nghỉ lễ Tết mùng 1 đến mùng 3 tại một số chợ dân sinh thành phố lớn do người bán không nhiều và nhanh chóng trở lại bình thường vào ngày mùng 4, 5 Tết. Nhìn chung giá rau củ quả trong dịp Tết năm nay không có đột biến, thậm chí có xu hướng thấp hơn so với cùng kỳ các năm và so với ngày thường.
Cục Quản lý giá nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, các lễ hội hầu như đều được tạm dừng không tổ chức, các dịch vụ hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng có những hạn chế nhất định tại những tỉnh chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Do đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân sẽ chỉ tập trung ở một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và dự báo sẽ không có biến động lớn; giá cả hàng hóa sẽ nhanh chóng trở lại mức của ngày thường.
Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết và quý I/2020, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.
Cụ thể thực hiện các giải pháp đã được đề ra trên nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; thận trọng trong những tháng đầu năm để tránh lạm phát kỳ vọng thời điểm dịch bệnh.