Theo tài liệu báo cáo cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, về các vụ tiền gửi bị mất của khách hàng, trong năm 2017, Eximbank có phát sinh 02 vụ rủi ro tiền lớn là vụ việc 06 khách hàng gửi hơn 50 tỷ đồng vào phòng giao dịch Đô Lương, tỉnh Nghệ An và khách hàng Chu Thị Bình gửi tiền 245 tỷ đồng vào chi nhánh TP.HCM. Hai vụ việc có tính chất tương đồng.
Với vụ của bà Chu Thị Bình, theo Eximbank, từ cuối tháng 2/2017, ngân hàng này đã phát hiện số dư tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình trên hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch so với số dư thể hiện trên các sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ.
Ngay khi phát hiện vụ việc, Eximbank đã có đơn gửi cơ quan Cảnh sát điều tra để xác minh làm rõ.
Ngày 12/6/2017, C44 thông báo cho Eximbank về chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan là chữ ký thật. Ngày 07/12/2017, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã đối với ông Hưng.
Xét thấy chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình trong khi vụ án chưa có kết luận điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền tiết kiệm cho bà Bình, nên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Trong khi chờ phán quyết của Tòa án, Eximbank vẫn có thiện chí để có thể cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý, đúng quy định pháp luật, ngân hàng này cho biết.
Sau sự việc, Eximbank đã tăng cường kiểm tra, rà soát công tác huy động vốn trong ngân hàng, kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài vụ của bà Chu Thị Bình và vụ việc ở Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Trả lời cổ đông thắc mắc về vụ mất tiền tại ĐHĐCĐ năm 2018, cổ đông cho rằng qua vụ mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng khiến uy tín của Eximbank rất giảm sút. Cổ đông nêu câu hỏi: Vậy Tổng giám đốc có từ chức không?
Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết vụ Đô Lương, Nghệ An xảy ra từ 2013 – đầu năm 2016.
Vụ bà Chu Thị Bình có thể xảy ra từ năm 2010 – đầu năm 2016 bộc lộ. Vụ việc đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng trong giai đoạn điều hành của HĐQT hiện nay. HĐQT chắc chắn thừa nhận những vụ việc này.
Ngay sau vụ việc này, Eximbak đã rà soát khách hàng tiền gửi lớn và cải thiện hệ thống quản trị rủi ro cũng như phát hiện sớm rủi ro cho khách hàng.
Eximbank cũng thực hiện luân chuyển cán bộ được triển khai từ giữa năm 2017 đến nay để tránh những trường hợp xảy ra mất tiền như trước đó.
Về việc từ chức, ông Quyết cho biết ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Eximbank từ cách đây 2 năm, và cam kết sẽ đưa Eximbank trở lại Top lớn ngân hàng và xử lý hết tồn đọng. "Tôi cho rằng HĐQT nên tìm người mới phù hợp hơn", ông Quyết nói.